Vài Suy nghĩ về giáo dục trẻ em
EmailPrintAa
09:44 06/07/2015

Việc giáo dục trẻ em theo kiểu truyền thống ở Việt nam phần lớn chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo. Việc giáo dục con cái phần lớn là trong phạm vi gia đình là chính, còn môi trường giáo dục ở nhà trường và xã hội nhìn chung chưa ảnh hưởng lớn lắm.

Vấn đề giáo dục con cái ở gia đình xuất phát từ những câu ca dao, hò, vè . . . rất dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người để thông qua đo dạy con cách sống, cách làm người và cũng từ đó hình thành nhân cách của các em. Với điều kiện sinh hoạt vật chất như ngày xưa, rõ ràng các gia đình có đủ điều kiện theo sát con cái của mình hơn.

Việc dạy dỗ con cái không nêntheo kiểu rập khuôn, cứng nhắc như: Người lớn tuổi bao giờ cũng có lợi thế hơn trẻ em, tiếng nói anh cả bao giờ cũng có giá trị cao hơn của em thứ, người nam bao giờ cũng được quý trọng hơn phụ nữ trong một gia đình… Cách giáo dục đó sẽ ảnh hưởng không hay đến tư duy sáng tạo, tính độc lập, tự chủ của trẻ nhỏ. Bởi dạy con không phải là cách áp đặt một chiều, trên nói buộc dưới phải nghe theo một cách máy móc - với tư tưởng áo mặc sao qua khỏi đầu - điều đó đã làm cho trẻ thụ động, không sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của mình, con cái có tâm tư, nguyện vọng gì cũng không dám thổ lộ cùng người lớn.

Trong giai đoạn hiện nay, việc giáo dục trẻ em như thế nào là phù hợp? Phải biết kết hợp cách dạy giỗ truyền thống của cha ông với phương pháp dạy trẻ hiện đại. Ví dụ: vừa dạy con tinh thần yêu nước, yêu đồng bào, đồng loại, kính trên nhường dưới . . . như “Nhiễu điều phủ lấy giá gương.Người trong một nước phải thương nhau cùng”, hay ““Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn”,  “Anh em như thể tay, chân”, “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy . . .”. Nhưng cha mẹ cũng phải tiếp cận cách dạy trẻ sử dụng Internet sao cho hiệu quả, thiết thực (như không quá lạm dụng việc tra google khi học hành, không được chơi games một cách thiếu khoa học, dạy con cách xử lý khi đọc các thông tin trên mạng…) ; dạy con các kỹ năng sống trong thời kỳ mới (dạy con các nói năng, đi đứng, ứng xử với các tình huống xảy ra trong cuộc sống; dạy con biết làm chủ bản thân mình, dạy con cách hòa nhập với bạn bè, với thế giới xung quanh…). Muốn vậy, các bậc lầm cha, làm mẹ phải là tấm gương mẫu mực cho con mình,  phải trang bị cho mình kiến thức đủ để giải thích cho con trẻ những điều con chưa hiểu, bên cạnh đó phải luôn dành thời gian gần gũi con, coi con như “bạn” để sẻ chia, quan tâm.
Xác định việc giáo dục trẻ em trong giai đoạn hiện nay không thể chỉ bó hẹp trong khuôn khổ gia đình, mà còn phải có sự kết hợp cả ba môi trường giáo dục để dạy dỗ các em có một phẩm chất tốt, đó là môi trường gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Việc giáo dục trẻ em hiện nay phải thừa nhận rằng nó mang tính toàn diện hơn trước đây.

Vấn đề giáo dục trẻ em trong môi trường gia đình cũng có nét mới hơn trước ở chỗ thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ trong các mối quan hệ giữa ông, bà, cha, mẹ, con cái. Việc giáo dục theo lối áp đặt tuy còn nhưng ảnh hưởng không lớn lắm so với trước đây, để thay vào đó sự biết lắng nghe, thông cảm với ý kiến của con cái, sự bộc lộ tình cảm, nguyện vọng, ước muốn cá nhân hay những thắc mắc nào đó trẻ cũng có nơi để bộc bạch, tâm sự để người lớn thông cảm, dỗ dành, hay giải thích sự việc.

Về môi trường ở nhà và cộng đồng xã hội việc giáo dục trẻ em hiện nay có nhiều hình thức đa dạng và phong phú với nhiều phương tiện cung cấp thông tin để qua đó giáo dục cho trẻ như : phim ảnh, báo đài, các phong trào văn thể, các phòng đọc sách . . .

Nếu như trước kia trẻ được giáo dục thông qua lời nói, những câu ca dao, tục ngữ truyền miệng là chủ yếu, thì nay việc dạy trẻ em được viết thành sách với nhiều thể loại, nhiều gương điển hình để các em học tập.

Tóm lại, việc giáo dục trẻ em trong giai đoạn hiện nay có những tiến bộ hơn so với giai đoạn trước, nhưng nó vẫn bộc lộ một số  hạn chế không tránh khỏi. Đó là : do quá cưng chiều sinh ra ỷ lại, nhiều lúc cự cãi với người lớn hơn, trẻ cho rằng mình có quyền dân chủ, bình đẳng nên sinh ra dân chủ và bình đẳng quá trớn. Thứ hai, sự gần giũi của cha mẹ đối với con cái ngày một ít đi do cha mẹ phải đi làm, con cái đi học suốt cả ngày từ đó không có thời gian nhiều để trao đổi, tâm sự với nhau nên không hiểu để thông cảm, để chia sẽ cùng nhau những vấn đề xảy ra trong đời sống hàng ngày ; Thứ ba, do ảnh hưởng bởi một số bạn bè xấu, có thể từ những phương tiện nghe, nhìn, tranh ảnh, sách báo nếu không được sự hướng dẫn của người lớn trẻ em cũng có thể bị sa ngã bởi những những mặt trái của chúng.

Nói chung việc giáo dục trẻ em phải là một nghệ thuật, nó phải gắn liền phương pháp giáo dục truyền thống với hiện đại, cùng với những yếu tố thời gian kết hợp với tổng thể các môi trường để hình thành nên nhân cách của một con người, đó cũng là một nét văn hóa lớn trong việc đào tạo một thế hệ mai sau, trong các môi trường giáo dục đó thì giáo dục ở gia đình vẫn là cái cốt lõi nhất.

Tác giả: Trần Văn Chín


    Ý kiến bạn đọc