“Nga muốn hợp tác với toàn thế giới để chiến đấu chống khủng bố”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn được nhật báo Đức Bild đăng tải hôm thứ Hai. Ông Putin đồng thời thêm một lần nữa cáo buộc phương Tây là nguyên nhân góp phần làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng quốc tế.
"Chúng ta đang phải đối mặt với mối đe dọa chung, và chúng tôi vẫn muốn tất cả các nước, cả ở châu Âu và toàn thế giới, đóng góp các nỗ lực để đối phó với các mối đe dọa, và chúng tôi vẫn đang phấn đấu làm như vậy ", ông Putin cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn sâu với báo Bild của Đức.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh Reuters). |
Cùng hợp tác song không phụ thuộc
"Tôi không chỉ nói đến khủng bố, mà cả tội phạm, nạn buôn bán người, vấn đề bảo vệ môi trường, và nhiều thách thức khác", Reuters dẫn lời ông Putin nói.
"Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta phải đồng ý với mọi thứ mà những người khác quyết định".
Không quân Nga đang tấn công các mục tiêu ở Syria. Và Moscow nói rằng nước này đang nhắm tới mục tiêu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Tổ chức này đã có hàng ngàn công dân Nga tham gia và hiện đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia Nga. Nhóm khủng bố này cũng đã nhận trách nhiệm về vụ bắn rơi máy bay Nga tại Ai Cập vào cuối tháng 10 năm ngoái, khiến 224 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, Nga đã không tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến hành các cuộc tấn công vào tổ chức IS ở Syria và Iraq. Điều này khiến Washington và các đồng minh của Mỹ nói rằng các cuộc không kích của Moscow tại Syria chỉ nhằm mục đích hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, giúp ông Assad duy trì quyền lực.
Tổng thống Nga Putin nói rằng, sự can thiệp quân sự của phương Tây ở Iraq và Libya trước đây đã góp phần làm bùng phát lực lượng khủng bố ở các nước này, ông cũng nhắc lại những gì ông đã nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2015.
Sai lầm của phương Tây là mở rộng NATO về phía Đông
Trả lời phỏng vấn báo Bild, ông Putin cũng chỉ trích NATO khi mở rộng về phía biên giới của Nga kể từ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và chỉ trích hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ dựng nên. Putin cũng cáo buộc sự “bành trướng” của phương Tây sau Chiến tranh Lạnh là nguyên nhân làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng quốc tế.
Tổng thống Nga Putin đã nhiều lần gọi sự kiện lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovich của Ukraine vào năm 2014 là một "cuộc đảo chính", và cáo buộc phương Tây đã truyền cảm hứng và hỗ trợ cuộc đảo chính này.
Vào tháng 2/2015, Pháp, Đức, Nga và Ukraine (bộ Tứ Normandy) đã ngồi thảo luận với nhau và nhất trí đưa ra các điều khoản của một thỏa thuận hòa bình, được gọi là Thỏa thuận Minsk, nhằm chấm dứt chiến tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông nam Ukraine.
Nhưng một điều khoản quan trọng của Thỏa thuận hòa bình, theo đó quy định hiến pháp mới của Ukraine phải coi trọng quyền tự chủ của các vùng li khai, vẫn chưa được thực hiện, Putin nói.
"Mọi người đều nói rằng Thỏa thuận Minsk phải được thực hiện và sau đó các biện pháp trừng phạt sẽ được xem xét lại", ông Putin nói với Bild, đề cập đến biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
"Điều này thật vô lý, bởi những việc cần thiết phải làm để thực hiện Thỏa thuận Minsk là trách nhiệm của chính quyền Kiev hiện tại".
Ông Putin lưu ý đến điều khoản trong Thỏa thuận hòa bình mà theo đó yêu cầu Ukraine cải cách hiến pháp vào cuối năm 2015, gọi điều khoản này là "chính yếu, là vấn đề quan trọng trong quá trình giải quyết khủng hoảng".
Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức, ông nói thêm, "nên xem xét kỹ lưỡng các vấn đề hơn".
Kinh tế suy giảm Nga buộc phải cải tổ
Về kinh tế, Tổng thống Nga Putin thừa nhận rằng nền kinh tế của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu sụt giảm, song cũng nói rằng có một mặt tích cực là trong một chừng mực nào đó, điều này buộc Nga phải cải tổ cơ cấu tài chính công.
"Tôi tin rằng sự giảm phát do dầu mỏ và khí đốt của chúng tôi đã tăng lên đến một mức độ rất nguy hiểm. Vì vậy, chúng tôi bây giờ buộc phải giảm mức độ này. Và vấn đề này là hoàn toàn lành mạnh", Putin nhấn mạnh.
"Thực sự là rất khó khăn... để cầm cự doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt để bù đắp chi phí hiện tại. (Nhưng), đây là vấn đề giảm chi phí các loại để cải thiện nền kinh tế"./.
Theo Bích Đào/VOV.VNTheo Reuters
Tin mới cập nhật
- Việt Nam, Lào hoàn thành Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới ( 17/03)
- Tranh cử trong Đảng Dân chủ: Bà Hillary Clinton liệu sẽ thành công? ( 26/01)
- Tổng thống Mỹ Obama sẽ làm gì sau khi rời Nhà Trắng? ( 21/01)
- Dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, liệu quan hệ Mỹ - Iran có thăng hoa? ( 19/01)
- Tổng thống Obama: Người Mỹ hãy luôn sẵn sàng cho những đổi thay ( 14/01)