Cần có giải pháp đồng bộ nhằm phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
EmailPrintAa
10:41 09/03/2018

Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Đảng và Nhà nước ta đã ban hành hệ thống văn bản khá đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN). Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này còn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần được giải quyết.

Đại diện lãnh đạo Khối Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh trao quà tặng Trung tâm Hỗ trợ trẻ em huyện Thuận Thành.

Ảnh: MAI HỒNG LIÊN

Phương thức tập hợp tạo hiệu quả

Tại hội nghị Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp Bắc Giang, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần may Bắc Giang, Anh hùng Lao động Nguyễn Hữu Phải, kể câu chuyện sinh động: Khu xưởng rộng 2,9 ha của công ty đã làm đủ thủ tục hàng chục năm, nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Từ cuộc tiếp xúc giữa các doanh nghiệp với Ðoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo tỉnh, cơ quan chức năng của tỉnh, do Ðảng ủy Khối tổ chức, nhiều vấn đề khó khăn của doanh nghiệp sau đó được giải quyết, trong đó có việc cấp sổ đỏ cho mặt bằng khu xưởng nêu trên. Cũng từ đó, đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức đảng và công ty thông qua việc phối hợp, chỉ đạo của Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh. Năm 2017, Ðảng bộ công ty kết nạp được 65 đảng viên mới, hiện có 327 đảng viên sinh hoạt ở 28 chi bộ.

Tỉnh Bắc Giang có sáu khu công nghiệp, 230 DNNKVNN hoạt động với gần 30 nghìn công nhân, sáu năm trước chưa có tổ chức đảng, nay đã có đảng bộ riêng, thành lập mới tám chi bộ, kết nạp được 192 đảng viên. Kết quả nêu trên gắn liền quá trình Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh đổi mới phương thức, lãnh đạo, giác ngộ, tập hợp quần chúng. Nổi bật là chương trình "Ba đồng hành cùng doanh nghiệp". Ðảng ủy luôn bám sát tình hình sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp, định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, cơ quan chức năng với doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời những ách tắc, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Bí thư Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp Nguyễn Xuân Vượng chia sẻ, Ðảng ủy Khối là cầu nối trong chương trình "Liên kết bốn nhà": Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp để giúp đỡ, hỗ trợ phối hợp liên kết từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong Khối.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, sau quá trình vận động, Ðảng bộ Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn được thành lập, chủ doanh nghiệp từ nhận thức đúng đã tạo mọi điều kiện cho tổ chức đảng và đoàn thể hoạt động. Lãnh đạo doanh nghiệp chủ động đề xuất với Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh mở lớp đối tượng kết nạp Ðảng để 40 đoàn viên ưu tú là công nhân trực tiếp sản xuất tham gia học tập.

Hay như tại Hải Phòng, đã phát triển được tổ chức đảng tại hầu khắp các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài. Về kinh nghiệm, theo Bí thư Ðảng ủy Khu Kinh tế Hải Phòng Nguyễn Công Thành, cùng với việc xây dựng lực lượng đảng viên nòng cốt để thành lập chi bộ, còn cần có cách làm, có phương pháp thuyết phục, vận động giới chủ doanh nghiệp. Từ công tác nắm tình hình doanh nghiệp, Ðảng ủy thông qua các diễn đàn, các cuộc tiếp xúc, thuyết phục để giới chủ thấy rõ vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp... Với giải pháp đồng bộ, Ðảng ủy Khu Kinh tế Hải Phòng đã thành lập được 10 chi bộ trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Không chỉ có Hải Phòng, Bắc Giang mà còn nhiều tỉnh ủy, thành ủy phía bắc đã chú trọng công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong DNNKVNN. Ðiển hình là Hà Nội, trong 5 năm đã thành lập 748 tổ chức đảng mới, kết nạp 4.880 đảng viên; Bắc Ninh đã phát triển 59 tổ chức đảng mới, kết nạp hơn 2.500 đảng viên. Lào Cai thành lập 16 tổ chức đảng mới... Nhìn chung, tổ chức đảng trong DNNKVNN đã phát huy chức năng, nhiệm vụ, vai trò trong giáo dục tư tưởng, chính trị cho đảng viên, động viên người lao động tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh.

Quyết tâm phải cao, giải pháp cần đồng bộ

Thực tế khẳng định vai trò của tổ chức đảng và đảng viên trong DNNKVNN có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực trong nhiệm vụ này. Tuy nhiên, nhìn chung, số DNNKVNN có tổ chức đảng còn thấp, thường ít đảng viên, chưa tương xứng so với số lượng doanh nghiệp và lực lượng lao động. Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động nhiều tổ chức đảng chưa cao, vai trò lãnh đạo còn mờ nhạt...

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 10 nghìn doanh nghiệp, trong đó hầu hết là DNNKVNN, nhưng chỉ có 375 doanh nghiệp sử dụng ổn định từ 30 lao động trở lên. Nhận thức của giới chủ, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể đối với doanh nghiệp chưa đầy đủ. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, thành lập tổ chức đảng, đoàn thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ công nhân, người lao động chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, chưa thiết tha đến các hoạt động công tác đảng, đoàn thể, thiếu động cơ phấn đấu vào Ðảng...

Trong bối cảnh đó, ba năm qua tỉnh đã thành lập được 22 tổ chức đảng, kết nạp được 491 quần chúng ưu tú vào Ðảng. Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Quốc Khánh cho biết, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có hơn 50% số DNNKVNN thành lập được tổ chức đảng; 70% thành lập được tổ chức công đoàn và Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu, cần có sự quyết tâm rất cao, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể cùng giải pháp, cơ chế đồng bộ, Bí thư Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Thái Khắc Thư chia sẻ. Thí dụ, tại huyện Quỳ Hợp, hiện nay trong tổng số hơn 350 doanh nghiệp thì hơn 200 doanh nghiệp rơi vào tình trạng ngừng hoạt động sản xuất và phá sản, cho nên để đạt kế hoạch mỗi năm thành lập mới từ ba đến năm tổ chức đảng trong khu vực này là rất khó.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn năm nghìn DNNKVNN, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu việc làm. Nhiều đơn vị thiếu năng lực quản trị, lao động chất lượng cao... Còn địa phương có hàng trăm doanh nghiệp hoạt động với số lượng xấp xỉ một trăm công nhân, nhưng chưa thành lập được tổ chức đảng. Từ thực trạng nêu trên, Bí thư Ðảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh Trần Văn Kỳ nêu ra giải pháp: Coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp và quần chúng về Ðảng. Ðồng thời, các cấp ủy, chính quyền đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ để doanh nghiệp đứng vững, phát triển nâng cao đời sống người lao động.

Ðáp ứng yêu cầu phát triển đảng trong các DNNKVNN, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố thống nhất, cần tạo chuyển biến trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn hiện nay. Thông qua các hoạt động thực tiễn, các cấp ủy cần chủ động đổi mới phương thức tập hợp quần chúng, khẳng định vị trí vai trò tổ chức đối với doanh nghiệp. Cần sáng tạo, đa dạng giải pháp tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, tạo sự thay đổi cả về nhận thức và hành động trong thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước tại doanh nghiệp. Quá trình này càng phải quyết tâm cao khi mà Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh là tổ chức đảng chưa tương ứng với tổ chức đơn vị hành chính, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Ðình Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ý kiến của lãnh đạo nhiều địa phương, cần có những cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các ban xây dựng đảng, ngay từ khi thành lập doanh nghiệp và phải có những cam kết, ràng buộc nhất định đối với doanh nghiệp. Mặt khác, Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng quy định về phụ cấp chi ủy viên, kinh phí thẩm tra, kết nạp Ðảng, chi phí đào tạo, bồi dưỡng cấp ủy, đảng viên mới kết nạp trong các DN từ nguồn kinh phí của Ðảng cho phù hợp với yêu cầu phát triển đảng trong khu vực này.

Trước những vấn đề đặt ra, đồng chí Hà Ban, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Quy định số 15-QÐ/TW (ngày 28-8-2006) khóa X về đảng viên làm kinh tế tư nhân, Ban Tổ chức T.Ư sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương, giải pháp phù hợp để xây dựng, củng cố tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong khu vực này. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình DNNKVNN cho phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện hoạt động hiện nay...

Nguồn: nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc