Một số vấn đề về thực hiện quy trình kép trong một cuộc kiểm tra
EmailPrintAa
16:50 05/12/2017

Thực hiện quy trình kép trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo (sau đây gọi chung là một cuộc kiểm tra) là việc thực hiện đồng thời giữa quy trình một cuộc kiểm tra với quy trình xem xét, thi hành kỷ luật hoặc đề nghị thi hành kỷ luật nếu quá trình kiểm tra phát hiện đối tượng kiểm tra có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật hoặc đối tượng kiểm tra tự nhận có vi phạm.

Ảnh minh họa

Thời gian qua, ủy ban kiểm tra các cấp ở Hà Tĩnh đã thực hiện việc xem xét, xử lý kỷ luật đối với một số đảng viên có vi phạm ngay trong quá trình tiến hành cuộc kiểm tra, đã góp phần giảm bớt các cuộc họp của các tổ chức đảng và xử lý kịp thời đối với đảng viên vi phạm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế và khó khăn cần được khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả và thực hiện đúng nguyên tắc trong công tác kiểm tra và xử lý kỷ luật của Đảng.

Qua nghiên cứu hồ sơ một số cuộc kiểm tra của ủy ban kiểm tra cấp huyện cho thấy, việc thực hiện quy trình kép ở một số đơn vị chưa đúng theo quy định của Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, như: Sau khi kết thúc kiểm tra, trong báo cáo của tổ kiểm tra có đưa nội dung kiến nghị ủy ban kiểm tra cho thực hiện quy trình kép hoặc trong thông báo kết luận kiểm tra có mục chỉ đạo thực hiện quy trình kép đối với đảng viên vi phạm. Nếu thực hiện như vậy thì không thể gọi là thực hiện quy trình kép, vì quy trình thẩm tra, xác minh đã kết thúc, cuộc kiểm tra đã hoàn thành. Nguyên nhân chủ yếu của việc nhận thức và thực hiện không đúng quy trình kép trong một cuộc kiểm tra là do cán bộ kiểm tra chưa nắm vững quy trình kiểm tra theo quy định của Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy.

Để bảo đảm thực hiện đúng quy trình kép trong một cuộc kiểm tra, cần quan tâm một số điểm sau đây:

Một là: Phải hiểu quy trình kép là việc thực hiện đồng thời quy trình kiểm tra với quy trình xem xét, (đề nghị) thi hành kỷ luật trong một cuộc kiểm tra, không phải chờ khi thực hiện kiểm tra xong mới quay lại làm quy trình xem xét, thi hành kỷ luật; vì vậy, khi thực hiện quy trình kép, một số cuộc họp và thủ tục sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, việc giảm bớt các cuộc họp và thủ tục không có nghĩa là bỏ qua các quy trình mà thực hiện đồng thời “hai trong một”, tức là vừa thực hiện quy trình một cuộc kiểm tra, vừa thực hiện quy trình xem xét, (đề nghị) thi hành kỷ luật theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Đảng.

Hai là: Để thực hiện được quy trình kép đòi hỏi tổ kiểm tra phải tiến hành thẩm tra, xác minh kỹ lưỡng, bảo đảm khách quan, chính xác, đúng người, đúng lỗi phạm, có cơ sở để xem xét, (đề nghị) xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm theo quy định của Đảng. 

Ba là: Trên cơ sở kết quả thẩm tra, xác minh, tổ kiểm tra cần làm việc với tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm để họ thừa nhận những lỗi phạm của mình, từ đó kiểm điểm thành khẩn, tự nhận hình thức kỷ luật nghiêm túc.

Bốn là: Tại các hội nghị của các tổ chức đảng theo quy trình kép, tổ kiểm tra phải trình bày dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra; tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trình bày tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật; đồng thời, tổ kiểm tra cũng phải phân tích, làm rõ để tất cả thành viên dự họp nhận thức đầy đủ việc xem xét, (đề nghị) thi hành kỷ luật là trách nhiệm của tổ chức đảng khi phát hiện tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, nhằm tạo sự đồng thuận, đạt được mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện quy trình kép.

Năm là: Hội nghị ủy ban kiểm tra để xem xét, kết luận cuộc kiểm tra cũng đồng thời tiến hành quy trình xem xét, (đề nghị) thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, vì vậy, thành phần dự hội nghị, ngoài thành viên ủy ban kiểm tra và tổ kiểm tra, phải mời đảng viên vi phạm và tổ chức đảng vi phạm để trình bày tự kiểm điểm, mời đại diện tổ chức đảng quản lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm tham dự để trình bày ý kiến (theo quy trình xem xét, xử lý kỷ luật).

Sau khi ủy ban kiểm tra xem xét, thống nhất kết luận, bỏ phiếu biểu quyết (đề nghị) thi hành kỷ luật, tổ kiểm tra tham mưu ủy ban kiểm tra ban hành thông báo kết luận kiểm tra, quyết định thi hành kỷ luật hoặc báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật.

Trên đây là một số nội dung có tính chất trao đổi kinh nghiệm về thực hiện quy trình kép trong công tác kiểm tra của Đảng.

Nguyễn Văn Lựu - Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc