Nhiều chuyên gia đánh giá nền kinh tế Việt Nam có sức hút và triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc trong thời gian qua. (Ảnh: MINH DUY)
Tọa đàm “Ngày Việt Nam” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) có mặt tại Việt Nam, có chủ đề “Thích ứng hướng tới thịnh vượng bền vững: Thách thức của Việt Nam trong việc điều hòa thu nhập cao và lượng khí thải carbon ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050”.
Phát biểu khai mạc tại tọa đàm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, "Ngày Việt Nam" là một sáng kiến đầy ý nghĩa trong bối cảnh hai nước nỗ lực củng cố quan hệ song phương đi vào chiều sâu.
Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 10 vừa qua đánh dấu bước ngoặt mang tính quyết định trong quan hệ hai nước, thông qua việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Việc tổ chức tọa đàm thể hiện tinh thần hợp tác, tin cậy và năng động giữa Việt Nam và Pháp.
Tham dự tọa đàm có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, cùng đông đảo các chuyên gia Việt Nam và Pháp. (Ảnh: KHẢI HOÀN)
Gửi lời cảm ơn AFD vì cam kết lâu dài đối với sự phát triển của Việt Nam. Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định, trong những năm qua, AFD là đối tác quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn. Thông qua hỗ trợ chuyên môn và tài chính, AFD đã góp phần giúp Việt Nam hiện thực hóa nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam được thế giới đánh giá cao về phát triển kinh tế, cũng như nhận thức quốc gia trước những thách thức về môi trường.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng gửi lời cảm ơn AFD vì cam kết lâu dài đối với sự phát triển của Việt Nam. (Ảnh: MINH DUY)
Bà Marie-Noelle Woillez, chuyên gia nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu thuộc AFD cho biết, năm 2024 được coi là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử toàn cầu, với mức nhiệt cao hơn 1,64 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngành nông nghiệp chắc chắn bị tác động bởi biến đổi khí hậu, với mực nước biển dâng cao ảnh hưởng đến hai vùng đồng bằng và ven biển, cùng nhiều thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ.
Cùng với đó, các dự báo trong hàng chục năm tới cho thấy xu hướng nóng lên của khí hậu có khả năng được đẩy nhanh. Do vậy, biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho nền kinh tế và xã hội của bất kỳ quốc gia nào. Vấn đề nước ngầm vô cùng cấp thiết đối với sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Bà Marie-Noelle Woillez cũng chỉ ra một số thực trạng diễn ra ở nhiều nơi như nước ngầm ở bề mặt khó có thể sử dụng do ô nhiễm môi trường cùng với sự xâm nhập mặn do nước biển dâng cao.
Đề cập đến việc Việt Nam sẵn sàng mời AFD tăng cường hỗ trợ cho các dự án chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu và quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long, bà Marie-Noelle Woillez cho rằng, các hoạt động hợp tác đôi bên không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam, mà còn tăng cường sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Pháp.
Cũng trong tọa đàm, Giáo sư Trần Quốc Tuấn, giảng viên Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân quốc gia Pháp (INSTN) thuộc Đại học Paris-Saclay, kiêm giám đốc nghiên cứu Ủy ban Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế (CEA) cung cấp các phân tích dữ liệu về thói quen di chuyển của người dân Việt Nam nhằm cải thiện các dịch vụ vận tải.
Giáo sư Trần Quốc Tuấn khẳng định, cần giảm thiểu việc phát thải khí CO 2 , xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy quản lý hệ thống năng lượng và an ninh mạng.
Chia sẻ cùng quan điểm về việc cần tăng cường công tác chuyển đổi năng lượng, chuyên gia Henri Waisman, Viện phát triển bền vững và quan hệ quốc tế Pháp (IDDRI) nhấn mạnh sự cần thiết của công tác phối hợp giữa chính quyền và các chủ thể, cũng như sự huy động và tranh thủ mọi đòn bẩy khác nhau để phát huy quá trình chuyển đổi.
Ông Henri Waisman cho rằng cần giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong ba lĩnh vực: sản xuất điện, vận tải hành khách và sử dụng đất. Nhiều quốc gia đang phát triển còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Do đó, người dân cần được tuyên truyền rộng rãi về việc thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm dần sự phụ thuộc ấy.
“Hợp tác quốc tế là một yếu tố không thế thiếu cho sự thành công của quá trình chuyển đổi năng lượng”, chuyên gia Viện IDDRI nhận định.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có sự ổn định chính trị-xã hội cao, cùng với sự thận trọng trong việc điều hành các công cụ chính sách, trong đó có ngân sách và tiền tệ. Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức hút và triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc. Do đó, Việt Nam dễ dàng trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tìm hướng đầu tư mới.
Việt Nam đang tham gia vào quá trình chuyển đổi sinh thái và năng lượng với nhiều ý tưởng và tham vọng. Do đó, Việt Nam mong muốn phối hợp trao đổi chuyên gia và nguồn lực từ phía AFD, bao gồm tư vấn kỹ thuật để tối ưu hóa công tác lựa chọn công nghệ, cải thiện thể chế và thiết lập các mô hình quản trị hiệu quả.
Nguồn: KHẢI HOÀN - MINH DUY, Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp/nhandan.vn
(https://nhandan.vn/afd-danh-gia-cao-viet-nam-trong-long-ghep-muc-tieu-kinh-te-va-phat-trien-ben-vung-post844625.html)
Tin mới cập nhật
- Triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để "cả hai cùng thắng" ( 17/12)
- Cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ tết ( 13/12)
- Giải pháp trọng tâm đẩy mạnh tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 ( 10/12)
- Việt Nam và Singapore tăng cường giám sát trong triển khai các hiệp định về lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số ( 03/12)
- Việt Nam, World Bank tăng cường hợp tác, hiện thực hóa các đề xuất mới ( 21/11)
- Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và khu vực APEC ( 15/11)