Bảo đảm chất lượng quy hoạch cán bộ ở địa phương
EmailPrintAa
16:49 25/01/2019

Quy hoạch cán bộ là một trong những khâu quan trọng của công tác cán bộ. Nhiệm kỳ 2015 - 2020 rút kinh nghiệm từ những yếu kém, vướng mắc, khuyết điểm nảy sinh trong thực tiễn, các cấp ủy, tổ chức đảng ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã triển khai công tác này bài bản hơn, cơ bản bảo đảm đúng quy trình, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ một cách chủ động, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Ðảng ủy Ðại học Thái Nguyên luôn quan tâm phát triển đảng viên trẻ. Trong ảnh: Lãnh đạo Ðại học Nông lâm Thái Nguyên kiểm tra giờ thực hành của sinh viên tại phòng thí nghiệm. Ảnh: ANH KHÔI

Bài 1: Quy hoạch "động" và "mở"

Bên cạnh ưu điểm, thời gian qua, công tác quy hoạch cán bộ của các địa phương bộc lộ những thiếu sót, hạn chế, ảnh hưởng đến các khâu khác của công tác cán bộ.

Những hạn chế và bất hợp lý

Khảo sát công tác quy hoạch cán bộ (QHCB) ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Bình Ðịnh, TP Hồ Chí Minh… cho thấy, ở cả ba cấp tỉnh, huyện, cơ sở, công tác QHCB trong nhiệm kỳ này đã có bước tiến vượt bậc, góp phần chủ động nguồn cán bộ và nâng cao chất lượng cán bộ được quy hoạch. Nhìn chung, việc QHCB đã bám sát những quy trình, hướng dẫn của Trung ương, cũng như điều kiện thực tế của các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập nảy sinh khi thực hiện các khâu QHCB. Năm 2017, Bộ Chính trị thành lập các đoàn kiểm tra về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Kết quả kiểm tra cho thấy, có những cấp ủy, tổ chức đảng còn nhầm lẫn giữa luân chuyển cán bộ theo quy hoạch với điều động cán bộ. Số lượng quy hoạch vào mỗi chức danh chưa đủ theo yêu cầu; quy hoạch còn mang tính cục bộ, khép kín trong nội bộ, chưa bảo đảm phương châm "động" và "mở"; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số của một số địa phương, đơn vị còn thấp so với quy định. QHCB thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương. Những hạn chế đó gây ra khó khăn không nhỏ đối với việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt cán bộ.

Ở một số ngành, địa phương vẫn để lọt vào QHCB những người thiếu phẩm chất đạo đức, không đủ điều kiện. Ðiển hình như trường hợp Trần Vũ Quỳnh Anh (Thanh Hóa) được quy hoạch vào chức danh Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Lê Phước Hoài Bảo (Quảng Nam) được quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm khi không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục. Ðây là những trường hợp sai quy trình, sai đối tượng quy hoạch.

Nhưng cũng có những trường hợp QHCB đúng quy trình lại gây dư luận ồn ào và cuối cùng không được chấp nhận. Ðó là trường hợp một Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa vợ vào diện quy hoạch làm Cục phó của đơn vị này, trường hợp Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch con trai làm Phó Giám đốc Sở. Ở nhiều cấp, nhiều ngành, quy hoạch, đề bạt người nhà theo kiểu "chín non", "chín ép" không phải chuyện hiếm. Nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trên là do cẩu thả, gượng ép trong các khâu từ quy hoạch đến đề bạt cán bộ, do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của Ðảng, do người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân.

Bên cạnh tình trạng "chạy quy hoạch", dùng mọi cách để được đưa vào danh sách quy hoạch, nhất là những đợt bổ sung quy hoạch, còn có tình trạng "bơm quy hoạch". Ðó là những trường hợp cán bộ phụ trách công tác tổ chức cán bộ như trưởng ban tổ chức cấp ủy, trưởng phòng tổ chức cán bộ, người phụ trách, tham mưu trực tiếp về công tác cán bộ của các cơ quan đảng chỉ nhăm nhăm đề xuất con, cháu, người nhà, người thân của lãnh đạo vào danh sách quy hoạch, danh sách đi học, bồi dưỡng. Từ đó mới dẫn đến những biểu hiện như quy hoạch, đề bạt "không trong sáng", làm mất uy tín của tổ chức đảng và cá nhân lãnh đạo, quản lý.

Nhiều vướng mắc ở cấp xã

Việc bảo đảm yêu cầu "động" và "mở" trong QHCB ở cấp xã có nhiều vấn đề. Nhiều xã đóng kín quy hoạch trong nội bộ dòng tộc, con em của cán bộ xã, dẫn đến chất lượng nguồn quy hoạch dẫm chân tại chỗ. Không ít sinh viên tham gia Ðề án đưa 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBND các xã của 62 huyện nghèo không được đưa vào quy hoạch tại địa phương. Ðồng chí Bùi Văn Lịnh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lạc Sơn (Hòa Bình) nhấn mạnh: Ðối với cấp xã, công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ thường bị tác động bởi phe phái, dòng họ. Nếu không bảo đảm dân chủ, khách quan khi giới thiệu cán bộ vào quy hoạch, các dòng họ lớn ở xã sẽ thao túng công tác cán bộ ngay từ khâu quy hoạch.

Về thực hiện ba độ tuổi trong QHCB, nhiều cán bộ địa phương thừa nhận là làm cho xong, không thực chất. Cấp tỉnh và cấp huyện dễ thực hiện hơn cấp xã, nhưng việc các nhóm tuổi cách nhau 5 năm, nghĩa là phải quy hoạch cho thời gian 15 năm, dẫn đến nhiều trường hợp không khả thi đối với nhóm tuổi trẻ. Ở các xã vùng nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, thường xảy ra hiện tượng thiếu cán bộ, thiếu nguồn để đạt tỷ lệ quy hoạch từ 1,5 đến 2 lần so với số lượng ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy đương nhiệm. Nhiều cấp ủy vẫn quy hoạch đủ số lượng nhưng thừa nhận mang tính hình thức. Ở các huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, việc bảo đảm độ tuổi thứ ba và tỷ lệ nữ trong quy hoạch rất khó thực hiện.

Là cán bộ vừa được luân chuyển làm Bí thư Ðảng ủy một xã khó khăn, đồng chí Lê Chí Huyên, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tân Lạc (Hòa Bình) phân tích: Ban Chấp hành (BCH) đảng bộ xã, phường, thị trấn có 15 người trong khi biên chế của xã trên dưới 20 người. Nhiều người trong số đó quá tuổi hoặc không đủ điều kiện quy hoạch, do đó tỷ lệ quy hoạch tối thiểu 1,5 lần như quy định rất khó thực hiện. Ở những xã khó khăn, lấy đủ tỷ lệ quy hoạch một lần đã khó. Nhiều lúc, Huyện ủy phải giúp xã làm công tác quy hoạch, đưa cán bộ huyện và cán bộ xã khác vào quy hoạch đối với những xã thiếu nguồn.

Ðồng chí Bùi Văn Ỉm, Bí thư Ðảng ủy xã Mãn Ðức, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) nêu thực tế của địa phương: BCH Ðảng bộ xã hiện có 13 đồng chí, hầu hết cán bộ, công chức trong số 21 biên chế của xã là cán bộ đương chức, hoặc hết tuổi quy hoạch, nên không tìm được nguồn quy hoạch. Ðội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn rất đông nhưng không đủ điều kiện đưa vào quy hoạch. Ðồng chí Phạm Hồng Ðức, Bí thư Ðảng ủy thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) phân trần: Xã tiến hành quy hoạch hai lần vẫn không đủ người. Năm 2018, xã phải đưa bảy trường hợp ra khỏi danh sách quy hoạch BCH nhiệm kỳ 2020 - 2025 vì có người thi đỗ công chức, chuyển công tác sang nơi khác, có người không còn muốn phấn đấu.

Khảo sát công tác cán bộ nữ tại tỉnh Thái Bình cho thấy, ở vùng nông thôn, việc vận động phụ nữ tham gia các phong trào của địa phương rất khó. Một phần vì phụ nữ phải lo việc nhà, phần khác vì không đủ tự tin đảm nhiệm các chức danh chủ chốt của xã, do đó việc tạo nguồn cán bộ nữ gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều năm nay địa phương không được tuyển dụng cán bộ do tinh giản biên chế, dẫn đến thiếu cán bộ trẻ để đưa vào quy hoạch độ tuổi thứ ba. Cấp xã phải lấy nguồn quy hoạch từ thôn, tổ dân phố, tuy nhiên, cán bộ thôn, tổ dân phố theo nhiệm kỳ 2,5 năm, cho nên thay đổi nhanh, tính ổn định không cao.

Ðể không còn tình trạng cục bộ, khép kín

Tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác QHCB diễn ra ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Trước hết, để bảo vệ quyền lợi của cán bộ, động viên cán bộ nên cấp ủy, lãnh đạo cơ quan luôn hướng tới quy hoạch người của cơ quan mình. Ðể khắc phục tình trạng này, trong hướng dẫn rà soát, bổ sung QHCB của Tỉnh ủy Phú Thọ nêu rõ, đối với chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nếu các cơ quan, địa phương, đơn vị không đưa cán bộ từ nguồn bên ngoài vào quy hoạch, thì mỗi chức danh quy hoạch không quá ba người. Trường hợp người thứ tư sẽ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định lấy từ các cơ quan, địa phương khác.

Trong thực tế, các cơ quan, đơn vị của tỉnh Hòa Bình thực hiện quy hoạch một chức danh không quá ba người, còn người thứ tư thì giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy rà soát, giới thiệu nhằm tránh quy hoạch khép kín. Ðồng chí Bùi Văn Luyến, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết: Tỉnh ủy có hướng dẫn chi tiết, yêu cầu công tác quy hoạch đúng quy trình, bảo đảm phương án mở. Nếu cơ quan, đơn vị nào không đề xuất được nhân sự thì phát huy vai trò của người đứng đầu để giới thiệu nhân sự. Do tất cả hồ sơ cán bộ đều được quản lý tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hằng năm đều có đánh giá về từng cá nhân, Ban Tổ chức Tỉnh ủy lấy đó làm cơ sở để phát hiện nguồn. Trong đó, yếu tố quan trọng là chuyên môn được đào tạo và quá trình công tác để quy hoạch vào vị trí phù hợp. Qua khâu phát hiện nguồn, có 289 người được quy hoạch BCH Ðảng bộ tỉnh. Sau nhiều lần sàng lọc công khai, dân chủ rút xuống còn 81 người, 26 đồng chí được quy hoạch Ban thường vụ Tỉnh ủy, đạt tỷ lệ hơn 1,7 lần. Số cán bộ được quy hoạch đều đạt 85% số phiếu đồng ý, bảo đảm đủ ba độ tuổi và cơ cấu dân tộc, cơ cấu nữ. Do tỷ lệ quy hoạch chưa đạt tối đa hai lần, trường hợp phát hiện nguồn mới có chất lượng thì vẫn làm quy trình bổ sung.

Tỉnh ủy Bình Ðịnh không đề ra quy định như các tỉnh khác, nhưng căn cứ vào danh sách cán bộ được quy hoạch do các sở, ngành, huyện, thị xã gửi lên, tỉnh bổ sung, điều chỉnh danh sách quy hoạch của các đơn vị, bổ sung nhân sự bên ngoài vào. Nhìn chung, các địa phương trong cả nước đã chú trọng QHCB "động" và "mở". Việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy trình, ngày càng khách quan, dân chủ. Cấp tỉnh, cấp huyện chủ động tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, do đó, cơ bản nguồn cán bộ quy hoạch bảo đảm các tiêu chuẩn, yêu cầu tối thiểu. Cấp xã có nhiều cố gắng, song chỉ những phường, thị trấn và các xã vùng đồng bằng, đô thị mới đủ nguồn quy hoạch. Việc quy hoạch cơ bản bảo đảm về số lượng, nhiều tỉnh, thành phố hướng tới nâng cao chất lượng cán bộ được quy hoạch và có các cách làm riêng để sát với thực tiễn, sát với yêu cầu thực tế của mỗi chức danh cán bộ.

Bài 2: Thường xuyên kiểm tra, rà soát quy hoạch

Cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) rà soát hồ sơ cán bộ được quy hoạch. Ảnh: ANH KHÔI

Để thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ, các cấp ủy đảng có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ được quy hoạch, thông qua công tác kiểm tra, rà soát các quy trình, quy định, thẩm định các tiêu chuẩn liên quan, đồng thời, gắn kết giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.

Để quy hoạch “vào khó, ra dễ”

Quy hoạch cán bộ (QHCB) là một nội dung quan trọng của công tác cán bộ, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước tăng cường phát hiện, giới thiệu cán bộ có đủ đức, tài, tâm và tầm đưa vào quy hoạch, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, không để những đối tượng cơ hội chính trị, kém đức, thiếu tài lọt vào danh sách quy hoạch.

Tỉnh ủy Bình Định triển khai công tác này với phương châm làm tới đâu, chắc tới đó, tránh thiếu sót. Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn cho biết, tỉnh liên tục rà soát, thẩm định nguồn cán bộ gắn với sử dụng cán bộ. Xét năng lực thực tế của cán bộ, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã điều động hai phó giám đốc sở đi làm phó ngành khác, mặc dù những cán bộ này được quy hoạch làm giám đốc sở, tham gia BCH Đảng bộ Tỉnh khóa sau. BTV Tỉnh ủy cũng rút khỏi quy hoạch BCH Đảng bộ Tỉnh một đồng chí phó bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện do để xảy ra phá rừng trên địa bàn. Các ban đảng của Tỉnh ủy thường xuyên nghe ngóng thông tin, dư luận, xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm để thanh lọc cán bộ trong danh sách quy hoạch. Đồng chí Lê Minh Tuấn nhấn mạnh, phải làm cho cán bộ thấy vào được quy hoạch khó, ra khỏi quy hoạch dễ, để cán bộ còn phấn đấu.

Cũng như các địa phương khác, công tác QHCB của tỉnh Hòa Bình được thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ. Sau khi Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem xét quy hoạch của cấp ủy cấp huyện, hầu như huyện, sở nào cũng phải rà soát lại quy hoạch do không bảo đảm tỷ lệ nữ, cán bộ được quy hoạch chưa bảo đảm chất lượng. Danh sách cán bộ được quy hoạch cấp tỉnh, cấp huyện được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thẩm định. Vừa qua, sau khi có ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, huyện Lạc Thủy đã đưa ra khỏi danh sách quy hoạch một số trường hợp có đơn thư phản ánh.

Ở cấp huyện, công tác QHCB cũng được triển khai bài bản, thận trọng. Đồng chí Bùi Văn Hành, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn (Hòa Bình) cho biết: Huyện ủy thực hiện đúng quy trình bốn bước khi QHCB. BTV Huyện ủy rà soát đưa ra, đưa vào, rồi đến hội nghị BCH, hội nghị cán bộ chủ chốt xem xét tiếp, sau đó trình BTV quyết định. Trên thực tế, danh sách quy hoạch phải qua nhiều khâu thẩm định vì BTV phải xem xét nhiều lần, Ban Tổ chức và các ban tham mưu của cấp ủy phải tham gia ý kiến nhiều lần đối với từng trường hợp cụ thể. Theo đồng chí Bùi Văn Hành, ở các xã, quan hệ dòng tộc ảnh hưởng sâu sắc đến quy hoạch, sử dụng cán bộ. Hai năm qua, BTV Huyện ủy Lạc Sơn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác QHCB, xử lý kỷ luật ba BTV cấp ủy. Nguyên nhân do trong quá trình các xã tổ chức đại hội các đoàn thể, nhiều người muốn đưa anh em, người nhà mình vào danh sách bầu cử, không thống nhất được với nhau, dẫn đến mất đoàn kết. Một đồng chí là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phố bị kỷ luật, cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Quy hoạch cán bộ không phải là cái khung cứng

TP Hồ Chí Minh có cách làm riêng để bảo đảm quy hoạch “mở”, đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ được quy hoạch. Nhiệm kỳ này, trên cơ sở QHCB của các quận, huyện, sở, ngành, Ban Tổ chức Thành ủy đã lập danh sách cán bộ trẻ, có triển vọng thực hiện quy hoạch “mở”, trình Ban Thường vụ Thành ủy. Kết quả, có 501 cán bộ đưa vào nguồn quy hoạch “mở”, trong đó có 251 đồng chí sinh năm 1980 trở lại đây (chiếm 50,1%), tám đồng chí có trình độ phó giáo sư, tiến sĩ, 296 đồng chí trình độ thạc sĩ (chiếm 59,1%), 377 đồng chí có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị (chiếm 75,3%), từ đó chất lượng nguồn quy hoạch được nâng lên. Trên cơ sở nguồn QHCB “mở” và tiêu chí đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua, Ban Tổ chức Thành ủy chủ động rà soát, đề xuất giới thiệu bổ sung 143 trong số 501 cán bộ để đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị có khó khăn về cán bộ, nhằm bảo đảm yêu cầu, cơ cấu ba độ tuổi, cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Ban Thường vụ Thành ủy gặp gỡ, nghe những cán bộ nguồn “mở” trao đổi về quá trình phấn đấu của bản thân, những thuận lợi, khó khăn trong công tác, từ đó có kế hoạch sử dụng cán bộ phù hợp.

Hơn 10 năm trước, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình tạo nguồn QHCB lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhằm đáp ứng nguồn nhân sự trẻ có năng lực. Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh có 15 cán bộ được đào tạo từ chương trình này. Đến nay, có hai người được đề bạt làm phó giám đốc sở, sáu người được đề bạt làm lãnh đạo cấp phòng. Huyện ủy Nhà Bè có 37 cán bộ, công chức trẻ được đề bạt, bổ nhiệm. Thành phố mạnh dạn thực hiện chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân. Từ năm 2011 đến 2018, thành phố có 32 cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm cấp trưởng, phó phòng, bí thư, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn theo chương trình này.

QHCB không phải là cái khung cứng mà cần linh hoạt, quan trọng nhất là cán bộ phải đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công việc, vị trí công tác cụ thể. Cần kết hợp giữa nguồn quy hoạch với phương pháp lựa chọn cán bộ chủ chốt. Đồng thời, phải tìm nguồn cán bộ mới có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng, sẵn sàng đề bạt kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ. Thị ủy Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) đã áp dụng thành công cách làm này trong nhiều năm. Đồng chí Lê Kim Khánh, Bí thư Thị ủy Phú Thọ cho biết, khi lựa chọn ba vị trí lãnh đạo là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng Trường THCS chất lượng cao Hùng Vương và Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao của thị xã, Ban Thường vụ Thị ủy họp nhiều lần, rà soát tất cả cán bộ thuộc diện BTV Thị ủy quản lý, thấy rằng nhân sự trong quy hoạch chưa thật sự phù hợp vì yêu cầu đối với ngành văn hóa, giáo dục của thị xã rất cao. Do đó, Thị ủy chủ trương tìm cán bộ ngoài quy hoạch ở nơi khác. Sau nhiều lần tìm nguồn, BTV Thị ủy quyết định xin cán bộ từ Trường đại học Hùng Vương, một đơn vị hoạt động trên địa bàn thị xã. Qua nhiều vòng sàng lọc, thẩm định, hiệp thương, thị xã đã tuyển được những cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ để đảm nhận các chức vụ Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng Trường THCS chất lượng cao Hùng Vương và Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Bài học từ thị xã Phú Thọ cho thấy, không nhất thiết sử dụng cán bộ được quy hoạch, cán bộ tại địa phương, cơ quan, đơn vị, mà việc sử dụng cán bộ cần linh hoạt, nhất là đối với các cơ quan chuyên môn, nghiên cứu khoa học. Nói cách khác, sử dụng cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu công việc.

Quy hoạch cần thực chất, khả thi

Nhìn một cách tổng thể, chưa có nhiều đột phá, cách làm mới trong QHCB để thu hút những người có năng lực, trình độ cao vào khu vực công, hệ thống chính trị. Trong khi đó, phương thức tuyển chọn, sử dụng lãnh đạo, quản lý của khu vực tư luôn năng động, linh hoạt, cạnh tranh quyết liệt nhân sự chất lượng với khu vực công. Do đó, bên cạnh các quy định về QHCB thì các ngành, địa phương, đơn vị cần đề ra những tiêu chuẩn, ưu đãi để thu hút nhân tài trong các lĩnh vực vào hệ thống chính trị, ngay từ khâu QHCB.

Để công tác này sát với thực tế, cần gắn kết chặt chẽ giữa các khâu của công tác cán bộ, từ phát hiện nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đến đề bạt. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy Phú Thọ tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong quy hoạch. Nhiều cán bộ trẻ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển về làm lãnh đạo các địa phương để tích lũy kinh nghiệm, một số cán bộ được cử đi đào tạo theo chức danh quy hoạch. Đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ khẳng định: Quan điểm của tỉnh là quy hoạch đến đâu, đào tạo đến đấy theo đúng chức danh được quy hoạch. Hầu hết cán bộ được đề bạt đúng theo phương án quy hoạch. Những cá nhân tự đi học nâng cao trình độ phải tự trang trải kinh phí. Để xử lý vướng mắc về tỷ lệ QHCB ở cấp xã, Tỉnh ủy Phú Thọ quy định, đối với các xã khó khăn về nguồn cán bộ, số lượng dự nguồn không nhất thiết phải có từ 1,5 đến 2 lần, nhưng ít nhất phải bằng số lượng BCH, BTV đương nhiệm.

Cùng quan điểm, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định Lê Minh Tuấn đề xuất, đối với cấp xã, chỉ nên quy hoạch những chức danh chủ chốt: bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy, phó chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND để công tác quy hoạch bảo đảm thực chất, khả thi. Theo phân cấp trong công tác phê duyệt QHCB, Trung ương nên định hướng QHCB cho cấp tỉnh, tỉnh định hướng cho huyện và huyện định hướng cho xã để quy hoạch sát với thực tế. Bởi vì chỉ có cấp trên trực tiếp mới nắm rõ đặc điểm, tình hình cán bộ cấp dưới. Cấp huyện cần trực tiếp chỉ đạo cấp xã về công tác QHCB để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức xã trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Văn Long, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đề xuất nên giao cho cấp xã tỷ lệ quy hoạch từ 1 đến 1,2 lần so với cấp ủy đương nhiệm, như thế công tác quy hoạch khả thi hơn.

Hiện nay, quá trình luân chuyển cán bộ nếu thực hiện không hợp lý, sẽ khiến cho quy hoạch của các đơn vị không thực hiện được, hay còn gọi là “quy hoạch treo”, khiến không ít cán bộ trong quy hoạch nản lòng. Do đó, cần có quy định cụ thể về điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ theo quy hoạch chức danh. Chẳng hạn, một cán bộ được quy hoạch làm chủ tịch UBND một huyện thì có thể được điều động làm chủ tịch UBND bất cứ huyện nào trong tỉnh. Cách làm này sẽ giúp thực hiện chủ trương người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không là người địa phương. Để QHCB sát thực tiễn, có tính khả thi, tránh cục bộ, các cấp ủy đảng phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ, từng lĩnh vực công tác để xác định tiêu chuẩn, cơ cấu cán bộ trong quy hoạch, đồng thời nắm chắc đội ngũ cán bộ hiện có, dự báo được nhu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài. Đồng thời, cấp ủy cần đánh giá chính xác nhân sự được quy hoạch, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh. Theo quy định hiện nay, kết luận về đánh giá cán bộ được thể hiện bằng văn bản, công khai trong tập thể BTV, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoặc tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Cần thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, nếu phát hiện những trường hợp vi phạm, hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì đưa ra khỏi quy hoạch, đồng thời bổ sung nhân tố mới đủ điều kiện vào quy hoạch. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp chạy quy hoạch, chạy phiếu.

Hiện nay, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị đang chuẩn bị các bước quy hoạch nhân sự chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, BTV, cấp ủy, người đứng đầu và các cơ quan tham mưu giúp việc càng phải nhận thức sâu sắc về bản chất của công tác QHCB, chú trọng phát hiện cán bộ có năng lực, loại bỏ những người cơ hội để bảo đảm chất lượng quy hoạch. Những cán bộ được đưa vào diện quy hoạch cần nỗ lực phấn đấu, khẳng định bản thân, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, đồng thời phải nêu gương trong mọi mặt hoạt động để được đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận, đánh giá tốt.

Nguồn: Báo Nhân Dân


    Ý kiến bạn đọc