Ký ức về ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên trên quê tôi
EmailPrintAa
15:39 17/05/2016

Cho đến hôm nay, tôi cũng không thể nào quê được những hình ảnh về ngày Bầu cử Quốc hội đầu tiên trên quê hương mình - Ngày 06/01/1946.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, niềm vui mừng khôn xiết đang dâng trào trong mỗi người dân thì tin vui náo nức lại đến, đó là cả nước chuẩn bị Bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên. Nhận được tin ấy, đâu đâu cũng hừng hực khí thế. Sức sống dạt dào phấn chấn của mỗi người lại được hiện ra một cách mãnh liệt, vừa là niềm vui, vừa là sự kiện mới lạ ngàn năm có một, nên không khí rộn ràng, náo nức ấy thật khó tả. Vui sướng tự hào vì lần đầu tiên được cầm lá phiếu bầu người đại diện cho nhân dân lo toan việc nước. Mới lạ vì trong lịch sử ngàn năm dân tộc Việt Nam chưa bao giờ được quyền phổ thông đầu phiếu, không phân biệt nam nữ, tôn giáo, dân tộc; tất cả đều có quyền bình đẳng để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Bởi thế đi đâu, làm gì đều kháo nhau về việc bầu Quốc hội bằng phổ thông đầu phiếu: bầu như thế nào? Bỏ phiếu cho ai? Nhiều người chưa biết chữ thì làm thế nào để viết được phiếu bầu… Hàng trăm câu hỏi cứ hiện ra trong đầu óc mỗi người. Không khí trong thôn xóm trước ngày bầu cử thật rộn ràng, náo nức, thậm chí quên cả những điều vất vả, bận rộn thường nhật. Nhất là nhà nào có ấm nước chè xanh mới nấu lại có điếu thuốc lào thì sự hội tụ để nghe và bàn chuyện bầu cử Quốc hội càng rôm rả hơn nhiều. Đặc biệt, nơi nào có ông cán bộ xã nắm vững tình hình bầu cử có mặt trong hội “nước, thuốc” ấy thì già trẻ, trai gái không ai bảo ai cũng xúm xít lắng nghe, nhiều người như nuốt hết từng lời của ông cán bộ. Thật sự không có bút nào tả nỗi không khí rộn ràng, vui sướng, náo nức của nhân dân trước ngày bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên.

Hồi ấy, tôi vừa bước vào những tháng đầu của tuổi mười tám, cứ hồi hộp đợi chờ không biết mình có được đi bầu không? Khi nghe Ban bầu cử công bố danh sách cử tri thì tôi đã có tên trong ấy. Ôi chao! Không tung hô mà tưởng như vỡ mất lồng ngực. Vui sướng đến lạ, bởi mình sẽ được đi bỏ phiếu để lựa chọn “đại biểu của nhân dân”. Rồi đến lượt nghe danh sách các ứng cử viên, trong đó có ông Cù Huy Cận - người Hà Tĩnh, ông Trần Quốc Hoàn - người Nghệ An công tác tại Hà Tĩnh thì niềm vui sướng, tự hào như được nhân đôi.

Có gì vui hơn khi đến ngày bầu cử, tôi lại được nhận một trọng trách làm thư ký ở bàn viết thay cho những người chưa biết chữ và các cụ già mắt kém. Đây là một sự kiện bất ngờ, một vinh dự lớn đến với tôi. Thực ra lúc đó tôi cũng chỉ có trình độ văn hóa lớp 3, nhưng do “đất không voi”… nên tôi được nhận trọng trách ấy mà thôi. Suốt cả ngày bận rộn, dồn dập bỏ cả ăn trưa để hoàn thành nhiệm vụ. Niềm vui sướng, nỗi lo lắng cứ xen lẫn trong đầu óc tôi cho đến khi kết thúc bỏ phiếu. Trong thời gian gần một ngày, sơ sơ tôi cũng nhẩm được viết thay cho gần 100 cử tri làm nhiệm vụ vinh quang đầu tiên của người công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thật vất vả nhưng cũng rất tự hào là đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là một sự kiện để lại dấu ấn sâu sắc trong suốt cả đời tôi. Từ đó, cứ mỗi lần bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì những hình ảnh về ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên lại ùa về trong tôi, một cảm giác phấn khởi, rạo rực đến khó tả.

Sau bốn mươi lăm năm ngày chờ đợi, khi nghe kết quả bầu cử Quốc hội thì một lần nữa không khí quê tôi lại náo nức hẳn lên. Khi thông tin trên chòi phát thanh truyền đi thì ai nấy đều im phăng phắc, lắng nghe như rót từng lời vào tai. Những người nghe được tin này trước nhanh chóng chuyển đi cho người khác. Có người bỏ cả việc đồng áng và việc nội trợ để chạy đi loan tin. Không ai bảo ai cứ truyền tin cho nhau, tiếng reo hò râm ran khắp đường làng, ngõ xóm về kết quả bầu cử. Thế là sự kiện ngàn năm có một hiển nhiên đi vào cuộc sống như một sức mạnh thần kỳ. Thực ra lúc đó chưa mấy ai hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ Quốc hội là gì, mà chỉ đinh ninh bốn chữ: “Đại biểu nhân dân” và tự hào rằng từ nay nhân dân ta đã có người do mình bầu ra, thay mặt nhân dân chăm lo việc nước. Chỉ hiểu đến thế, mà ai cũng rất tự hào, yên tâm, tin tưởng tuyệt đối vào cơ quan quyền lực tối cao của đất nước.

Sự kiện trọng đại trên đã diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng ý nghĩa và sức sống của nó thì ngày càng mãnh liệt, ngày càng ăn sâu vào đời sống chính trị của mọi tầng lớp nhân dân. Riêng tôi, sự kiện đó là niềm tự hào, niềm hạnh phúc và kỷ niệm không bao giờ nhạt phai trong ký ức.

Dương Xuân Thâu


    Ý kiến bạn đọc