Đường lối xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng
EmailPrintAa
14:38 25/01/2017

Đại hội XII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đó là điều mà ngay từ khi Đảng mới ra đời Hồ Chí Minh đã nêu ra, Người nói: “Muốn làm cách mệnh phải có đảng cách mệnh chân chính”. Đảng cách mệnh phải gồm những người “không ham muốn về vật chất để giữ chủ nghĩa cho vững”. Suốt trong cuộc đời hoạt động của mình, đặc biệt là sau khi Đảng ta đã giành được chính quyền Hồ Chí Minh luôn để tâm đến vấn đề Đảng. Trước lúc đi xa, Người để lại di chúc điều “trước hết nói về Đảng”, về “chỉnh đốn Đảng”. Hiện nay từ thực tiễn cuộc sống, lời căn dặn của Bác đang được Đảng ta quan tâm đúng mức, xem nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt. Hai nhiệm kỳ XI và XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều có nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng.

Điều trước hết mà Hồ Chí Minh quan tâm đó là Đảng phải luôn luôn giữ vững mục tiêu cách mạng của mình, chiến đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc; vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Xuyên suốt quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng 87 năm và đã qua 12 kỳ Đại hội, Đảng ta luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tế cách mạng Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin là cách mạng, khoa học, sáng tạo luôn gắn liền với sự vận động của thực tiễn. Ở Việt Nam, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng đã vận dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng, đưa một nước từ thuộc địa và nửa phong kiến tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, rồi tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, thực hiện sự nghiệp đổi mới. Đây là sự sáng tạo độc lập về chính trị mang tính thời đại của Đảng ta; gắn kết hữu cơ giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, giữa giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội với giải phóng con người; kết hợp nhuần nhuyễn lợi ích giai cấp với lịch dân tộc, giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Hiện nay, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đang thực hiện sự nghiệp đổi mới trên cơ sở cương lĩnh và đường lối chính trị đúng đắn, được Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh tạo cơ sở vững chắc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự nhất trí về quan điểm, đường lối trong toàn Đảng là điều cốt yếu để đoàn kết toàn dân và giữ vững niềm tin cách mạng.

Trong Đảng hiện nay suy thoái về chính trị, phai nhạt lý tưởng, thiếu niềm tin đang là một nguy cơ. Bởi sa sút niềm tin, có khoảng trống về tư tưởng sẽ dẫn đến nguy cơ chệch hướng và đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết 04 (khóa XII) của Đảng đã cảnh báo. Bởi thực tiễn đã diễn ra, chủ nghĩa xã hội tuy đã giành được thắng lợi trên một phần ba hành tinh nhưng đã sụp đổ một mảng lớn, sụp đổ ngay nơi vốn là quê hương và thành trì của nó. Phải chăng chính những người cộng sản ở đó đã đánh mất niềm tin lý tưởng và mục tiêu chiến đấu của mình. Rõ ràng vấn đề giác ngộ xã hội chủ nghĩa lúc này là rất hệ trọng nhưng không đơn giản, bởi ngoài tình cảm cách mạng đủ sức thắng được những cám dỗ vật chất và tính toán cá nhân, thì phải giác ngộ trên cơ sở khoa học, phải giàu hiểu biết để tự giác vững tin trên con đường chiến đấu vì lợi ích của nhân dân của dân tộc.

Vấn đề rất hệ trọng là người cán bộ, đảng viên của Đảng trong điều kiện hiện nay phải rèn luyện và chiến đấu như thế nào, đây là việc then chốt của then chốt. Các thế hệ đi trước, người cộng sản trong cách mạng giải phóng dân tộc phải đối mặt với nhiều thử thách vô cùng cam go. Với người cách mạng lúc ấy chỉ có một con đường là dân tộc độc lập hay sống kiếp nô lệ. Ngày nay thử thách không phải ở cái sống hay cái chết mà giữa giữ vững phẩm chất hay thoái hóa. Lênin từng dạy rằng người cộng sản đi với sói phải biết gào thét như sói, nhưng không bao giờ biến thành sói. Rõ ràng vấn đề đặt ra phức tạp, đòi hỏi cao hơn nhiều so với thời kỳ nhiệm vụ chủ yếu là đánh giặc nên phải rèn luyện tính chiến đấu rất cao. Thế mà ở không ít cán bộ, đảng viên khuynh hướng chủ đạo không phải là tính chiến đấu cách mạng, tính đảng mà là sự bận tâm tính toán thực dụng vị kỷ, lo “làm ăn phát tài”, lo “thăng quan tiến chức”… chứ không phải tất cả đều vì lợi ích của Nhân dân. Một số tài sản quốc gia, của Nhân dân bị bọn tham nhũng, những kẻ vô trách nhiệm trong đó có không ít cán bộ, đảng viên, người có chức, có quyền chiếm đoạt và làm thất thoát. Không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đã và đang làm giàu bất chính, “tiêu tiền như rác” vì đó là “tiền chùa”, đang “nhắm mắt làm ngơ” trước những tiêu cực vì “lợi ích nhóm”. Tham ô, lãng phí, quan liêu, hách dịch… làm cho dân mất niềm tin, nếu không khắc phục có hiệu quả thì không có gì đảm bảo rằng Đảng sẽ giữ được vai trò lãnh đạo. Rõ ràng cuộc chiến đấu chống suy thoái về đạo đức đang đặt ra thường xuyên, ở mọi lúc mọi nơi đối với mọi cán bộ, đảng viên và là rất “then chốt” hiện nay. Đại hội XII đã đưa vấn đề đạo đức thành một nội dung xây dựng Đảng. Đó cũng là thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Cần chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy tổ chức Đảng, tổ chức nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và việc giữ gìn phẩm chất lối sống. Tăng cường chất lượng cũng như thẩm quyền kiểm tra, thi hành kỷ luật cho Ủy ban kiểm tra các cấp. Bên cạnh xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi, cần kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, lãng phí. Hết sức quan tâm đến giám sát việc xây dựng các cơ chế thực hiện hiệu quả. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, để nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thường xuyên coi trọng xây dựng về tổ chức. Nhiệm vụ hàng đầu củng cố vững chắc tổ chức là thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Sức mạnh của Đảng là ở chế độ tập trung, tập trung càng cao thì sức chiến đấu càng mạnh, nhưng đó phải là tập trung trên cơ sở dân chủ. Chỉ có tập trung trên cơ sở dân chủ Đảng mới trở thành đội quân triệu người như một, hàng ngũ chỉnh tề, bước đi đều nhịp, chiến đấu kiên cường và sáng tạo. Nguyên tắc tập trung dân chủ căn bản đối lập với một mặt là bệnh quan liêu, chuyên quyền độc đoán; mặt khác là tình trạng tự do, vô tổ chức, vô chính phủ. Cho nên quan tâm đến hoàn thiện cơ chế tập trung trên cơ sở dân chủ trong Đảng là vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay. Dân chủ trước hết phải được thể hiện trong quá trình xây dựng và thực hiện đường lối chính sách. Dân chủ trong công tác cán bộ, công tác nhân sự. Dân chủ phải được phát huy trong sinh hoạt Đảng từ chi bộ đến các cơ quan lãnh đạo các cấp. Đảng viên được quyền tham gia vào việc đề ra các chủ trương, đường lối, được phê bình, chất vấn và quyền bảo lưu ý kiến. Đồng thời đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải nói và làm theo Nghị quyết của Đảng sau khi được thông qua một cách dân chủ và đúng nguyên tắc tập trung. Đó là điều tối thượng để Đảng thực hiện vai trò tiên phong lãnh đạo quần chúng, đó cũng là đòi hỏi của chính nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc xây dựng Đảng về tổ chức theo hướng mở rộng dân chủ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ tăng cường kỷ cương, kỷ luật đảm bảo cho việc giữ gìn và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng là rất hệ trọng.

Là Đảng cầm quyền, Đảng cần hết sức quan tâm đến tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, luôn ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng. Tăng cường việc lãnh đạo đối với công tác cán bộ. Lựa chọn những cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực đảm đương công việc ở cơ quan nhà nước, tạo cho họ thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm được giao, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có sai phạm theo đúng điều lệ Đảng và luật pháp Nhà nước. Cần tránh tình trạng một số cấp ủy Đảng can thiệp quá sâu và không đúng chức năng đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, cũng như một số người phụ trách cơ quan nhà nước, thiếu tính Đảng, phớt lờ sự lãnh đạo của Đảng, không coi trọng tổ chức Đảng… Trong điều kiện Đảng cầm quyền cần hết sức coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Vận động Nhân dân thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân.

Chỉnh đốn Đảng, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là một trong những vấn đề quan trọng nhất của Đảng ta, có ý nghĩa then chốt và quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Mọi cán bộ, đảng viên cần nỗ lực nâng cao năng lực và rèn luyện; phấn đấu thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không ngừng xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đủ sức lãnh đạo và vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, làm tròn sứ mệnh trước dân tộc và nhân dân.

TS. Đặng Duy Báu


    Ý kiến bạn đọc