Những vấn đề đặt ra cho Ngành kiểm tra Đảng Hà Tĩnh trước thuận lợi và thách thức mới
EmailPrintAa
15:17 27/12/2016

Thách thức, yêu cầu đặt ra rất lớn, nhưng với với việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết, quy định, hướng dẫn, kết luận về công tác kiểm tra, giám sát, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy các cấp, sự quyết tâm của toàn Ngành, tin tưởng Ngành Kiểm tra Đảng Hà Tĩnh thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
 
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Đảng bộ tỉnh  

Trong những năm qua, được sự giúp đỡ của Trung ương, sự đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã có bước tăng trưởng kinh tế khá cao; nhiều dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng và từng bước phát huy hiệu quả; phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, bắt nhịp được với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.

Tuy vậy, bước vào năm 2016 tỉnh nhà phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp; đầu năm rét đậm, rét hại; tháng 10, tháng 11 lũ chồng lũ; cùng với đó là sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân, gây phức tạp thêm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch. Về lĩnh vực xây dựng Đảng, ở một số nơi còn có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Tình hình và yêu cầu mới đặt ra cho công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nhiều thời cơ cũng như thách thức đan xen. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo đảm cho từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh. Theo chúng tôi, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức đó đòi hỏi Ngành Kiểm tra Đảng Hà Tĩnh phải có quyết tâm lớn, nỗ lực cao, bền bỉ phấn đấu, kiên trì thực hiện, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tham mưu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Cấp ủy các cấp, trước hết là người đứng đầu cấp ủy phải có nhận thức sâu sắc về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Kịp thời nêu gương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát để tạo sức lan tỏa trong toàn Đảng bộ.

Thứ hai, xác định công tác kiểm tra, giám sát của Đảng xuất phát và phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của từng địa phương, đơn vị và của toàn tỉnh. Thông qua kiểm tra, giám sát, Nghành Kiểm tra phải giúp các cấp ủy phát huy, nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, yếu kém; tháo gỡ, xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đồng thời, quan tâm kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và được xã hội quan tâm. Chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện và kịp thời để tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm gắn với việc xem xét, giải quyết hiệu quả đơn thư tố cáo, khiếu nại của tổ chức đảng và đảng viên, tránh để tồn đọng, tạo điểm nóng. 

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công và phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”, nhằm phát hiện sớm những sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa, xử lý theo quy định. Kết quả kiểm tra, giám sát, kết luận phải khách quan, công tâm, chính xác; nếu sai phạm đến mức phải kỷ luật cần xử lý nghiêm minh, sai phạm về kinh tế phải kiên quyết thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước, nhằm nâng cao ý thức tự giác và kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữ công tác kiểm tra, giám sát với công tác tổ chức cán bộ trong việc thẩm tra, xác minh phẩm chất, tác phong, đạo đức, lối sống nhằm phục vụ công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy quản lý, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thứ năm, ủy ban kiểm tra các cấp phải chủ động tham mưu kịp thời, có hiệu quả giúp cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Việc kiểm tra, giám sát tổ chức đảng phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đảng. Khi triển khai nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phải thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên để vận dụng phù hợp vào địa phương, đơn vị mình. 

Thứ sáu, ủy ban kiểm tra các cấp phải kịp thời tham mưu giúp cấp ủy bổ sung những quy định mới vào Chương trình công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Quy chế làm việc của kiểm tra, giám sát cấp ủy toàn khóa nhiệm kỳ 2015-2020 bảo đảm chất lượng, thiết thực, có trọng tâm trọng điểm theo tinh thần Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 25-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng và Kết luận số 28-KL/TU, ngày 24/9/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. 

Thứ bảy, kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; Kết luận số 05-KL/TU, ngày 29-6-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về một số chủ trương nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị”. Thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng.

Với những kết quả đã được trong những năm qua, tin chắc rằng nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác kiểm tra, giám sát của Ngành Kiểm tra Đảng Hà Tĩnh tiếp tục khắc phục khó khăn, tích cực, chủ động tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và thực hiện tốt nhiệm vụ cấp ủy giao, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

Nguyễn Văn Lựu - Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc