Để kỳ vọng thành hiện thực
EmailPrintAa
15:40 15/05/2020

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” ra đời được dư luận đặt rất nhiều kỳ vọng.

Ai cũng mong khi luật và nghị định được áp dụng sẽ kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người dân uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện. Tuy vậy, tình trạng đó cải thiện không đáng kể.

Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2020, tình trạng người dân uống rượu, bia giảm sâu, TNGT cũng giảm ở các tiêu chí. Cùng có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, luật và nghị định có những chế tài rất mạnh, trong đó hành vi "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" bị cấm hoàn toàn. Hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia” cũng bị cấm. Không chỉ người điều khiển phương tiện có động cơ mà người đi xe đạp, xe thô sơ có nồng độ cồn cũng bị xử phạt. Nghị định 100 khiến các tài xế biết sợ, còn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia khiến cán bộ, công chức phải giữ mình...

Cục Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra lái xe vi phạm nồng độ cồn trên các tuyến cao tốc. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô.

Khỏi phải nói dư luận đã thể hiện sự đồng tình cao với các chế tài pháp luật đó như thế nào. Tất cả đều kỳ vọng Việt Nam sẽ không còn mang tiếng “là nước có tỷ lệ tiêu thụ rượu, bia thuộc nhóm cao nhất thế giới” bởi hàng loạt hệ lụy do tình trạng uống rượu, bia quá mức gây ra. Vậy mà thời gian qua, nhất là khi Chính phủ nới lỏng cách ly xã hội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì tình trạng người lái xe uống rượu, bia, vi phạm quy định an toàn giao thông trở lại phổ biến như chưa có nghị định. Ở đâu cũng có thể bắt gặp cảnh tượng trước cửa các quán nhậu, từng hàng xe máy, ô tô đậu dài, phía trong thực khách ăn uống mà nhiều trong số đó là người tự điều khiển phương tiện của mình.

Vì sao thực trạng đó không được cải thiện? Đầu tiên phải nói rằng, văn hóa uống rượu, bia đã ăn rất sâu vào thói quen của chúng ta. Trong khi đó, quá trình duy trì, xử lý của các lực lượng chức năng đối với hành vi vi phạm uống rượu, bia khi lái xe trong thời gian qua đã gặp những trở ngại lớn khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Cũng phải nói thêm rằng, một số cơ quan, đơn vị đã buông lỏng các quy định quản lý đối với cán bộ, công chức trong thực hiện cấm uống rượu, bia.

Muốn thay đổi một thói quen không tốt cần có hai điều kiện tiên quyết. Thứ nhất, sự chuyển biến trong nhận thức của chính mỗi người. Thứ hai, duy trì nghiêm quy định, chế tài luật pháp giám sát, xử lý những vi phạm đó. Thiếu một trong hai điều kiện đó đều khó mang lại hiệu quả.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức người dân từ bỏ thói quen uống rượu, bia cần làm thường xuyên, liên tục; thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi có thể. Giờ đây, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, dư luận rất mong các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật, nghị định. Nói như một số ý kiến, cứ “đánh mạnh vào túi tiền” của người uống rượu, bia mới làm cho họ sợ. Ở một góc nhìn khác, thấy rằng, trong một xã hội, quan trọng nhất là thượng tôn pháp luật. Nếu luật ra đời mà không được duy trì thực hiện nghiêm sẽ dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”. Vô pháp là điều nguy hiểm cho xã hội.

Suy cho cùng, quyền cao nhất của con người là quyền được sống, được bảo vệ tính mạng của mình. Mỗi khi đi ra đường, được trở về nhà an toàn là hạnh phúc lớn nhất của mỗi người dân, mỗi gia đình. Cơ quan chức năng vận hành hệ thống luật pháp có trách nhiệm để bảo đảm quyền đó cho xã hội.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc