Nghệ thuật quân sự với ý chí bất khuất là nhân tố quyết định thắng lợi trong các cuộc chiến tranh vệ quốc
EmailPrintAa
14:36 16/01/2015

Nhìn lại lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta, chúng ta vô cùng tự hào với những trang sử chống giặc ngoại xâm chói lọi, hào hùng. Có những chiến thắng đã vượt trên tầm vóc của một quốc gia vươn ra tầm thế giới, khiến cả thế giới phải kính phục, ngưỡng mộ. Còn gì tự hào hơn khi được sinh ra và lớn lên ở một dân tộc anh hùng, đã dũng cảm đứng lên chống chọi với các thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất. Nhân tố để làm nên những chiến thắng vang dội, có ý nghĩa lịch sử vĩ đại đó, ngoài lòng yêu nước thiết tha của các dân tộc Việt Nam, thì người Việt Nam qua các triều đại đã sáng tạo ra những nghệ thuật quân sự tài tình, với ý chí không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào. Nghệ thuật quân sự với ý chí sắt đá đó đã được lịch sử minh chứng một cách hùng hồn qua các thời kỳ.
 

Một đơn vị tên lửa SA - 2 của QĐNDVN trước giờ chiến đấu (18/12/1972)

 

Ngay từ đầu thiên niên kỉ thứ nhất sau Công nguyên, năm 40 - 43 (sau Công nguyên), bởi nợ nước thù nhà Hai Bà Trưng đã đứng lên đánh đuổi quân nhà Hán đặt ách thống trị lên đất nước ta. Với những lời thề son sắt: “Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng. Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”, “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta”.

Trước họa xâm lăng của quân Nguyên Mông vua nhà Trần họp hội nghị Bình Than lấy ý kiến các tướng lĩnh: “Đánh hay hòa?” thì Trần Thủ Độ đã khẳng khái trả lời rằng: “Đầu tôi chưa rơi xin bệ hạ hãy bình tâm”. Những lời thề, những câu nói ngắn gọn nhưng đã thể hiện tinh thần quyết tâm, không chịu khuất phục của các tướng lĩnh trước âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù.

Khi quân nhà Tống sang xâm lược nước ta, trước thế mạnh của giặc trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã đọc 4 câu thơ thánh để động viên quân sĩ và làm yên lòng vua tôi: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Bốn câu thơ này vừa khẳng định quân dân ta nhất định đánh thắng đồng thời cũng được coi là bản tuyên ngôn đanh thép đầu tiên của nước ta.

Trần Bình Trọng một vị tướng tài của nhà Trần khi bị địch bắt tra tấn dã man ông không khai báo, chúng đi đến dụ dỗ nếu ông đầu hàng thì chúng sẽ phong tước vương cho ông. Ông đã khẳng khái chửi thẳng vào mặt giặc: “Thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”, rồi Thoát Hoan ra lệnh sát hại ông, lúc đó ông mới tròn 26 tuổi.

Vào những ngày Tết Kỷ Dậu năm 1789 Nguyễn Huệ tấn công đánh bại 20 vạn quân Thanh trước khi ra trận ông đã nói: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Thời kì thực dân Pháp đô hộ nước ta, nhân dân ta khắp nơi nổi dậy chống lại sự đàn áp của chúng. Thực dân Pháp ra sức tàn sát các cuộc khởi nghĩa một cách rất giã man, chúng tuyên bố phải diệt cho hết người An Nam nếu họ còn chống lại Pháp. Trước tình hình đó, nhà yêu nước Nguyễn Trung Trực đã có câu nói nổi tiếng, khẳng định đanh thép: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, nước Nam mới hết người đánh Tây”.

Vào những thập kỉ đầu thế kỉ 20 - thời kỳ các chí sĩ yêu nước, các nhà cách mạng đi tìm đường cứu nước đã để lại cho lịch sử, cho các thế hệ người Việt Nam sau này những câu nói rất khí khái thể hiện ý chí cách mạng rất hùng hồn, như đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, ông đã để lại cho muôn thế hệ một câu nói sáng ngời về ý chí cách mạng: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Anh Lý Tự Trọng - Người thanh niên cộng sản đầu tiên đã nói: “Con đường thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không có con đường nào khác”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có rất nhiều câu nói thể hiện quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng và thống nhất đất nước như: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được độc lập” (Hồ Chí Minh)...

Từ ý chí sắt đá, bất khuất của các bậc tiền nhân, các anh hùng dân tộc qua nhiều thời đại nói trên đã sáng tạo ra những nghệ thuật quân sự rất nổi tiếng: “Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng, lấy ít đánh nhiều, lấy nhân tâm thắng cường bạo, lấy thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân thắng chiến tranh xâm lược. Trải qua 1000 năm Bắc thuộc, gần 100 năm Pháp thuộc, nhất là 30 năm chiến đấu đánh bại 2 kẻ thù sừng sỏ đó là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã chứng minh hùng hồn nghệ thuật quân sự của quân và dân ta là: “Thiên biến vạn hóa”. Đánh thắng cả giặc đất, giặc trời, giặc biển”.

Nhìn lại quá trình lịch sử nhân dân ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, trong đó phải kể đến những trận thắng vang dội có ý nghĩa chiến lược như: Ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông (Lần thứ nhất vào năm 1258, Lần thứ 2 vào năm 1285, Lần thứ 3 vào năm 1288); trận Chi Lăng, Xương Giang năm 1427; trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm 1785; trận Ngọc Hồi, Đống Đa năm 1789; chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972; chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Với phương châm “...với chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi…”. Tất cả đó không chỉ là quyết tâm, là khẩu hiệu mà đã trở thành sự thực hùng hồn. Sáng tạo ra nghệ thuật quân sự đó, trước hết là những người cầm quân tài danh, xuất chúng thời nào cũng có. Năm 1984 tại Hoàng gia Anh đã diễn ra một sự kiện quan trọng đó là cuộc bình chọn các tướng, soái tài giỏi trên thế giới qua 2 thiên kỷ, gồm 437 chuyên gia quân sự, các học giả hàng đầu, các học viện quân sự ở các nước lớn trên thế giới tới dự. Kết quả bình chọn được 10 vị tướng tài giỏi nhất. Trong đó Việt Nam vinh dự và tự hào có 2 vị tướng đó là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đánh thắng 2 đế quốc Pháp và Mỹ).

Nhìn lại quá trình chiến tranh vệ quốc của nhân dân, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống yêu nước, về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó phải kể đến ý chí kiên cường bất khuất và nghệ thuật quân sự điêu luyện của nhân dân trong các cuộc chiến tranh. Tất cả điều đó đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam những bài học lịch sử quý giá, sáng ngời để chúng ta tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, sánh vai với các cường quốc, năm châu trên thế giới.

Dương Xuân Thâu


    Ý kiến bạn đọc