Tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn
EmailPrintAa
14:37 01/11/2016

Tình hình thiệt hại bước đầu do mưa lũ gây ra

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đời, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa to, đến rất to, lượng mưa đo được từ 19h ngày 12/10/2016 đến 07h ngày 16/10/2016 các trạm thủy văn từ 400mm đến 903mm. Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, lượng mưa lớn từ 250mm đến 570mm tập trung chủ yếu trong thời gian ngắn (khoảng 05h). Đây là đợt mưa rất lớn và lượng nước tập trung trong một thời gian rất ngắn, nước lên rất nhanh làm ngập lụt trên diện rộng, gây ra nhiều khó khăn trong công tác triển khai ứng phó; nhiều tài sản của nhà nước và Nhân dân bị ngập chìm trong nước, không kịp trở tay.

Mưa lũ đã làm 108 xã, phường với 30.111 hộ bị ngập, có nơi ngập sâu từ 2 đến 3m; một số tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã bị ngập sâu ách tắc giao thông gây khó khăn cho việc tiếp cận và cứu trợ. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, mưa lũ đã làm 6 người chết, 108 xã, phường, 30.111 hộ bị ngập nặng. Về nông nghiệp, có 774ha diện tích lúa mùa bị ngập; 2.497ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; 701ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 662,66 tấn lương thực bị ẩm ướt, hư hỏng; gần 2.072 con gia súc, 172.735 con gia cầm bị chết, hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập 1.306 ha. Về giao thông, thủy lợi, có trên 109.938 m3 đất, đá, bê tông, nhựa đường bị sạt lở; 70.396,5km đường bị sạt lở, hư hỏng; 630m chiều dài đê bị sạt lở; 23,23 km kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng; 36 cái cầu cống bị xói lở, hư hỏng; tuyến đường Quốc lộ 8A (K58+100, xã Sơn Kim), 15A (đoạn qua xã Lộc Yên, xã Phú Trạch), 15B (đoạn qua xã Sơn Lộc) và tỉnh lộ ĐT553 (đoạn qua xã Lộc Yên), ĐT555 (đoạn qua xã Kỳ Lạc) bị ngập lụt và sạt lở nhiều vị trí gây ách tắc giao thông. Tổng thiệt hại trong toàn tỉnh do trận mưa lũ vừa qua khoảng 1.000 tỷ đồng.

Kịp thời triển khai đối phó và tập trung khắc phục hậu quả

Thực hiện các Công điện của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, sáng ngày 15/10/2016, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành đã trực tiếp xuống các địa phương chỉ đạo công tác đối phó; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị chết và mất tích; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống cho các gia đình bị ngập sâu, cô lập và thiếu đói. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Công điện số 18 ngày 12/10/2016, số 19 ngày 15/10/2016; Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh có các công điện, thông báo lũ để các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2883/QĐ-UBND ngày 15/10/2016 về việc phân bổ, cấp phát hàng dự trữ Quốc gia (40 nhà bạt, 80 áo phao cứu sinh, 1.500 phao tròn, 20 phao bè các loại) cho 13 huyện, thành phố, thị xã và một số ngành liên quan để phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các địa phương.

Để kịp thời khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản giao Trưởng các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT và TKCN của tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ và phòng chống cơn bão số 7; giao các sở, ngành liên quan và UBND các huyện thành phố, thị xã tổ chức công tác khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường do mưa lũ gây ra.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động160 cán bộ, chiến sỹ phối hợp dọn đất, đá thông xe trên Quốc lộ 8A và giúp dân khắc phục hậu quả; cứu hộ bè cá bị trôi ở Cửa Sót.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đã thành lập 04 Đoàn công tác xuống cơ sở chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã huy động 3.340 cán bộ, chiến sỹ, dân quân cơ động, dân quân tại chổ để giúp đỡ người dân di dời người, tài sản, khắc phục hậu quả tại các xã ngập lụt.

Công an tỉnh huy động 800 cán bộ, chiến sỹ xuống địa bàn để giúp dân chắng chống nhà cửa, giằng néo tàu thuyền tại các âu tránh trú bão; trao tặng 1.000 thùng mì tôm và nước khoáng cho nhân dân.

Sở Y tế đã kịp thời cấp bột Cloramin B và các loại thuốc cần thiết để giúp các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh khử trùng sau lũ.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có Lệnh số 227/PCTT huy động 15 tấn mì tôm, 140.000 lít nước để ứng cứu nhân dân vùng lũ thuộc các huyện Vũ Quang Hương Khê và Kỳ Anh; Lệnh số 228/PCTT ngày 18/10/2016 10 tấn phèn chua cho các địa phương vùng lũ.

Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tính đến 17 giờ ngày 23/10/2016 đã có gần 100 đoàn ủng hộ thông qua Ban Vận động cứu trợ tỉnh với tổng số tiền là 32,1 tỷ đồng, trong đó đã ủng hộ vào tài khoản là 11,7 tỷ đồng, đăng ký ủng hộ 12,2 tỷ đồng, ủng hộ trực tiếp gồm tiền và quà khoảng 8,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có trên 300 đoàn trực tiếp ủng hộ các huyện bị thiệt hại với số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Tỉnh đoàn đã thành lập 125 đội thanh niên tình nguyện với gần 1.500 lượt đoàn viên thanh niên tham gia giúp đỡ nhân dân vận chuyển gần 95 tấn lúa, hàng ngàn vật dụng, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn ngay trong cơn lũ; tổ chức vệ sinh nhà cửa cho hơn 300 hộ gia đình neo đơn, chính sách, vệ sinh 8 trường học, trạm y tế, tượng đài liệt sỹ… Báo Tuổi trẻ tặng 240 suất quà (mì tôm, nước uống, đồ dùng thiết yếu), mỗi suất trị giá 300.000đ. Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh tặng 200 suất mỗi suất 200.000đ. Báo Tiền phong, các doanh nghiệp hỗ trợ trên 7 tỷ đồng...

Hiện nay, các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm đang tiếp tục hướng về vùng rốn lũ miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng với nhiều phần quà có giá trị về vật chất lẫn tinh thần, để giúp nhân dân nơi đây sớm ổn định đời sống, tiếp tục khôi phục sản xuất.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đối phó và khắc phục tình hình

Hiện nay, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, trong đó:

Chỉ đạo các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT và TKCN của tỉnh tiếp tục xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp ứng cứu và khắc phục hậu quả do mưa, lũ.

Giao các địa phương phối hợp với ngành Giao thông, Công an cử người tuần tra, canh gác tại các bến đò dọc, đò ngang, các ngầm qua sông suối, các đoạn đường bị sạt lở để chỉ dẫn giao thông nhằm tránh xẩy ra các trường hợp thiệt hại về người và vật chất.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước triều và tình hình ngập lũ vùng hạ du để điều tiết xã lũ các hồ chứa một cách hợp lý vừa đảm bảo an toàn cho công trình, thường xuyên  thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân biết để có biện pháp phòng, tránh, giảm đến mức thấp nhất mức độ ngập lụt và thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, đồng thời đề xuất phương án hỗ trợ các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông (nhất là hỗ trợ các loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) để giúp nhân dân kịp thời tổ chức sản xuất lại diện tích thiệt hại do mưa lũ gây ra.

 Chỉ đạo Ngành Y tế, Tài nguyên Môi trường, Khoa học Công nghệ thành lập đoàn xuống tận từng địa phương kiểm tra, đánh giá và xử lý vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng ngay sau khi nước rút; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh phát sinh sau lũ.

Giao các ngành, các cấp theo chức năng của mình thành lập các đoàn và cử cán bộ xuống tận cơ sở để giúp các địa phương đánh giá cụ thể những thiệt hại và đề ra các giải pháp khắc phục, sớm ổn định cuộc sống cho người dân sau lũ, đồng thời chủ động triển khai đối phó với các đợt mưa, lũ tiếp theo;

Ban hành văn bản đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ về lương thực, giống, hóa chất tiêu độc, khử trùng, hỗ trợ để khắc phục công trình nhà cửa sau lũ đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân sau lũ; hỗ trợ để tu sửa, nâng cấp cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do mưa lũ.

Trong quá trình cứu trợ, một số đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân muốn trực tiếp xuống các địa phương để chứng kiến những ảnh hưởng của nhân dân và muốn trao quà tận tay cho các đối tượng, không đăng ký qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh hoặc huyện nên khó khăn trong việc kiểm soát và đã xảy ra một số bất cập như: việc trao quà cho một số đối tượng chưa phù hợp với sự mất mát, có đối tượng được cứu trợ nhiều lần, có đối tượng ảnh hưởng nhiều nhưng lại được cứu trợ ít; việc cứu trợ giữa các vùng, miền chưa đồng đều; việc hỗ trợ về cây giống, con giống và các vật dụng cần thiết... chưa nhiều. Do đó, phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn công tác cứu trợ, nhằm đảm bảo công bằng, khách quan cho các đối tượng, địa phương bị thiệt hại.

Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ về vật chất, động viên về tinh thần của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, người dân vùng rốn lũ Hà Tĩnh sẽ vượt khó khăn, sớm ổn định đời sống và tiếp tục khôi phục, phát triển sản xuất.

T.H


    Ý kiến bạn đọc