Cái gốc của mọi công việc
EmailPrintAa
16:21 07/09/2016

Công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Nhận thức rõ cán bộ là cái gốc của mọi công việc, thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, mỗi người phải tự rèn luyện để có đức, có tâm, đủ tầm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện của đất nước.
 

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc năm 1961.

 

Thời gian qua, dư luận nhân dân cả nước bức xúc trước những vụ việc nghiêm trọng như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, khi lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước đã làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng mà vẫn được bổ nhiệm tiếp lên những chức vụ ngày càng cao ở Bộ Công thương. Hay như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm đã làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng. Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nêu trước Quốc hội về tình trạng tiêu cực, chẳng hạn một lãnh đạo huyện Đông Anh (Hà Nội) bị dân tố biến đất công thành đất tư; chuyện “cát tặc” hoành hành, “lâm tặc” chặt phá rừng nhân dân biết nhưng cán bộ có trách nhiệm không biết, “không chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân” v.v... Một bộ phận cán bộ biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, lãng phí, sách nhiễu nhân dân, thiếu tu dưỡng rèn luyện, có biểu hiện dao động, giảm sút lòng tin vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng là thực trạng đáng báo động. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến ngày càng phức tạp, tệ nạn như “chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp”, chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tất cả những sự vụ đó đều có nguyên nhân từ công tác cán bộ, hoặc có liên quan đến công tác cán bộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nếu đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, đạo đức tốt, liệu có thể xảy ra nhiều tiêu cực đến thế?

Do đó, bài học về công tác cán bộ, lựa chọn, sử dụng cán bộ cực kỳ quan trọng. Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ cần: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài”; “Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó có quy chế về đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp...”. Đó là những chủ trương, hành động thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, có tài, có đức để phụng sự đất nước.

Công tác cán bộ gồm nhiều khâu, từ phát hiện, tuyển chọn, nhận xét, đánh giá, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Các khâu của công tác cán bộ có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau, tác động, thúc đẩy lẫn nhau. Thực hiện tốt khâu này sẽ là tiền đề và cơ sở để thực hiện tốt các khâu khác và ngược lại, nếu một khâu nào đó thực hiện chưa tốt, không đúng quy trình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các khâu khác và kết quả chung của công tác cán bộ. Vì vậy, phải kết hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ tất cả các khâu, không được coi nhẹ hoặc bỏ qua một khâu nào. Để làm tốt công tác cán bộ cần phải có sự cộng lực từ hai phía: Đảng lãnh đạo và cá nhân từng người. Cán bộ cần đáp ứng 3 yêu cầu (có trình độ, năng lực; văn hóa làm việc khoa học, hiệu quả, vì dân; bản lĩnh vững vàng). Muốn thế, cần thực hiện và 4 giải pháp (Một là, tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với tình hình mới. Hai là, tạo môi trường học tập cho đội ngũ cán bộ. Ba là, làm tốt công tác luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành trong thực tiễn. Bốn là, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng). Từng cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt việc “tu thân, tề gia”, tự nghiêm khắc với chính bản thân và gia đình, làm tốt công tác tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ: “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém, mỗi người phải tự rèn luyện để có đức, có tâm, đủ tầm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện của đất nước.

Theo xaydungdang.org.vn


    Ý kiến bạn đọc