Dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, liệu quan hệ Mỹ - Iran có thăng hoa?
EmailPrintAa
07:44 19/01/2016

Khác biệt trong cách tiếp cận với nhiều vấn đề nổi cộm khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Iran rất khó đoán định.

Máy bay của Thụy Sĩ chở 3 tù nhân Mỹ được phóng thích rời khỏi Iran đã tới một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức cuối ngày 17/1. Ba tù nhân có mặt trên máy bay rời Iran là Jason Rezaian - trưởng văn phòng đại diện Washington Post ở Tehran, Saeed Abedini - mục sư đến từ bang Idaho, Mỹ, và Amir Hekmati – cựu lính thủy quân lục chiến đến từ Flint, bang Michigan. Họ được đưa từ Iran tới Geneva, Thụy Sĩ và sau đó được đưa đến căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức vào cuối ngày 17/1.

 

Máy bay Thụy Sĩ chở 3 tù nhân Mỹ được Iran phóng thích hạ cánh ở Geneva sáng 17/1. (Ảnh: Reuters)

 

Một tù nhân khác mang hai quốc tịch Mỹ - Iran cũng được thả là Nosratollah Khosravi-Roodsari nhưng không có mặt trên chuyến bay. Người thứ 5 là sinh viên Mỹ Matthew Trevithick được thả theo kênh riêng biệt vào ngày 16/1.

Cùng ngày, một số người Mỹ gốc Iran bị giam giữ ở nhà tù Mỹ cũng được trả tự do. Đây là kết quả sau thời gian dài đàm phán về thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Tehran và Washington. Diễn biến này đến sau khi Tổng thống Obama ngày 16/1 ký sắc lệnh thu hồi các lệnh trừng phạt được áp dụng 20 năm qua với Iran.

Phát biểu với báo giới sau khi những tù nhân Mỹ được phóng thích rời khỏi Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, giờ đây Iran sẽ “không thể chạm tay vào bom hạt nhân” và điều này sẽ giúp thế giới trở nên an toàn hơn.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ca ngợi những gì mà thỏa thuận hạt nhân mang lại giống như một “trang vàng” trong lịch sử của Iran; đồng thời cho rằng, thỏa thuận này có thể coi như một hình mẫu để giải quyết các vấn đề trong khu vực.

Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cũng như trao đổi tù nhân được cho là có thể làm giảm đáng kể sự thù địch trong mối quan hệ giữa Tehran và Washington.

Hội đồng Iran – Mỹ, cơ quan có nhiệm vụ thúc đẩy xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước trong một tuyên bố hôm 17/1 cho biết, “Việc trao đổi tù nhân thể hiện tinh thần trách nhiệm của Iran trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình và việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran báo hiệu một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ Mỹ - Iran”.

Thế giới hoan nghênh

Cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ hoan nghênh tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran của EU và Mỹ, coi đây là một thành công lịch sử sau nhiều nỗ lực của các bên, đồng thời hy vọng thành công này sẽ góp phần thúc đẩy các nỗ lực giải quyết các điểm nóng trên thế giới thông qua con đường ngoại giao.

 

Một nghị sỹ Iran vui mừng hôn Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. (Ảnh: Reuters)

 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đánh giá cao việc các bên đã thực thi nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân đạt được, đồng thời bày tỏ hy vọng sự thành công của thỏa thuận này sẽ là tiền đề góp phần duy trì sự ổn định, an ninh trong khu vực và tăng cường hợp tác quốc tế.

Từ Berlin, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ca ngợi đây là một thành công lịch sử trong lĩnh vực ngoại giao khi các bên nỗ lực đàm phán trong nhiều năm để đi đến thỏa thuận; đồng thời bày tỏ hy vọng những kết quả tích cực trong giải quyết hồ sơ hạt nhân của Iran sẽ giúp đem lại niềm tin rằng những căng thẳng và xung đột trong khu vực, đặc biệt là vấn đề Syria, có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã hoan nghênh việc thực thi thỏa thuận hạt nhân của các bên, khẳng định đây là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Philip Hammond nhấn mạnh, động thái mới nói trên là thành quả của nhiều năm đàm phán với tinh thần đối thoại bền bỉ giữa Iran và nhóm P5+1.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thì cho rằng, “ngày thực thi” thỏa thuận hạt nhân Iran là “ngày hội” đối với người dân Iran. Theo ông, đây là một bước đi vững chắc trong lộ trình hướng tới giải pháp chính trị và ngoại giao cuối cùng cho vấn đề hạt nhân Iran.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã hoan nghênh diễn biến này, đồng thời bày tỏ hy vọng tất cả các bên tiếp tục có thái độ trách nhiệm và trung thực đối với các vấn đề liên quan việc thực thi JCPOA. Moscow tin tưởng rằng, thành công bước đầu nói trên sẽ giúp củng cố nguyên tắc không phổ biến hạt nhân cũng như củng cố an ninh khu vực và quốc tế.

Vẫn còn những nghi ngờ

Tuy nhiên, những diễn biến mới trong mối quan hệ Mỹ - Iran lại bị đảng Cộng hòa cũng như các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, bao gồm cả Israel và Saudi Arabia “soi xét” với ánh mắt đầy hoài nghi.

 

Thượng nghị sỹ Marco Rubio. (Ảnh: Getty)

 

Các thượng nghị sỹ Ted Cruz và Marco Rubio của đảng Cộng hòa đánh giá cao việc 5 người Mỹ bị giam giữ ở Iran được phóng thích nhưng cho rằng, việc Nhà Trắng phải đàm phán để đi đến thỏa thuận trao trả tự do cho những cá nhân này có thể tạo ra một “tiền lệ xấu”, dẫn tới việc nhiều người Mỹ sẽ trở thành “con tin” cho các mục tiêu chính trị trong tương lai.

Thượng nghị sỹ Marco Rubio trả lời phỏng vấn đài NBC cho biết, “Ông ấy (Tổng thống Obama) đã đặt giá cho mỗi công dân Mỹ ở nước ngoài. Kẻ thù của chúng tôi giờ đây hiểu rằng, chúng có thể bắt giữ một người Mỹ để đổi lấy một thứ gì đó có giá trị tương đương”.

Tôi rất vui vì họ sẽ trở về nhà. Nhưng nếu tôi là Tổng thống, sẽ không có bất kỳ cuộc thương lượng trao đổi tù nhân nào cả”, ông Marco Rubio - một trong các ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa nói.

Ngay sau khi các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng cảnh báo rằng, Israel sẽ không bao giờ cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân.

Chính sách của Israel đã, đang và sẽ là chính xác những gì chúng tôi theo đuổi, đó là không có phép Iran có được vũ khí hạt nhân”, ông Netanyahu nói trong một cuộc họp nội các.

Thủ tướng Israel tiếp tục khẳng định quan điểm phản đối mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân với Iran khi cho rằng, điều này sẽ không thể ngăn Tehran có được vũ khí hạt nhân; đồng thời cho rằng, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt có thể cho phép Iran tiếp tục hỗ trợ các cuộc chiến ủy quyền, gây bất ổn trong khu vực.

Theo  Thủ tướng Netanyahu, nếu Iran vi phạm, cộng đồng quốc tế nên áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn để chống lại nước này và Israel đã sẵn sàng để “đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào”.

Quan hệ sang trang nhưng khó có thể nhanh chóng khởi sắc

Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran cùng với những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ dẫn đến thỏa thuận trao đổi tù nhân đã cho thấy một kỷ nguyên mới giữa hai nước đang hình thành. Tuy nhiên, bất cứ ai kỳ vọng về một sự thay đổi nhanh chóng có thể sẽ phải thất vọng.

 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn chưa thực sự tin tưởng vào Mỹ. (Ảnh: AP)

 

Mặc dù các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ cũng đồng nghĩa với việc Iran có thể tiếp cận số tiền trước đó bị phong tỏa lên đến 100 tỷ USD, mở ra cơ hội phát triển mới cho nước Cộng hòa Hồi giáo vốn đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao thì Tổng thống Hassan Rouhani vẫn phải đối mặt với sự phản đối từ trong nước.

Những người phản đối cho rằng, ông Rouhani đã nhượng bộ quá nhiều và lo sợ rằng, việc Iran mở cửa với thế giới bên ngoài (cụ thể ở đây là phương Tây) có thể khiến người dân nước này bị ảnh hưởng xấu từ việc tiếp xúc với văn hóa nước ngoài.

Trong một bài phát biểu mới đây, đại giáo chủ Ayatollah Khamenei, Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran đã cảnh báo rằng, “một trong những mục tiêu chính của kẻ thù đạo Hồi và dân tộc Iran đó là làm thay đổi nền văn hóa và đạo lý trong xã hội, đặc biệt là làm thay đổi lối sống của người dân”.

Theo Chủ tịch công ty tư vấn Eurasia Group Cliff Kupchan, những hy vọng về sự cởi mở hơn của Iran cũng sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ các nhóm có lợi ích đan xen, bao gồm cả lực lượng Vệ binh Cách mạng.

Ông  Kupchan cũng dự đoán việc thực hiện các điều khoản của thỏa thuận sẽ đi theo một con đường “chậm, tự do hóa phi tuyến tính về chính trị và kinh tế”.

Đồng quan điểm với nhận định trên, chuyên gia về Trung Đông tại Trường Đại học Kinh tế London, Fawaz Gerges cho rằng, khoảng cách của sự khác biệt không thể bị xóa nhòa chỉ sau một đêm.

Cả hai bên đều muốn mở ra một chương mới. Điều này không có nghĩa là họ đồng thuận với nhau. Nó cũng không đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho sự mất lòng tin. Và chắc chắn, sự khác biệt trong lợi ích giữa hai bên vẫn tiếp tục tồn tại”, ông Gerges nói.

Đúng như nhận định của giới phân tích, việc Mỹ và Iran ngay lập tức có thể trở thành hai người bạn là điều “không tưởng”. Và thực tế là những tù nhân trong đợt trao đổi đầu tiên vẫn là rất hạn chế.

 

Giới quan sát cho rằng, rất khó có sự thay đổi nhanh chóng trong quan hệ Mỹ - Iran. (Ảnh: Reuters)

 

Trong khi đó, Iran vẫn tiếp tục là hậu phương vững chắc của Tổng thống Bashar Assad, điều này là hoàn toàn mâu thuẫn với cách tiếp cận của Mỹ cũng như Saudi Arabia trong vấn đề Syria. Đó là còn chưa kể đến cuộc nội chiến ở Yemen khi liên quân Arab do Mỹ hậu thuẫn đã và đang chiến đấu chống lại lực lượng do Iran ủng hộ.

Hãng thông tấn Iran IRNA dẫn lời Tổng thống Rouhani cho biết, ngay cả khi thỏa thuận đã ở trong tay thì Iran sẽ không dễ dàng tin tưởng vào Mỹ vì “nhân dân chúng tôi đã phải chịu rất nhiều những lời hứa suông”.

Không lâu sau khi các tù nhân đầu tiên được phóng thích, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào 11 công ty và cá nhân liên quan tới một vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Iran. Lệnh trừng phạt có mục đích ngăn các tổ chức và cá nhân này sử dụng hệ thống ngân hàng Mỹ.

Nhà Trắng cho hay, không phải tất cả lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã chấm dứt. Chính quyền Tổng thống Obama nhấn mạnh Washington tiếp tục duy trì trừng phạt Tehran vì vấn đề vi phạm nhân quyền, hỗ trợ khủng bố và các hoạt động liên quan tới chương trình tên lửa.

Thiện chí của Mỹ trong việc tìm lời giải cho bài toán hạt nhân Iran là không phải bàn cãi nhưng chắc chắn, sẽ khó có chuyện Mỹ vì Iran mà “ruồng bỏ” những đồng minh thân cận ở Trung Đông như Israel hay Saudi Arabia (những quốc gia vốn không ưa gì Iran). Trong khi đó, Iran – một quốc gia có tiếng nói trong khu vực cũng không dễ gì đồng ý với mọi yêu sách của  Mỹ, và vì thế, tương lai mối quan hệ giữa hai nước vẫn sẽ còn rất khó đoán định./.

 Theo Hùng Cường/VOV.VN


    Ý kiến bạn đọc