Âm thầm bước chân những người lính đi tìm đồng đội
EmailPrintAa
10:53 01/11/2016

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Dấu vết của một thời trận mạc hầu như đã bị xóa sổ bởi sự biến thiên và con người. Thế nhưng vẫn có bàn chân của những người lính Việt ngày đêm bất chấp nguy hiểm, gian khổ lùng sục khắp núi rừng, thôn bản Lào, tìm kiếm những đồng đội của mình đang nằm sâu dưới lòng đất nước bạn, đưa họ trở về cùng đất Mẹ.
 

Lãnh đạo Hà Tĩnh và Thủ đô Viêng Chăn, Bôlykhămxay (Lào) thành kính tưởng nhớ các liệt sỹ.

Ảnh: P.V

 

Đá mòn mà đôi gót không mòn”

Thượng tá Hoàng Trọng Thảo - Chính trị viên Đội Quy tập mộ liệt sỹ - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh tạo cho người gặp ấn tượng khó quên ngay từ lần gặp đầu tiên. Với vẻ mặt hiền từ, cách nói chuyện khiêm tốn, mộc mạc, Thảo cuốn hút mọi người khi nói về những người đồng đội của anh quanh năm vất vả, lặng thầm với công việc đi tìm hài cốt các liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.

Đội quy tập của Thảo có 50 người, trong đó có 40 người làm nhiệm vụ quy tập ở Lào. Các anh được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Bôlykhămxay, Thủ đô Viêng Chăn nước CHDCND Lào và tại địa bàn 13 huyện, thị, thành phố của Hà Tĩnh. Đây là một địa bàn trọng điểm trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Số lượng bộ đội, thanh niên xung phong, chuyên gia của nước ta hoạt động trên đất bạn đông, nhiều đơn vị khác nhau, có số lượng hy sinh rất lớn.

Để làm tròn nhiệm vụ khó khăn được giao, đòi hỏi những người lính phải có phẩm chất chính trị tốt, sức khỏe đảm bảo, trách nhiệm cao, ý thức tổ chức, kỷ luật rất nghiêm. Ngoài việc được huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị một cách bài bản, anh em còn được bồi dưỡng tiếng Lào, phương pháp tiến hành công tác dân vận, am hiểu phong tục, tập quán của bạn để vận dụng nhuần nhuyễn khi sang công tác.

Hằng năm, vào mùa mưa, Đội cử một bộ phận sang cùng với bạn khảo sát, thu thập thông tin qua nhiều nguồn, đánh dấu vị trí, làm tiền trạm cho Đội mùa khô sang cất bốc. Chính trị viên Thảo tâm sự, đất nước Lào nói chung địa hình rất hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn. Núi cao, suối sâu, ghềnh thác dựng ngược. Trong lúc đó, mộ phần của các liệt sỹ thường nằm ở vùng sâu vùng xa. Song với anh em trong đội, điều sợ nhất ở Lào vào mùa khô là nước rất hiếm. Nước đối với anh em quý giá hơn cả gạo cơm. Nhiều khi anh em phải bớt các thứ đi, gùi thêm nước để ăn uống, sinh hoạt. Trời nắng gắt, đào bới cả ngày, ai nấy mồ hôi đều nhễ nhãi. Hiếm nước để rửa ráy, ruồi vàng, muỗi vằn nghe mùi mồ hôi lại bu đầy người các anh.

Ngứa ngày, khó chịu vô cùng nhưng chẳng ai dám tắm, mà chỉ đành dùng dao găm chọt đất, hứng những giọt nước hiếm hoi rịn từ trong nhũ đá ra lau người cho đỡ xót xáy. Có ngày hết lương thực, nước uống song nhận được thông tin của bạn cung cấp, anh em phải nhai mỳ tôm sống, đào cả củ rừng, chặt loại cây có nước, sống qua ngày để tiếp tục công việc. “Tất cả vì mộ phần của đồng đội”! Dù khổ mấy nhưng tìm thêm được một hài cốt liệt sỹ là chúng tôi dường như khỏe lại, quên đi mọi sự vất vả, mệt nhọc.

Hoàng Trọng Thảo cho biết thêm, gian khổ, cực nhọc như vậy nhưng từ cán bộ đến chiến sỹ chẳng ai chùn bước. Có đến 40% quân số làm nhiệm vụ này đã 3 - 4 năm. Bản thân anh cũng đã 5 năm, còn Đội trưởng - Thượng tá Lê Văn Hiền đã bám trụ 13 - 14 năm, tức gần bằng một nửa lịch sử thành lập của Đội (1999). Không thể kể hết những tấm gương cao đẹp, sự hy sinh tình cảm riêng tư của anh em để hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Nguyễn Văn Thành quê Hương Sơn, Nguyễn Tống Nam quê Cẩm Xuyên, Nguyễn Đức Thiện quê Hương Sơn, sau lễ cưới chỉ mấy ngày đã phải động viên người vợ trẻ ở lại quê nhà, còn mình khoác ba lô đi biền biệt nửa năm trời mới về lại. Phạm Trọng Bắc - bác sỹ quân y của đội, bố già 73 tuổi, bị ung thư vòm họng. Sau khi được đơn vị cho về chăm sóc bố một thời gian anh lên đường tiếp tục làm nhiệm vụ thì ông cụ qua đời. Cả gia đình bảo nhau: “không ai được báo cho Bắc biết bố bị ung thư giai đoạn cuối, để Bắc an tâm làm việc nghĩa!”. Còn nữa, Đại úy Trần Y Hùng trong lần tìm mộ ở địa bàn hiểm trở Viêng Thoong, bị sẩy chân, bong gân, anh em phải đưa lên cáng cáng về, Hùng vẫn cố chịu đau, đòi ở lại…

Sự cố ngày 15/01/2004 đã hằn sâu trong tâm khảm cán bộ, chiến sỹ toàn đội. Nỗi đau không được báo trước! Hôm đó, anh em đang hành quân qua đèo Pù Hảy - một con đèo cực kỳ hiểm trở, co khuỷu tay thì xe gặp tai nạn. 20 đồng chí bị thương, riêng Thượng úy - quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Sâm hy sinh tại chỗ. Người con trai xã Hương Bình, huyện Hương Khê ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho đồng đội, người thân và cô giáo làng - người yêu của anh, đang ngày trông đêm đợi!

Gần hai thập kỷ qua, bàn chân của các anh đã in dấu trên khắp núi rừng, làng bản thuộc hai tỉnh Bô ly khăm xay và Thủ đô Viên Chăn. Biết bao gót chân tứa máu, bao đôi dày phải thay mới; có lúc đào nát cả quả đồi mà vẫn không tìm thấy đồng đội, một nỗi buồn đau lặng câm, bao trùm cả Đội. Song các anh “gan không  núng, chí không mòn”, quên đi tất cả, quyết tìm và đưa bằng được đồng đội về để người ra đi và những người thân được an ủi phần nào sự mất mát.

Việt - Lào: Tình sâu như nước Hồng Hà - Cửu Long

Theo Đại tá Nguyễn Đình Dương - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, thật khó mà nói hết nghĩa tình của cấp ủy, chính quyền nhà nước và bà con các bộ tộc Lào đối với những cán bộ, chiến sỹ Việt sang làm nhiệm vụ đặc biệt này.

Các bạn coi tìm kiếm, cất bốc hài cốt những người lính Việt là công việc của chính mình. Từ các tỉnh, thành phố xuống đến tận các bản nước Lào đều thành lập Ban Công tác đặc biệt. Mỗi lần anh em sang công tác, bạn chủ động đón tiếp, bố trí nơi ăn ở chu đáo, tổ chức họp dân bản, thu thập thông tin, điều người dẫn đường. Có khi phát hiện ra nhiều hài cốt, lực lượng ta mỏng, địa hình rộng và khó, bạn đã điều động lực lượng vũ trang, dân bản bảo vệ anh em ta, đưa dụng cụ đào bới, bỏ cả việc nhà hỗ trợ bộ đội ta tìm kiếm. Trưởng bản Nậm Cù, huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô ly khăm xay nói rất chân thành: “Bà con các bộ tộc Lào có ngày nay là nhờ sự hy sinh rất lớn của tà hán (bộ đội) Việt đó. Giúp bộ đội Việt là giúp mình mà. Chủ tịch Xu va nu vông từng nói với chúng ta” Việt - Lào xa ma khi( đoàn kết) mãi mãi mà!”

Thượng tá Đinh Tiến Chương - Trưởng ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết một chi tiết đáng quý. Người Lào xưa nay rất kiêng việc khiêng người chết đi qua bản. Thế nhưng với hài cốt các chiến sỹ Việt, bà con mỗi người một tay khiêng qua nhà này nhà khác, đưa vào quán tạm trong Chùa - nơi rất đỗi linh thiêng của họ - chờ ngày chuyển về Việt Nam. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo, bà con dân bản cùng các nhà sư Lào buộc chỉ chúc phúc cho anh em trong đội và thành kính làm lễ cầu nguyện cho các liệt sỹ Việt Nam trước khi di quan về nước càng làm sâu đậm hơn mối tình đoàn kết, chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào.

Nhận thức vị trí của một “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, quá trình sang làm nhiệm vụ trên đất bạn, Đội quy tập đã cùng ăn, cùng ở cùng tham gia xây dựng cơ sở chính trị cho bạn. Đội đã tổ chức khám, cấp thuốc và chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm người dân, cấp cứu được nhiều ca sốt rét nặng, hỗ trợ một phần lương thực của mình cho các hộ nghèo, giúp dân thu hoạch mùa, giao lưu văn hóa, văn nghệ với nhiều địa phương, đơn vị.

Những bước chân không mỏi của các chiến sỹ đã được đáp đền xứng đáng. Từ mùa khô năm 1999 đến 2016, toàn đội đã tìm kiếm, đưa về nước được 738 hài cốt liệt sỹ và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào, góp phần làm vơi đi nỗi buồn của nhiều gia đình, người thân bao năm khắc khoải.

Tấm Huân chương Chiến công hạng Ba của Chủ tịch nước cùng hàng chục bằng khen của các bộ, ngành Trung ương, của Quân khu 4 và của tỉnh trao tặng toàn đội là sự tri ân của Tổ quốc cho những người lính đã bao năm âm thầm chiến đấu trên mặt trận đặc biệt, đưa đồng đội trở về đất Mẹ!

Khắc Hiển


    Ý kiến bạn đọc