Giải pháp toàn diện và căn bản phát triển vụ Xuân 2015
EmailPrintAa
16:54 12/01/2015

Năm 2014, sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh đạt kết quả toàn diện trên tất cả các mặt. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 14.137 tỷ đồng, tăng 5,7%, trong đó: nông nghiệp 11.431 tỷ đồng, lâm nghiệp 1.092 tỷ đồng, thủy sản 1.614 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích 65 triệu đồng/ha; sản lượng lương thực cả năm đạt 53,8 vạn tấn, vượt 1,5% kế hoạch, tăng 6,5% so với năm 2013; sản lượng thịt hơi các loại 87.800 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 11,7% so với năm 2013; tổng sản lượng thủy sản 43.400 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 3,1% so với năm 2013. Các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực có lợi thế tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, xây dựng nhiều mô hình, tạo dòng sản phẩm đồng nhất, có chất lượng cao, áp dụng công nghệ tiên tiến gắn với xây dựng thương hiệu và cho thu nhập khá cao.
 

Tập trung sản xuất để có vụ mùa bội thu. Ảnh: P.V

 

Năm cũ sắp đi qua, sản xuất nông nghiệp lại bước vào một năm mới, một vụ mới, với nhiều thuận lợi, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, cơ quan khí tượng thế giới thì khu vực Đông Nam Châu Á sẽ bị tác động bởi hiện tượng El-Nino (75% xác xuất), theo đó nền nhiệt bình quân của mùa đông sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-1,50C. El-Nino sẽ kéo theo hiệu ứng khô hạn, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp. Thời tiết vụ xuân “nghiêng ấm” là cơ hội tốt cho côn trùng đẩy nhanh vòng đời, nguồn thức ăn sẵn có hơn, ký chủ tốt hơn, vì vậy vụ xuân ấm kèm theo hạn hán sẽ đối mặt với áp lực sâu bệnh, chuột phát sinh và gây hại nhiều hơn. Sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị chưa nhiều, hàng hóa nông sản chủ yếu đang ở dạng chế biến thô; công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu chưa phát triển mạnh nên giá trị gia tăng thấp, thiếu bền vững. Vai trò “đầu kéo” của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp chưa lớn, chỉ mới phát triển trên một số sản phẩm.

Xác định vụ Xuân năm 2015 là vụ sản xuất có ý nghĩa quyết định trong năm, là vụ đầu tiên trong thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp 5 năm giai đoạn 2015 - 2020, tạo tiền đề, động lực cho việc thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TU ngày 27/10/2014 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định số 3199/QĐ- UBND ngày 23/10/2014 về việc giao chỉ tiêu định hướng một số chỉ tiêu chủ yếu Kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2015, tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Đề án sản xuất vụ Xuân 2015 đến tận đội ngũ cán bộ cấp xã. Với quan điểm tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng nền sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy tối đa tiềm năng về tự nhiên, lao động, lợi thế về sản xuất và thị trường các sản phẩm hàng hoá chủ lực.Ưu tiên tổ chức lại sản xuất theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư; thực hiện mô hình vừa tập trung, vừa phân tán, đồng nhất về giống, công nghệ sản xuất, tạo sự đồng nhất về sản phẩm, tăng quy mô và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, xây dựng thương hiệu, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất vụ Xuân năm 2015, phải tập trung tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến và quán triệt tổ chức thực hiện Chỉ thị 42 của Tỉnh uỷ, nội dung Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ chuyên môn, quản lý nhà nước các cấp, các doanh nghiệp và người nông dân để từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thức tổ chức sản xuất nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, tăng thu nhập cho người dân. Quán triệt và tổ chức chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án sản xuất vụ Xuân, Đề án tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; các phương án phòng chống chống hạn và giảm nhẹ thiên tai. Kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Chỉ thị, Công điện chỉ đạo sản xuất, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại, nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp do thiên tai gây ra.

Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu giống và thời vụ, chuyển đổi căn bản, toàn diện từ sản xuất Đông Xuân truyền thống sang sản xuất vụ Xuân; tăng diện tích trà Xuân muộn lên 90% tổng diện tích gieo cấy, bố trí hợp lý trà xuân trung 10% tổng diện tích, xóa bỏ triệt để trà Xuân sớm. Vận động người dân mạnh dạn đưa các loại giống mới có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tăng cường đầu tư thâm canh, giảm số lượng giống gieo cấy trên đồng ruộng, phấn đấu mỗi trà gieo cấy 3 - 4 giống, mỗi cánh đồng 1 - 2 giống. Chính quyền các cấp và ngành chuyên môn phải thường xuyên bám sát, chỉ đạo bà con sử dụng đúng giống, đúng thời vụ theo Đề án sản xuất vụ Xuân của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bài học chưa xa ở một số địa phương khi bỏ qua lịch thời vụ, xuống giống trước kế hoạch cả chục ngày khiến hàng trăm ha lúa trổ bông sớm gặp đợt rét cuối mùa làm giảm năng suất. Vụ xuân 2014, trên 300 ha tiếp tục đi vào “vết xe đổ” khi gieo, cấy giống IR 1820, đến tháng giữa tháng 6 lúa vẫn “đứng giữa trời”, rồi câu chuyện cơ cấu giống một đằng, xuống giống một nẻo của một số địa phương đã làm nhiều hộ gia đình thất thu... Năm nay, từ kinh nghiệm nhiều năm, vụ Xuân ấm đồng nghĩa với rét “nàng bân” sẽ đến muộn, nếu không bố trí lịch thời vụ khoa học, chủ động sẽ không còn “nước lùi” - lúa trổ bông vào dịp thời tiết bất thuận. Theo đó, khung lịch an toàn để lúa trổ tập trung từ 25/4 - 30/4, kết thúc trước 05/5, bắt đầu xuống giống từ 25/12/2014 - 25/01/2015, tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại giống để gieo mạ trong khung thời vụ phù hợp (những vùng thâm canh, đất tôt, tưới tiêu chủ động bố trí đầu khung thời vụ, những vùng đất xấu, trình độ thâm canh của người dân thấp bố trí giữa và cuối khung thời vụ). Những vùng chủ động thủy lợi thời vụ gieo thẳng chậm hơn so với thời vụ bắc mạ 07 - 10 ngày. Về cơ cấu giống, toàn tỉnh gieo cấy các loại giống có thời gian sinh trưởng dưới 145 ngày, gồm nhóm chủ lực: P6, HT1, Nếp 87, Nếp 98, Bắc thơm 7 và một số nhóm có tiềm năng năng suất cao: BTE1, Nhị ưu 838, TH3-3. Ngoài ra, các vùng đặc thù bố trí các giống KD18, KDĐB, XM12, Xi23, NX 30, C.ưu đa hệ số 1, Đại Dương 8, Syn 6 phù hợp với từng vùng sinh thái và đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật của ngành chuyên môn.

Giải pháp kỹ thuật là các địa phương phải sớm ra quân làm đất, cày lật gốc rạ, vừa đáp ứng yêu cầu thâm canh cũng là giải pháp phòng trừ chuột và sâu bệnh tiềm ẩn trong vụ xuân ấm. Quan trọng nhất, phải phủ ni lông 100% diện tích mạ xuân muộn để chống rét cho mạ; không xuống giống trong thời tiết rét đậm, rét hại. Tưới nước - một yếu tố vô cùng quan trọng với lúa xuân, giai đoạn lúa đẻ nhánh và làm đòng không thể để thiếu nước, do đó cần điều tiết nước hợp lý để đồng lúa khỏe mạnh, bộ rể phát triển, hút dinh dưỡng tốt và cứng cây, chống đổ, vừa tiết kiệm nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu. Chủ động trong công tác phòng trừ sâu bệnh, điều tra, phát hiện, dự tính dự báo, phòng trừ kịp thời không để sâu bệnh phát sinh thành dịch, chú ý các giống mẫn cảm, chân đất, ruộng thường xuyên có ổ bệnh; tuân thủ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác động môi trường. Tuyên truyền, vận động và xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, mạnh dạn chuyển số diện tích lúa ở chân đất cao, khó tưới, chân pha cát, thịt nhẹ sang các cây trồng cạn có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ và cho hiệu quả cao hơn.

Song hành cùng các giải pháp kỹ thuật, cần tập trung, quyết liệt trong quản lý chặt chẽ công tác du nhập, khảo nghiệm, đưa các giống mới vào sản xuất thử, chấp hành nghiêm túc Pháp lệnh Giống cây trồng và các văn bản quản lý nhà nước về giống cây trồng; quản lý hoạt động kinh doanh, cung ứng giống trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các tập thể, cá nhân vị phạm. Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm các hàng hóa nông sản, thủy sản theo chuỗi sản phẩm. Chủ động kêu gọi, thu hút và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục đầu tư vào nông nghiệp theo hình thức liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành các chuổi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực có hiệu quả, giá trị gia tăng cao.

 Tuy còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của ngành chuyên môn, sự cần cù chịu khó, sáng tạo và đồng thuận của bà con nông dân, chúng ta tin tưởng sản xuất vụ xuân 2015 sẽ thắng lợi toàn diện, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của tỉnh nhà.

Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


    Ý kiến bạn đọc