Chuyện lập làng nơi núi Cà Đay
EmailPrintAa
09:37 06/07/2015

Chúng tôi lên Hương Liên (Hương Khê) một sáng mùa xuân. Giữa làn sương bạc, trái núi Cà Đay hiện ra như một con voi khổng lồ đang nhoài mình ra dòng sông Ngàn Sâu hút nước. Từ thế kỷ 20, mấy ai biết được trong những lùm cây hang hốc của núi Cà Đay này đã một thời âm thầm, lặng lẽ cưu mang trên mình cả bộ tộc người sống lay lắt, hoang dã như thời nguyên thủy. Đó là bộ tộc người Chứt. Sự xuất hiện của họ lúc ấy chỉ như "mảnh ghép" giữa đại ngàn. Họ đã góp phần làm đa dạng thêm hệ sinh thái của dãy Trường Sơn. Phải đến tháng 1 năm 2001, sau khi biết người Chứt còn tồn tại, bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã thành lập tổ công tác "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) thì người Chứt thực sự được khai trí.

Chúng tôi lên Hương Liên (Hương Khê) một sáng mùa xuân. Giữa làn sương bạc, trái núi Cà Đay hiện ra như một con voi khổng lồ đang nhoài mình ra dòng sông Ngàn Sâu hút nước. Từ thế kỷ 20, mấy ai biết được trong những lùm cây hang hốc của núi Cà Đay này đã một thời âm thầm, lặng lẽ cưu mang trên mình cả bộ tộc người sống lay lắt, hoang dã như thời nguyên thủy. Đó là bộ tộc người Chứt. Sự xuất hiện của họ lúc ấy chỉ như "mảnh ghép" giữa đại ngàn. Họ đã góp phần làm đa dạng thêm hệ sinh thái của dãy Trường Sơn. Phải đến tháng 1 năm 2001, sau khi biết người Chứt còn tồn tại, bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã thành lập tổ công tác "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) thì người Chứt thực sự được khai trí.

Người Chứt không phải là "con thú hoang lạc giữa rừng sâu", nhưng từ trong hang đá vạch rừng đi ra thì họ thực sự đã choáng ngợp ánh sáng văn minh của loài người. Vì thế để đưa họ hòa nhập vào cộng đồng thì đòi hỏi người lính Biên phòng ngoài sự kiên trì, gương mẫu còn phải giàu lòng nhân ái. Và điều quan trọng là phải có một niềm tin. Niềm tin ấy được sinh ra từ nghị lực anh bộ đội Cụ Hồ. Họ xem việc giúp đỡ đồng bào nghèo biên giới thoát khỏi bóng tối bí bức ngàn đời với những tập tục lạc hậu là một mệnh lệnh thiêng liêng mà Đảng và quân đội giao phó. Để đưa người Chứt hòa nhập cộng động, có cuộc sống ổn định văn minh. Ngoài cơm ăn, áo mặc thì công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp. Một tộc người muốn phát triển bền vững thì trước hết là vấn đề bảo tồn nòi giống. Và hôn nhân là bước đi đầu tiên quyết định thành bại. Khi đề cập tới vấn đề này, Trung tá Dương Thanh Tịnh - Tổ trưởng tổ công tác đã tâm sự: "Biết vậy, nhưng công việc này rất nan giải, bởi ý thức và hủ tục đã cắm rễ sâu vào trong tiềm thức ngàn đời của họ. Trong khi đó, thanh niên người Kinh lân cận cũng chỉ tới giao lưu động viên hoặc để khôi phục các nghi thức, nghi lễ truyền thống chứ chưa ai nghĩ mình sẽ kết hôn với người Chứt". Trước thử thách lớn lao ấy, bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã cùng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đưa người Chứt vào tận Minh Hóa để kết hợp giao lưu với người Rục ở bản Mại, bản Cà Teng cùng nhau ôn lại các tập tục truyền thống như  tết Chăn Cha Phoi (Mừng cơm mới), lễ Lấp Lỗ (gieo hạt) để họ có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ và tạo điều kiện lập gia đình trẻ. Nhưng nắn lòng người khó hơn nắn lòng sông. Sự nỗ lực của các cán bộ chiến sỹ Biên phòng là rất lớn mà kết quả lại không như mong đợi. Đến nay mới có một người ở Bản lấy chồng người Rục (Quảng Bình). Nhưng khi mang thai lại quay về bản cũ sống cùng cha mẹ.

Người Chứt xưa có tập tục đàn bà chuyển dạ sinh nở phải ra gần bờ suối. Sau khi mẹ ráo con khô "do trời định đoạt" lại bế nhau vào hang. Nếp cũ này đã trở thành tập tục trầm kha trong tiềm thức, nên đến nay người Chứt vẫn kiêng kỵ, không cho vợ sinh trong nhà. Đội công tác bộ đội Biên phòng lại phải làm cho họ cái chòi sau hồi, kết hợp hộ sinh và khám bệnh cấp thuốc. Đồng thời các loại bệnh như lao, truyền nhiễm, đường ruột cũng được quân y chăm sóc chu đáo và điều trị kịp thời. Nhờ sự quan tâm đúng mức của bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương nên chất lượng cuộc sống người bản Chứt hôm nay đã nâng lên rõ rệt. Từ chỗ năm 2005 chỉ có 18 hộ với 51 nhân khẩu thì nay bản có 37 hộ với 136 nhân khẩu. Trong đó, có 5 đảng viên sinh hoạt 1 chi bộ bán độc lập. Bản hiện có 45 cháu đi học, trong đó có 3 cháu học cấp 3, số em còn lại học mầm non, tiểu học và nội trú. Đặc biệt, những em đang bậc tiểu học luôn được chiến sỹ biên phòng bảo ban, đưa đón chu đáo vì thế chất lượng học của các em không thua kém học sịnh người Kinh là mấy. Năm 2013, trong hội diễn phong trào văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số tổ chức tại Hà Nội. Bản có 4 thành viên tham dự và đạt giải nhất toàn quốc. Giữa tiếng vỗ tay vang lên của khán giả, nhiều chiến sỹ Biên phòng đã xúc động rơi nước mắt. Từ đây một số hiện vật như Kèn Môi, Đàn Xư Cha Ra Bon, đàn Pí của người Mã Liềng được bảo tồn và phát huy lên một tầm cao mới.

Theo sự hướng dẫn tận tụy của người lính mặc áo quân hàm xanh cắm bản, người Chứt đã biết đưa khoa học kỹ thuật vào canh tác mùa vụ. Năng suất lúa và hoa màu được nâng lên. Tuy vậy, do nhận thức và trình độ quản lý kinh tế kém cỏi nên thường bị kẻ xấu lợi dụng. Có gia đình thu hoạch lúa vừa về đến hiên là khiêng đi đổi rượu, đổi gà. Rồi cả đàn ông và đàn bà nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Như gió vào nhà trống, cái nghèo cái đói cứ luẩn quẩn như vòng mây nuộc lạt bên vành nia miệng rổ. Để chấm dứt tình trạng này, tổ công tác bộ đội Biên phòng lại phải vào rừng chặt tre gỗ làm kho chứa lương thực, đến kỳ lại cấp phát theo từng đợt. Đồng thời người lính cắm bản lại vượt sông về các xã Hương Liên, Hương Lâm gặp hội phụ nữ, trạm y tế, đoàn thanh niên, nhà trường để phối hợp cùng nhau giang tay đùm bọc, giúp đỡ họ. Nhờ làm tốt công tác y tế dự phòng nên nhiều năm nay bản chưa hề xuất hiện bệnh truyền nhiễm và các ổ dịch. Đặc biệt cuộc sống đã không còn cảnh tắt bữa như xưa. Trong bản hiện có 8 hộ mua được xe máy, 32 hộ có ti vi, 2 hộ luôn duy trì được từ 2 đến 5 con trâu, bò chăn dắt theo mô hình sinh sản.

Trên đường về, chúng tôi gặp anh Hồ Sông (22 tuổi) đang vận hành máy trộn cùng bộ đội đổ bê tông rải đường vảo Bản. Gặp tôi, Hồ Sông hồn hậu nói: "Chúng mình phải trộn hết vật liệu trong ngày hôm nay kẻo để lâu xi măng vón cục, lãng phí là có tội với Nhà nước đấy". Câu nói đơn giản nhưng đó là nhận thức lớn lao của một người có biện chứng và khái quát khi họ được khai ân, khai trí. Hy vọng rồi đây lớp trẻ ở bản Chứt sẽ có nhiều công dân như Hồ Sông đóng góp sức lực, trí tuệ của mình xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp hơn .

                                                                                                                Thượng uý Mai Thanh Hải - Hậu Thịnh


    Ý kiến bạn đọc