Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông
EmailPrintAa
11:07 01/11/2016

Tai nạn giao thông là hiểm họa thường trực đối với mỗi người tham gia giao thông. Trên phạm vi cả nước, mỗi ngày xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông làm chết 25 người và hàng trăm người bị thương; Mỗi năm, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra hàng trăm vụ làm nhiều người chết và bị thương, để lại nỗi đau cho người thân, thêm một gánh nặng cho xã hội và gây tổn thất về vật chất của gia đình và xã hội. Trước thực trạng đó, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông (ATGT), để làm thay đổi thái độ, hành vi tự giác chấp hành của người tham gia giao thông luôn được xem là mục tiêu quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT và tiến tới xây dựng môi trường văn hóa giao thông an toàn, thân thiện, góp phần giảm thiểu về tai nạn giao thông.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT kết hợp với tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm là hai giải pháp được chính quyền các cấp, lực lượng chức năng chú trọng triển khai thực hiện; trong đó tuyên truyền phổ biến giáo dục, pháp luật ATGT được coi là giải pháp chủ yếu, quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người dân.

Ban ATGT tỉnh cùng các ngành chức năng đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT với hình thức, nội dung phong phú, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Công tác tuyên truyền đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT, đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy vậy, tình hình vi phạm pháp luật ATGT ở nhiều thời điểm, nhiều địa bàn vẫn còn xảy ra khá phổ biến với các lỗi vi phạm chủ yếu như: không đội mũ bảo hiểm, vi phạm về tốc độ, đi sai làn đường, phần đường, không chú ý quan sát, vi phạm về nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe...; đa số các lỗi vi phạm nêu trên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Trong thời gian gần đây, tình hình trật tự ATGT tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng về số vụ và số người chết; đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh xảy ra 153 vụ, làm chết 122 người, bị thương 80 người; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 25 vụ (+19,5%), tăng 13 người chết (+11,9%). Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông được điều tra chủ yếu xuất phát từ lỗi chủ quan của người tham gia giao thông không tuân thủ, chấp hành quy tắc giao thông (chiếm khoảng 80% số vụ). Một phần trong đó xuất phát từ việc chuyển biến về nhận thức của người dân về pháp luật ATGT chưa theo theo kịp với sự phát triển hạ tầng và gia tăng phương tiện.

 
Kiểm tra nồng độ cồn, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Ảnh: P.V  

Thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông đã được chú trọng. Thời gian qua, công tác này đã được thực hiện và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm, việc thực hiện chưa thường xuyên, liên tục, có thời điểm còn xem nhẹ; đội ngũ tuyên truyền viên cấp cơ sở còn thiếu và yếu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn về ATGT; nội dung tuyên truyền còn nặng về hình thức, chưa có sự kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, nguồn kinh phi, trang thiết bị phương tiện kỹ thuật phục vụ, hỗ trợ cho công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn.

Yêu cầu từ thực tiễn đặt ra đối với công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT ngày càng cao, đòi hỏi công tác này không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức. Trong đó cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, người đứng đầu chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và các ngành chức năng phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ATGT trong đảm bảo trật tự ATGT. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, đơn vị, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác này.

Hai là, xây dựng nội dung tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Nội dung tuyên truyền phải đi vào các chủ đề chuyên sâu; chú trọng đến việc hướng dẫn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phòng tránh tai nạn giao thông, hậu quả của tai nạn giao thông đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Ưu tiên sử dụng các hình ảnh trực quan sinh động dễ đọc, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nhìn.

Ba là, phát huy hình thức tuyên truyền qua hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài, truyền thanh, truyền hình và các trang mạng xã hội… để tạo sức lan toả rộng rãi trong nhân dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các hình thức truyền thống như: tổ chức các hội thi bằng hình thức sân khấu hóa, tổ chức các lớp tập huấn, các buổi tọa đàm... để tuyên truyền.

Bốn là, đẩy mạnh giáo dục ATGT trong hệ thống trường học từ bậc mầm non đến đại học, nhằm truyền đạt những kiến thức cơ bản về ATGT và hình thành thái độ tôn trọng Luật, thực hiện hành vi giao thông thích hợp trên cơ sở phát triển tâm lý và thể chất. Thông qua đó, dạy những kỹ năng cơ bản và kiến thức cần thiết cho việc sử dụng phương tiện, đường sá khi tham gia giao thông an toàn nhất, đặc biệt phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.

Năm là, phải thực hiện nghiêm túc các quy định, pháp luật của nhà nước về giao thông. Tăng cường công tác tuần tra xử lý các hiện tượng vi phạm luật giao thông đảm bảo nghiêm minh, rõ ràng. Nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, trật tự đô thị, từ đó hình thành nét đẹp về văn hóa giao thông.

Sáu là, có sự quy hoạch giao thông đồng bộ, tổ chức giao thông hợp lý, hoàn thiện hệ thống biển báo, đèn tín hiệu… đúng chất lượng kỹ thuật, áp dụng công nghệ quản lý, giám sát người tham gia giao thông và người thực thi công vụ.

Bảy là, cần phát huy vai trò của hệ thống tuyên truyền viên ở cơ sở; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên có kỹ năng, kiến thức vững vàng về ATGT, để truyền đạt, hướng dẫn cho người dân tại cơ sở, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi tham gia giao thông đúng pháp luật.

Thực hiện đồng bộ các nội dung trên sẽ nâng cao nhận thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT của người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Hoàng Minh Việt - Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh


    Ý kiến bạn đọc