Ảnh minh họa
Thực tế thời gian qua, việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng nhiều lúc, nhiều nơi làm một cách qua loa, hình thức, chiếu lệ. Nghị quyết 04-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”. Nhiều cấp ủy tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đánh giá, phân loại tổ chức Đảng và đảng viên chưa tập trung mổ xẻ những vấn đề tồn tại, hạn chế của tập thể và mỗi cá nhân cấp ủy, cán bộ, đảng viên, dẫn đến sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên bị giảm sút.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải nói đến: Việc quy định, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình chưa sát với tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, vẫn còn cứng nhắc theo một khuôn mẫu nhất định; nhận thức của không ít tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vị trí, mục đích, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình chưa đầy đủ và đúng đắn; chưa phát huy được vai trò giám sát, góp ý của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đối với tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và lề lối, tác phong làm việc; việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng cấp trên đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong tự phê bình và phê bình chưa nghiêm túc và hiệu quả.
Tình hình trên dẫn đến việc đánh giá cán bộ, đảng viên còn chung chung, chưa quan tâm đánh giá những chỉ số về tính tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hiến kế… làm cho năng suất, hiệu quả công việc cao hơn. Những người quản lý cán bộ, đảng viên trong nhiều cơ quan, đơn vị chưa có cơ chế, phương pháp quản lý tốt về thời gian làm việc, đo đếm được cường độ lao động, năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, từ đó có chính sách khen thưởng, khuyến khích tài năng, sự cố gắng vươn lên của cán bộ, đảng viên, đồng thời ngăn chặn được tình trạng tự nhận loại không khách quan, chính xác, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên theo khuynh hướng bình quân, cào bằng, “phân chia” danh hiệụ thi đua.
Để tạo được sự chuyển biến, khắc phục hạn chế, tồn tại trong tự phê bình và phê bình, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trước hết phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình; có quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức tự phê bình và phê bình theo hướng linh hoạt, chặt chẽ, sát với đặc điểm của mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện nguyên tắc quan trọng này. Nghiên cứu để thực hiện việc xin ý kiến về 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ trước khi tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hằng năm; có thể Ban Thường vụ thì xin ý kiến Ban Chấp hành, Ban Chấp hành thì xin ý kiến cán bộ cốt cán, cơ quan, đơn vị nơi mình công tác… Từ kênh tham khảo này tổng hợp lại để tự xây dựng báo cáo kiểm điểm và cũng là cơ sở để góp ý phê bình giúp nhau một cách có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Quá trình tổ chức tự phê bình và phê bình phải tạo được bầu không khí dân chủ, mỗi cán bộ, đảng viên phải giám thẳng thắn nhận khuyết điểm và chỉ ra khuyết điểm của đồng chí khác trên cơ sở "tình đồng chí yêu thương giúp đỡ lẫn nhau".
Tự phê bình và phê bình có mục đích giúp các cá nhân và tập thể thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận rõ khuyết điểm để sửa chữa, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của các đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau, "trị bệnh cứu người". Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, không tiếp thu sự giúp đỡ của tập thể thì phải xử lý thích đáng theo quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật. Những cán bộ, đảng viên có vi phạm nhưng tự giác kiểm điểm, tự phê bình nghiêm túc, tích cực sữa chữa, khắc phục sẽ được xem xét giảm nhẹ hình thức xử lý theo quy định.
Nguyễn Thăng Long - Chủ nhiệm UBKT Thị ủy Hồng Lĩnh
Tin mới cập nhật
- Thông tin Kỳ họp Thứ 37 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ( 20/12)
- Thông báo kết quả Kỳ họp Thứ 34, 35, 36 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ( 21/11)
- Tập trung hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024; chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 ( 15/10)
- Huyện Thạch Hà: Những cán bộ cơ sở tâm huyết trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ( 20/08)
- Thông tin về các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ( 13/08)
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 ( 10/07)