Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo
EmailPrintAa
15:31 12/01/2015

Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Biển, đảo không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, cửa ngõ mở rộng quan hệ giao thương với quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh, quốc phòng đồng thời là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ thể hiện tư duy của Đảng ta trong các nghị quyết đại hội mà còn trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Những năm qua, tình hình Biển Đông xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều nước, đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta. Ngư dân nước ta khi ra khơi xa đánh bắt hải sản luôn lo âu bị nước ngoài bắt giữ, nhất là khi đánh bắt trên các vùng biển giáp ranh với các nước khác. Hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, thuộc chủ quyền nước ta được luật pháp quốc tế thừa nhận có lúc bị một số nước ngăn chặn… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, lợi dụng những vấn đề mới phát sinh ở Biển Đông, các lực lượng cơ hội, phản động ở trong và ngoài nước ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, phá hoại công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo và chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của biển đảo, những năm qua công tác tuyên truyền về biển, đảo, chủ quyền biển đảo được xem là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đi trước một bước nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Đảng ta đã nhận định tình hình Biển Đông thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Biển Đông luôn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định và khả năng xuất hiện những động thái mới trong việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; đặc biệt là tham vọng độc chiếm Biển Đông, thôn tính Trường Sa và giành giật “biên giới mềm” của một số nước lớn bằng cách tăng cường hoạt động quân sự, ngoại giao, leo thang về yêu sách chủ quyền. Các loại tội phạm, xâm phạm trái phép, buôn lậu ma túy, chất nổ... trên biển, đảo ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn…Vì vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và quản lý tình hình an ninh biên giới biển, đảo hiện nay đang đặt ra nhiệm vụ mới nặng nề hơn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp trên Biển Đông, công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn hiện nay cần phải tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm tạo sự đồng thuận, đoàn kết, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo. Để thực hiện tốt điều đó, công tác Tuyên giáo cần quan tâm một số nội dung sau:

Trước hết, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng một cách chính xác; kịp thời thông tin về tình hình biển, đảo đến mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó cần tiếp tục tuyên truyền về việc xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là vấn đề chiến lược, mang tính cấp bách, đòi hỏi những người làm công tác tuyên truyền biển, đảo cần bám sát thực tiễn tình hình, không ngừng tuyên truyền về các điều khoản và nghĩa vụ phải chấp hành các quy định của luật pháp Việt Nam khi hoạt động hoặc tham gia lưu thông trong phạm vi lãnh hải, các vùng nội thuỷ, vùng đảo, quần đảo và khu vực đặc quyền kinh tế trên biển Việt Nam; về các quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc thực thi quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo, quần đảo và các khu vực đặc quyền kinh tế biển trên cơ sở lịch sử và Công ước quốc tế về Luật Biển 1982. Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển, đảo Việt Nam nói chung, của vùng biển Hà Tĩnh nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tầm quan trọng của biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh; Vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tranh chấp biển, đảo để xuyên tạc, kích động, gây mất ổn định tình hình trên địa bàn.

Hai là, chú trọng đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền lưu động thông qua các hoạt động văn hóa – văn nghệ, tuyên truyền thông qua việc treo băng rôn, khẩu hiệu, panô, ap phích tại các trục đường chính, các điểm trung tâm; qua việc trưng bày những tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa,... thì các nội dung về chủ quyền biển, đảo còn được tuyên truyền thông qua các hội nghị báo cáo viên, nhất là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... Cùng với việc đa dạng hóa hình thức, ngành tuyên giáo còn chú trọng đổi mới phương pháp bằng cách lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm, quy mô, cấp độ, địa bàn cụ thể, đặc biệt cần chú trọng phát huy lợi thế của các phương tiện truyền thông hiện đại, có sức lan tỏa lớn như internet, qua đó góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Để thực hiện được các nội dung trên, ngành chúng ta phải tiếp tục kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động tuyên truyền nói chung và công tác tuyên truyền biển, đảo nói riêng đạt hiệu quả, góp phần định hướng nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về chủ quyền biển, đảo.

Thái Hà


    Ý kiến bạn đọc