Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thực hiện những thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong quan hệ hai nước. Gần đây nhất, trong tuyên bố đưa ra hôm 8/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nhắc lại yêu cầu đó: “Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN”. Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
'Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), không có thêm các hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên biển Đông', ông Bình khẳng định.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon trong chuyến thăm Việt Nam ngày 22 và 23/5 đã bày tỏ quan ngại về vấn đề Biển Đông, mong muốn các bên liên quan cùng đối thoại, giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; mong các nước ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ về vấn đề này nếu các bên liên quan đề nghị.
Ngày 13/5, các quan chức hàng đầu phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện về vấn đề Biển Đông. Sự kiện này được đánh giá là động thái thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội Mỹ về những diễn biến bất thường gần đây tại khu vực này. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương David Shear là hai nhân vật chủ chốt tham dự phiên điều trần. Tại cuộc điều trần, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc bồi đắp trên quy mô lớn các bãi đá ở Biển Đông, đồng thời hối thúc Chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải có phản ứng cương quyết hơn đối với những động thái này.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Russel tuyên bố, các hoạt động bồi đắp đất đá của Trung Quốc ở Biển Đông chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực và sẽ không giúp gì cho việc củng cố các tuyên bố chủ quyền tại vùng biển tranh chấp này. Ông cho biết, Chính quyền của Tổng thống Obama kêu gọi kiềm chế trong các tranh chấp lãnh thổ, đồng thời khẳng định, “giải pháp ngoại giao sẽ tiếp tục là công cụ giải quyết đầu tiên của Washington”.
Khi được hỏi Mỹ có thể làm gì để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông, quan chức này khẳng định, Washington sẽ đóng vai trò tích cực ở Biển Đông nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Mỹ và luật pháp quốc tế. Mỹ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.
Trước đó, ngày 12/5, tờ Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter yêu cầu Lầu Năm Góc xem xét điều tàu chiến, máy bay tới khu vực cách các bãi đá ngầm 12 hải lý mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo giới phân tích, động thái này sẽ trực tiếp thách thức nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực tranh chấp.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, kế hoạch được soạn thảo để khẳng định tuyên bố "đảm bảo tự do hàng hải" bằng cách đưa máy bay và tàu chiến ra khu vực quần đảo Trường Sa mà những tháng gần đây ngang nhiên cải tạo nhiều đảo, bãi đá, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Mỹ và khu vực.
Trước những phức tạp xảy ra trên Biển Đông, Chính phủ Nhật Bản bày tỏ thái độ phản đối việc Trung Quốc không ngừng gia tăng căng thẳng và yêu cầu bảo đảm an ninh hàng hải tại khu vực Biển Đông. Ngày 11/5/2015 Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật điều chỉnh an ninh quốc gia. Theo đó, nhằm mở đường cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể giúp đỡ đồng minh và các nước bạn khi bị tấn công. Phía Trung Quốc đã lên tiếng phản đối về dự luật này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định việc thay đổi của Nhật Bản không có ảnh hưởng lớn đến cục diện và những phức tạp hiện nay tại Biển Đông.
Các nước lớn trong khu vực như Nga, Ấn độ đều bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, các nước đều ủng hộ lập trường giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hoà bình, đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tin mới cập nhật
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về thảo luận trong đại hội đảng ( 06/07)
- Điểm chung từ ba danh nhân văn hóa vĩ đại của dân tộc Việt Nam Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh ( 06/07)
- Thả bộ cùng Tiên Điền ( 06/07)
- Đảng bộ trường Đại học Hà Tĩnh thực hiện tốt công tác chỉ đạo Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2015-2017 ( 06/07)
- Nghĩ về trách nhiệm xã hội của người làm báo ( 06/07)
- Quy hoạch báo chí để chống “rác văn hóa” ( 06/07)