Biểu hiện của thói chuộng hư danh
EmailPrintAa
08:37 18/01/2017

Chuộng hư danh là biểu hiện văn hoá thiếu lành mạnh của con người Việt Nam hiện nay. Chuộng hư danh diễn ra ở nhiều lứa tuổi, tầng lớp, môi trường, địa bàn, lĩnh vực với mức độ, cách thức khác nhau. Theo Từ điển tiếng Việt thì danh là tên, danh tiếng. Chuộng là coi trọng, thích. Hư nghĩa là không sử dụng được, tật xấu khó sửa, không có thật. Chuộng hư danh có thể được hiểu là thích, coi trọng cái không thực chất, danh hảo, không hữu ích, không đem lại ý nghĩa gì. Thói chuộng hư danh không những diễn ra trong giới trẻ mà còn bộc lộ trong cá nhân trong tổ chức Đảng, bộ máy công quyền mà chúng ta cần phải đấu tranh loại bỏ để xã hội tốt đẹp, bộ máy Đảng, chính quyền trong sạch.
 

 

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

  Tâm lý của con người thường vẫn thích có vị trí, có sự đánh giá của người khác giành cho mình. Danh còn được hiểu là danh dự, hình ảnh của mình trong mắt người khác. Người có danh mà không có tài cán gì, không được người khác nhìn nhận, đánh giá, có vị trí nhưng không phát huy được vai trò hoặc không đem lại lợi ích gì từ vị trí đó thì gọi là hữu danh vô thực. Muốn nhận được sự đánh giá thì bản thân mình phải có có gì đó khác biệt, phải có công, phải được khẳng định. Do sự tác động của cơ chế thị trường, hội nhập đã tác động đến tâm lý, lối sống của một bộ phận người dân nhất là thế hệ trẻ lối sống hưởng lạc, lười lao động, chuộng hư danh, thích thể hiện. Lười lao động ngại học tập, ngại khó, ngại khổ nhưng lại thích được nhìn nhận đánh giá, thích được khen, được để ý, được nổi tiếng, coi trọng hình thức, khoe khoang, thành tích. Có nhiều người ham học hỏi, phấn đấu vươn lên vì sự học, sự tiến bộ của bản thân để đóng góp cho đất nước song cũng không ít người học để có bằng cấp, để “lòe thiên hạ”. Không ít doanh nghiệp làm ăn chân chính, lớn mạnh vì cộng đồng song cũng không ít doanh nghiệp, tổ chức kinh tế bằng cách không lành mạnh để có được thương hiệu, chứng nhận, giải thưởng, sự vinh danh, vẽ lô gô hoành tráng… nhưng thực chất là cái màn để che chắn cho những hành vi kinh doanh thiếu trung thực, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường… nhằm mục đích trục lợi chứ không phải vì sự phát triển của cộng đồng.  Một điều đáng báo động là thói chuộng hình thức đã ăn sâu vào nếp nghĩ của không ít người thuộc lớp trẻ, thanh thiếu niên - lứa tuổi của sự hồn nhiên, trong sáng nhưng lại thích đánh bóng, thích sống ảo, thích chơi trội, trọng vật chất, thiếu trung thực với bản thân. Để câu like trên mạng xã hội facebook, nhiều thanh niên đã có những thách đố như hẹn đánh nhau, tự thiêu, tắm phân…những hành động quái dị này, theo lí giải của các chuyên gia tâm lí thì cùng với mạng xã hội chính là công cụ để cho giới trẻ thể hiện cái tôi, nhu cầu tự khẳng định, tự cường điệu nhằm tạo cho mình một hình ảnh, một sức mạnh gây sốc dư luận… Những biểu hiện này không được định hướng, sửa chữa, uốn nắn sẽ dẫn đến lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, hành động, có những việc làm trái với  thuần phong mỹ tục, nguyên tắc chuẩn mực đạo đức, thậm chí là con đường ngắn nhất dẫn đến vi phạm pháp luật. Vì vậy người lớn, nhất là bố mẹ phải thường xuyên theo dõi các hành vi, cách ứng xử của con cái để có sự uốn nắn, đồng thời, các thành viên trong gia đình cũng cần phải nêu gương về lối sống, giáo dục trẻ những giá trị, hành vi tốt đẹp, nhân văn, rằng nhiều tiền, giàu có chưa hẳn đã là cao quý, nghèo khó không có nghĩa là hèn hạ...từ đó trang bị cho trẻ thái độ sống đúng đắn, tích cực, biết yêu thương, sống vì người khác, yêu lao động.

Những biểu hiện của thói chuộng hư danh, hình thức, không những xẩy ra, lây lan trong xã hội mà trong tổ chức Đảng, trong bộ máy công quyền cũng ngày càng bộc lộ rõ. Ngay từ rất sớm, trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra được những “căn bệnh nguy hiểm” mà người cán bộ, đảng viên mắc phải sẽ lây lan nếu không nhìn nhận, sửa chữa. Trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, ngày 1-3-1947, Bác đã nêu tám khuyết điểm “phải kiên quyết tẩy sạch” mà xét một cách căn cơ cũng do thói chuộng hư danh, hình thức mà nên. Đó là: “Địa phương chủ nghĩa”, chỉ biết đến lợi ích của địa phương mình, bộ phận mình; “Óc bè phái”, nghe người, dùng người hẩu với mình; “óc quân phiệt quan liêu”, hống hách, như một “ông vua con” ở nơi mình phụ trách; “óc hẹp hòi”, không biết dùng chỗ hay của người khác và giúp họ chữa chỗ dở; “ham chuộng hình thức”, thích hình thức bề ngoài, phô trương cho oai; “làm việc lối bàn giấy”, thích làm việc kiểu giấy tờ, chỉ tay năm ngón, ít đi vào quần chúng, bám sát thực tiễn; “vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm”, việc dễ thì làm, khó thì bỏ, bỏ địa phương khi chiến tranh lan đến; “ích kỷ, hủ hóa”, thích ăn ngon mặc đẹp, xa hoa, chỉ lo danh lợi của bản thân mình…

Soi vào thực tiễn ngày nay, biểu hiện của những “căn bệnh” trên, trong đó có thói ham chuộng hình thức không những không thuyên giảm mà còn gia tăng về mức độ, tính nghiêm trọng, phạm vi tác động trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước. Đó là tình trạng không ít cán bộ, đảng viên rơi vào tâm lý ngại học tập, nghiên cứu lý luận, quan liêu, cửa quyền, có thái độ ứng xử chưa đúng mực, ưa ninh bợ cấp trên, đe nẹt cấp dưới, coi khinh quần chúng, thích đánh bóng tên tuổi, coi trọng vai trò cá nhân, thích khen, thích đánh giá tốt về bản thân, ngại tiếp thu sự phê bình, đánh giá của người khác, của cấp dưới, của nhân dân, khi có thành tích thì nhận, khuyết điểm, hạn chế hay việc khó thì đùn đẩy cho cán bộ cấp dưới, không chịu trách nhiệm về mình, ham mê chức quyền, địa vị và bằng mọi giá để đạt cho bằng được vị trí mà mình muốn… Có những người dù đóng góp của bản thân ở vị trí công tác chưa lâu, chưa nhiều nhưng thích dược ghi nhận, lưu danh… Có người còn tác động đến cấp trên, tổ chức để được luân chuyển, đề bạt vào những vị trí, địa bàn thuận lợi, tránh địa bàn khó, việc khó... như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII  đã chỉ rõ 27 biểu hiện, trong đó có biểu hiện “Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác, chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó, không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi khó khăn. Thậm chí còn tìm cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh”.  Những biểu hiện của thói chuộng hư danh, trọng hình thức này chính là mảnh đất màu mỡ, dung dưỡng cho thói tham ô, nhũng nhiễu, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, vun vén bản thân, bòn rút của công để phục vụ hoạt động đối ngoại mang danh tập thể nhưng thực chất là vì vị trí, vị sự thăng tiến của bản thân, lối sống xa hoa vô cảm. Tài sản kếch xù có được là nhờ lợi lộc từ vị trí, chức vụ của bản thân nhưng ngược lại khi kê khai thì mang tính hình thức, không đưa vào hoặc tài sản đứng tên người khác, giá trị của bản kê khai tài sản không có ý nghĩa… Biểu hiện của căn bệnh hình thức cũng chi phối, ăn sâu trong tình cảm, mối quan hệ của đồng chí, đồng nghiệp, cấp dưới đối với cấp trên ở không ít cơ quan, đơn vị.  Bởi thế có không ít đồng chí cán bộ lãnh đạo ở vị trí này được đồng nghiệp ca ngợi, tung hô, “kính trọng nhất thời” nhưng đến khi chuyển sang vị trí khác, địa bàn khác, người ta lãng quên nhanh, thậm chí còn bàn tán, nói xấu, phê phán… thử hỏi hình ảnh của họ trong lòng cán bộ, nhân dân có thực chất không và vì sao?

Thật nể phục khi có những vị cán bộ tiền bối trong thời kỳ cách mạng hết lòng vì dân, vì Đảng, họ có thể nghèo về vật chất nhưng đổi lại hình ảnh của họ ghi dấu ấn đậm nét trong lòng cán bộ, đồng nghiệp, nhân dân… Lịch sử, thời gian ghi dấu, ghi danh họ mà không cần một sự tự đánh bóng, thể hiện nào. Cùng với ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, các quy định đi kèm, các cơ chế mạnh của Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, các tổ chức Đảng đang tiếp tục tự soi, tự sửa để dần loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, đảng viên còn mang tư tưởng chuộng hình thức. Hi vọng sự chỉnh đốn, sửa chữa lần này thực chất, ý nghĩa, không hình thức, không khẩu hiệu mà làm làm thật để bảo vệ uy tín của cán bộ, của Đảng… để Đảng xứng đáng là người lãnh đạo lưu danh trong sử sách, trong nhân dân và trong lòng dân tộc.

Huyền Phương


    Ý kiến bạn đọc