Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng để lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững
EmailPrintAa
14:43 25/01/2017

Trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng ở Hà Tĩnh thường xuyên được quan tâm chăm lo. Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã có những chuyển biến tích cực, nhất là trên ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm bà con nhân dân Hà Tĩnh tháng 4/2016. Ảnh: P.V

Việc học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết tiếp tục có nhiều đổi mới; sau học tập, quán triệt đã tổ chức thảo luận, viết bài thu hoạch, có đánh giá và thông báo kết quả đến tận tổ chức đảng, đảng viên. Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết luôn ưu tiên khâu xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sát thực tiễn; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và định kỳ sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tăng cường bản lĩnh chính trị, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã tập trung chỉ đạo khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên.

Công tác cán bộ được thực hiện đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan. Chất lượng cán bộ đưa vào quy hoạch được nâng lên. Các địa phương, đơn vị đã xây dựng và thực hiện kế hoạch sắp xếp, luân chuyển cán bộ, nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn và tạo nguồn cán bộ lâu dài. Thực hiện nghiêm túc chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và các chức danh khác theo quy định. Ban hành Quy định về tiêu chuẩn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó coi trọng phẩm chất và hiệu quả công việc làm thước đo để đánh giá cán bộ. Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp huyện không phải là người địa phương bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở một số xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện. Tổ chức sát nhập thôn, xóm, tổ dân phố có quy mô nhỏ. Trên cơ sở kết quả đạt được và những kinh nghiệm trong việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế thời gian qua và căn cứ các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, ngày 29/6/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và triển khai thực hiện Kết luận số 05-KL/TU về một số chủ trương nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan, đơn vị.

Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” đã được xác định rõ hơn trong quy chế làm việc của ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy các cấp, đặc biệt là Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Theo đó thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa tập thể, cá nhân người đứng đầu được quy định chặt chẽ; không để cá nhân dựa dẫm vào tập thể để mưu cầu lợi ích riêng; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể; đồng thời đề cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu.

Nhờ có những bước chuyển mới trong công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, năng lực lãnh đạo, sức chiến của các tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở nhìn chung được nâng lên. Điều đó thể hiện qua kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2010-2015 đạt gần 18%; thu ngân sách đạt trên 12.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, đến nay đã có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 35,6% tổng số xã), không còn xã dưới 9 tiêu chí; văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ hợp tác, đối ngoại ngày càng mở rộng và phát huy hiệu quả; an sinh xã hội bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng lên.

Tuy nhiên, trước tình hình mới, một số mặt trong công tác xây dựng Đảng ở Hà Tĩnh chưa đáp ứng yêu cầu. Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI tuy đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng còn nhiều việc chưa làm được. Quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình rất khó để chỉ ra tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo, đức lối sống. Trong công tác bổ nhiệm, đề bạt, bố trí cán bộ một số trường hợp còn để dư luận băn khoăn. Năng lực, trình độ, phẩm chất một số cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Một số nơi chưa chủ động, tự giác, chưa quyết tâm khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm. Một số nơi còn để phát sinh những khuyết điểm, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, như: chưa thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; trong xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, chưa xác định rõ các mối quan hệ công tác nên vẫn còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo, quản lý; chạy theo bệnh thành tích; lãnh đạo thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; chưa phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, độc đoán, nội bộ thiếu đoàn kết, thống nhất hoặc đoàn kết xuôi chiều; người đứng đầu chưa thực sự nêu gương; tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao, “bằng mặt không bằng lòng”, che dấu khuyết điểm; phương pháp lãnh đạo, điều hành chưa linh hoạt; né tránh việc khó; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa thực sự đi vào chiều sâu...Những hạn chế nêu trên là lực cản cho sự phát triển, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của một số cấp ủy, chính quyền, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm nêu trên ngoài những yếu tố khách quan, chủ yếu vẫn là do một số cấp ủy, cán bộ chủ chốt các cấp chưa nhận thức đầy đủ và tầm quan trọng công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, xem nhẹ công tác xây dựng Đảng; chưa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Một số đồng chí đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng. Việc thực hiện chế độ sinh hoạt Đảng chưa đảm bảo, nội dung chậm đổi mới. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết có nơi, có thời điểm chưa thường xuyên, thiếu kịp thời và xử lý sai phạm chưa kiên quyết.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định một trong những nhiệm vụ tổng quát là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại. Tuy vậy, trong quá trình phát triển của Hà Tĩnh đặt ra nhiều vấn đề mới, mâu thuẫn mới, thậm chí có những hệ lụy như sự cố môi trường vừa qua càng đòi hỏi cao hơn, đặc biệt coi trọng hơn công tác xây dựng Đảng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì vậy, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đặc biệt là phải kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trọng tâm là thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Thứ nhất là, các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên quán triệt, học tập, nhận thức thật sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng, nhất là những nhận diện về 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sau học tập, quán triệt phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của tập thể, cá nhân thật cụ thể, sát tình hình thực tiễn. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải thường xuyên tự soi xét suy nghĩ, việc làm hằng ngày của bản thân mình để phòng ngừa, ngăn chặn và kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ hai là, tổ chức kiểm điểm đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên thật nghiêm túc. Những địa phương, đơn vị nào dư luận phản ánh có xảy ra những biểu hiện như nhận diện trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thì cấp ủy cấp trêngợi ý kiểm điểm,đồng thời tham dự để kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức kiểm điểm. Yêu cầu của đợt kiểm điểm lần này là phải nhìn thẳng sự thật, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm của tập thể, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tổ chức đảng, trong cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; tránh việc kiểm điểm chung chung, hình thức. Qua kiểm điểm, căn cứ chức trách, nhiệm vụ được giao, tập thể, cá nhân vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó theo đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Thứ ba là, sau kiểm điểm phải xác định rõ và tổ chức thực hiện những việc cần làm ngay, làm thường xuyên và những việc làm theo lộ trình với thời gian cụ thể; phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn, cách thức tiến hành ở các cấp, các ngành; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với quyết tâm chính trị cao, trước hết là trong cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ và người đứng đầu trong triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Việc thực hiện phải thường xuyên, kiên trì, người đứng đầu các cấp, các ngành phải tiên phong nêu gương; kết hợp giữa “xây” và “chống”, xây là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách.

Thứ tư là, tổ chức tổng kết nghiêm túc từ cơ sở đến tỉnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương của Trung ương gắn với triển khai thực hiện Kết luận số 05-KL/TU, ngày 29/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Sàng lọc, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, uy tín thấp. Khi đề bạt, luân chuyển, điều động cán bộ và đánh giá, xếp loại tổ chức, cán bộ, đảng viên phải chú ý xem xét các nội dung: Chương trình, kế hoạch hành động; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và những cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; tự phê bình và phê bình; trách nhiệm nêu gương; hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Thứ năm là, cùng với việc phát huy tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên phải quan tâm thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính công, đầu tư xây dựng cơ bản, công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, công tác cán bộ. Tập trung cao cho công tác kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, yếu kém còn tồn đọng và sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trong các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Hoàn thiện các quy định, quy chế khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý cán bộ. Xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, gây lãng phí, cán bộ suy thoái, biến chất.

Thứ sáu là, tiếp tục đổi mới và coi trọng công tác dân vận của cả hệ thống chính trị. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong các loại hình cơ sở. Mở rộng dân chủ trong các tổ chức đảng để nêu gương việc thực hiện dân chủ trong xã hội. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, nhất là giám sát, phản biện các chủ trương, chính sách, đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, nhất là giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa II của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ Hà Tĩnh trong 87 năm qua, tin tưởng rằng, công tác xây dựng Đảng nói chung, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng nói riêng trong thời gian tới của Đảng bộ Hà Tĩnh sẽ có nhiều chuyển biến mới, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa tỉnh nhà phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh


    Ý kiến bạn đọc