Để Dân ca Ví, Giặm Nghệ -Tĩnh sống mãi với thời gian
EmailPrintAa
16:35 12/01/2015

Là người con của quê hương xứ Nghệ, tôi hết sức bồi hồi và xúc động khi nhận được tin Dân ca Ví, Giặm Nghệ -Tĩnh đã được UNESCO công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Chưa ai khẳng định được Dân ca Ví, Giặm Nghệ -Tĩnh ra đời từ lúc nào, nhưng nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh, trong nước và quốc tế cho biết: Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh có thể ra đời cách đây khoảng 3.000 năm, là đặc sản diễn xướng của cư dân Việt cổ thuộc Nhà nước Việt Thường Thị (là một quốc gia có phạm vi tương ứng với vùng Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay ở Việt Nam).
 

Truyền dạy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: Minh Đức

 

Ví, Giặm gồm thể vè 5 chữ và thơ lục bát được cư dân xứ Nghệ đặt ra để hát cho nhau nghe, cùng nhau thưởng thức, rồi cùng nhau sáng tác truyền lại cho nhau trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt gắn với những không gian quen thuộc như đồng ruộng, xóm thôn, cây đa, bến nước, sân đình. Trong không gian sinh hoạt đó, mọi thành viên đều có thể sáng tác ngay tức thì lời ca để hát cho nhau nghe hoặc để hát đối đáp với nhau. Đây là đặc trưng của Ví, Giặm Nghệ -Tĩnh mà ít làn điệu diễn xướng khác có được. Những lời ca mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh tế, súc tích, sâu lắng phản ánh sinh động cuộc sống, phong tục, tập quán, với cung bậc cảm xúc khác nhau của những cư dân nơi miền quê lam lũ mà sâu nặng nghĩa tình. Có thể nói Ví, Giặm Nghệ -Tĩnh xuất hiện và trường tồn hàng thế kỷ, nhưng trải qua biến thiên của lịch sử cho đến nay loại hình nghệ thuật diễn xướng này không còn môi trường để phát huy như trước nữa mà dần dần xa rời cộng đồng bởi sự lấn át của các loại hình âm nhạc khác... Tuy nhiên, những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, cấp ủy, chính quyền và ngành văn hóa Nghệ An - Hà Tĩnh đã có những hoạt động tích cực nhằm giữ gìn và phát huy tinh hoa của các làn điệu dân ca Ví, Giặm góp bảo tồn, nâng cao bản sắc văn hóa của quê hương, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng thêm phong phú. Cùng với việc đầu tư xây dựng các Nhà hát Truyền thống, xây dựng các Câu lạc bộ hát dân ca cộng đồng đã làm sống lại những làn điệu dân ca Ví, Giặm tưởng như đã mai một, thất truyền. Theo đó các cuộc liên hoan hát dân ca Ví, Giặm cũng được các địa phương tổ chức khá đều đặn. Mặc dầu trong điều kiện hoàn cảnh mới, không còn duy trì được lối hát diễn xướng truyền thống như trước nhưng việc sân khấu hóa các làn điệu dân ca Ví, Giặm bằng những tổ khúc dân ca, đối ca, hoạt cảnh dân ca, kịch hát dân ca của các nghệ nhân, nhạc sỹ, người yêu thích dân ca Ví, Giặm đã giữ lửa cho mạch nguồn dân ca xứ Nghệ được sống mãi cùng thời gian.

Đêm 27/11/2014 tại Paris, được chứng kiến Chủ tịch Hội nghị Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO chính thức “gõ búa” công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, ông Nguyễn Thiện – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh không nén nối xúc động: "Đây là niềm vinh dự và tự hào của cán bộ, nhân dân 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Để xứng đáng với niềm tin của bạn bè quốc tế, chúng tôi sẽ có chiến lược và kế hoạch với các nội dung cụ thể nhằm phát huy thế mạnh của di sản, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu hơn về giá trị của di sản và tổ chức sưu tầm nghiên cứu, truyền dạy qua các sinh hoạt cộng đồng, đồng thời tổ chức các liên hoan Ví, Giặm các cấp, ban hành chính sách với các nghệ nhân, các câu lạc bộ; chính quyền các cấp phải đầu tư kinh phí cùng với xã hội hóa để Dân ca Ví, Giặm mãi mãi trường tồn cùng thời gian”. Có thể nói để được UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” ngoài ý nghĩa và giá trị văn hóa vốn có của nó phải kể đến công lao của những người làm công tác văn hóa 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Họ là những cán bộ, nghệ nhân, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu trong một thời gian dài đã sưu tầm, nghiên cứu và nâng cao vốn văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của vùng đất có “núi Hồng soi bóng dòng Lam”. Từ những làn điệu dân ca Ví, Giặm cải biên lời cổ, đến những ca khúc mang âm hưởng dân ca không chỉ được người Nghệ Tĩnh sáng tác và thể hiện thành công mà nhiều nhạc sỹ, ca sỹ, người yêu thích ca hát trong cả nước đã chọn chất liệu dân ca Ví, Giặm làm âm hưởng cho tác phẩm của mình. Điều đó vừa khẳng định tính hấp dẫn, sự lôi cuốn của loại hình nghệ thuật này, vừa là hành động góp phần bảo tồn vốn cổ rất đáng trân trọng trong xu thế hiện nay.

Là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và đã có nhiều tác phẩm phổ biến trong công chúng, chúng tôi nghĩ rằng: Muốn bảo tồn phát huy được “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, trước hết cần phải có sự quyết tâm chính trị cao hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp ở 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Quyết tâm đó không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà phải bằng các cơ chế chính sách, bằng những việc làm cụ thể thiết thực vì sự hưng thịnh của loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Theo đó phải có kế hoạch triển khai việc sưu tầm lời cổ, bảo tồn các làn điệu gốc, phục hồi các hình thức diễn xướng cộng đồng nhằm giữ cho được nét đặc sắc vốn có của dân ca Ví, Giặm. Muốn làm được điều này, ngoài việc hỗ trợ kinh phí khuyến khích các nghệ nhân, các câu lạc bộ sưu tầm giới thiệu các làn điệu cổ cần phải tranh thủ sự hiểu biết của các vị cao niên có vốn sống dồi dào về dân ca Ví, Giặm. Bởi qua thực tế có những người dù được công nhân là nghệ nhân nhưng do tiếp cận với dân ca Ví, Giặm muộn nên có những làn điệu vẫn chưa thể hiện đúng nguyên gốc của nó. Hiện nay trên địa bàn Nghệ - Tĩnh đã có hàng trăm câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm ra đời và đi vào hoạt động thu hút hàng ngàn hội viên tham gia. Các câu lạc bộ này là hạt nhân trong các kỳ liên hoan, biểu diễn phục vụ đời sống tinh thần của người dân địa phương. Đây là cơ sở thuận lợi để các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục cho ra đời thêm nhiều câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa vừa truyền dạy, nhân rộng loại hình này trong đời sống cộng đồng. Với sự quan tâm của địa phương, những năm gần đây, các dự án đưa dân ca Ví, Giặm vào trường học đã được thực hiện và mang lại kết quả nhất định. Đây là một thành công đáng được ghi nhận và cũng là tiền đề quan trọng để góp phần nhân rộng mô hình đối với tất cả các cấp học, ngành học. Muốn vậy phải có những chương trình giáo dục chính khóa về dân ca Ví, Giặm trong trường học. Đây chính là nơi lưu giữ, bảo tồn lâu nhất và khoa học nhất về loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Bởi vậy, để dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh xứng đáng là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, cấp ủy, chính quyền địa phương cần sớm xây dựng và ban hành các chính sách cụ thể và có chiến lược dài hơi cho loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Có như vậy, Dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh mới sống mãi với thời gian và song hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước.

Trần Vũ Thìn


    Ý kiến bạn đọc