Cảnh giác với các chiêu trò “chạy phiếu bầu"
EmailPrintAa
14:46 04/06/2020

Xác định tầm quan trọng đặc biệt của việc bầu ban chấp hành (cấp ủy) tại đại hội đảng các cấp, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, trong đó nêu rõ: Cấp ủy nhiệm kỳ mới phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh (TSVM), có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới...

Tuy nhiên, vẫn không ít đảng viên chưa nhận thức đúng hệ trọng của việc bầu cấp ủy, chưa thực sự nghiêm túc, khách quan, sáng suốt trong bầu cử, dẫn đến bầu người chưa thực sự xứng đáng; bên cạnh đó còn có hiện tượng "chạy phiếu". Điều này rất nguy hại bởi cấp ủy là hạt nhân lãnh đạo,nhân tố quyết định sức mạnh của tổ chức đảng và sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chọn người... dễ tính!

Hơn 20 năm tuổi Đảng, đã công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị và nhất là được đi tìm hiểu ở nhiều nơi, điều khiến tôi (cùng rất nhiều đảng viên và quần chúng tâm huyết với Đảng) không khỏi trăn trở là những cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) thực sự nghiêm túc, trách nhiệm với công việc tập thể thì bị nhiều người coi là “khó tính” và thường nhận được sự ủng hộ ít hơn so với những CB, ĐV “dễ tính”. Không ít đảng viên vô tư trần tình: Lãnh đạo dễ tính thì mình cũng được thoải mái, “dễ thở”, dễ làm ăn; còn lãnh đạo nghiêm túc thì mình sẽ gò bó, vất vả. Vậy đơn giản là cứ ủng hộ những người “dễ tính”!

Chính vì khá nhiều đảng viên, nhân viên có tâm lý như trên nên dẫn đến một bộ phận CB, ĐV cố tình chọn lối sống và phong cách làm việc xuê xoa, “dĩ hòa vi quý” để lấy lòng mọi người; thậm chí, có cán bộ còn suy nghĩ tiêu cực: Chẳng dại gì thẳng thắn, nghiêm túc, đặt ra yêu cầu cao mà bị cấp dưới quy vào “khó tính, khắt khe”, rồi sẽ không ủng hộ.

Việc sợ mất phiếu, sợ mất lòng cấp dưới là nguyên nhân chính của tình trạng “mũ ni che tai”, nhắm mắt làm ngơ trước những khuyết điểm, vi phạm trong cơ quan, đơn vị. Cá biệt, có cán bộ còn a dua, hùa theo cái sai, kiểu sống “hai mặt” hay “nín thở chờ... đại hội”. Hậu quả của cách sống này rất tai hại vì nó khiến những người thẳng thắn, trung thực, có tinh thần xây dựng tập thể dễ bị “loại từ vòng gửi xe”. Số người “dễ tính” sẽ có xu hướng tăng, khiến tinh thần phê bình và tự phê bình, tính xây dựng và tính chiến đấu trong tổ chức đảng bị suy giảm.

Thử hỏi, trong mọi tổ chức nói chung, tổ chức đảng nói riêng, nếu toàn người “dễ tính”, thiếu tinh thần tự phê bình và phê bình, thiếu tính chiến đấu thì làm sao có thể TSVM? Nếu cấp trên không nghiêm túc, không đặt ra yêu cầu cao thì cơ quan, đơn vị có phát triển và cấp dưới có tiến bộ, trưởng thành?

Hẳn ai cũng biết thành ngữ “Thuốc đắng dã tật” và “Mật ngọt chết ruồi”. Đánh giá con người nói chung, một CB, ĐV nói riêng trước tiên cần phải xem bản chất, việc làm và cách ứng xử của họ là vì cá nhân hay vì tập thể; họ “dễ tính” hay “khó tính” nhằm mục đích gì? Tất nhiên, nếu CB, ĐV có lối sống và quan điểm làm việc nghiêm túc, thực sự vì việc chung, lại có phương pháp giải quyết công việc hài hòa, hợp lý, hợp tình và đạt hiệu quả cao thì tốt nhất. Nhưng chúng ta cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với những CB, ĐV cố tình “dễ tính” chỉ nhằm “lấy phiếu”, không vì tập thể mà vì lợi ích cá nhân, bởi những thành phần này giống như những “con lươn, con chạch tìm cách để chui sâu, leo cao” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần cảnh báo.

Ảnh minh họa.

Bầu người... quý mình!

Bên cạnh xu hướng “bầu người dễ tính” thì có khá nhiều đảng viên còn ưu tiên bầu người quý mình, người gần gũi thân quen với mình vào cấp ủy. Về tâm lý học thì đây là yếu tố khách quan, bởi ai cũng có tình cảm riêng và tâm lý “trả ân, trả nghĩa”, người nào đối xử tốt với mình thì mình đáp lại. Nhưng tâm lý này nguy hại ở chỗ nó dẫn đến sự thiên vị, thiếu khách quan trong bầu cử. Khi bị tình cảm riêng chi phối, cảm tính lấn át lý tính, chắc chắn đảng viên không thể công bằng trong đánh giá, lựa chọn những người xứng đáng hơn để bầu vào cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội ở mỗi tổ chức đảng. Như vậy, không chỉ sức mạnh và năng lực lãnh đạo của cấp ủy sẽ bị ảnh hưởng mà còn dẫn đến xu hướng “thân tình”, lợi ích nhóm ngày càng tăng; những cán bộ thực sự có phẩm chất, năng lực tốt nhưng ít mối quan hệ, ít người thân quen sẽ bị thiệt thòi, khó phát triển-một nguyên nhân gây chán nản, thậm chí bất mãn, mất đoàn kết nội bộ.

Tục ngữ có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nếu thực lòng muốn những người mình yêu quý tiến bộ, tốt lên thì cần phải nghiêm khắc, thẳng thắn phê bình, đánh giá đúng và để họ làm việc ở vị trí phù hợp với trình độ, năng lực, bảo đảm đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có điều kiện tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để trưởng thành, phát triển vững chắc. Nếu vì yêu quý mà tâng bốc, thiên vị, cố tình đưa vào vị trí “vượt tầm”, quá sức thì chính là làm hại họ, bởi khi không đáp ứng tốt yêu cầu công việc thì uy tín giảm sút, thành “tiến bộ thụt lùi”, thui chột. “Quý nhau như thế bằng mười hại nhau” chính là ở chỗ đó. Cho nên, mỗi đảng viên cần phải thực sự công tâm, không để tình cảm lấn át lý trí trong bầu cấp ủy. Cân nhắc kỹ để lựa chọn đúng những người thật xứng đáng. Có khách quan trước lá phiếu mới là người đàng hoàng, quân tử, thực sự vì việc chung. Đừng vì tình cảm riêng mà trở thành vô trách nhiệm với những người tốt, với tập thể, để rồi sau này lại phải hối hận, day dứt.

“Bài toán”... lợi ích!

Đây là thực trạng đáng lo ngại nhất trong việc bầu cấp ủy vì nó vừa dẫn đến sự thiếu khách quan, vừa là nguyên nhân chính gây mất đoàn kết.

Thực tế có khá nhiều biểu hiện của việc đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích chung trong bầu cấp ủy đảng cũng như bầu cử cơ quan lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành. Có những cán bộ khi bầu chi ủy ở đại hội chi bộ thì “suýt trượt” vì các đảng viên thấy còn nhiều khiếm khuyết về phẩm chất, năng lực, thậm chí “xấu tính”, khiến nhiều đảng viên bức xúc. Nhưng đến lúc bầu đảng ủy trong đại hội đảng bộ thì chính cán bộ ấy lại được các đảng viên trong chi bộ ủng hộ tuyệt đối, bởi họ bảo nhau “dù không xứng đáng nhưng vẫn cứ bầu người nhà mình, vì lợi ích của chi bộ, đơn vị mình”.

Một kiểu lợi ích cá nhân khác là thỏa thuận ngầm, kiểu “ông vận động mọi người bầu tôi, tôi cũng vận động mọi người bầu ông để… cùng có lợi”. Thực tế là có khá nhiều đảng viên không biết hết thông tin về các ứng cử viên trong danh sách bầu cử (nhất là ở các đảng bộ đông đảng viên, hoạt động phân tán, ít liên quan đến nhau), nên khi được nghe cán bộ “rỉ tai” nói tốt hay nói xấu về người này, người kia thì đảng viên dễ tin theo. Hệ lụy là những ứng cử viên thực sự trong sáng, không vận động gì, thậm chí còn bị cố tình nói xấu thì dễ trượt, còn “con lươn, con chạch” thì lại trúng cử!

Biểu hiện nữa của chủ nghĩa cá nhân trong bầu cấp ủy, bầu ban thường vụ là sợ người khác hơn mình nên cố tình “dìm hàng”, tung tin xấu, dù biết rõ người đó rất tốt, rất xứng đáng được bầu. Lý do đơn giản là nếu người đó được bầu vào cấp ủy thì mình hoặc “người của mình” sẽ không cạnh tranh nổi, không có cơ hội để vào ghế nọ ghế kia. “Bài toán lợi ích” này dẫn đến việc bầu cử thiếu khách quan và đây là tính rất xấu cần phải đấu tranh loại bỏ.

Có một biểu hiện của “lợi ích nhóm” cũng khá phổ biến (đặc biệt là với các đảng bộ địa phương, vùng nông thôn) là việc các phe nhóm tìm cách vận động bầu cho “người của mình” với mục đích khi “người của mình” vào vị trí lãnh đạo thì sẽ tạo thuận lợi cho làng mình, nhóm mình làm ăn, phát triển. Đây là việc hết sức nguy hiểm, thể hiện rõ sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Cần tỉnh táo và thực sự nghiêm túc, công tâm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở rất nhiều về công tác cán bộ, vì theo Người, đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, là nền tảng, quyết định sự thành bại của cách mạng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do đó, Bác đã căn dặn và lưu ý: “Người nào có năng lực làm việc gì thì đặt vào việc ấy"; “Phải tránh cái bệnh chỉ thích dùng những người cùng cánh hẩu với mình”, “Ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng”... Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách dùng người và yêu cầu đối với cán bộ cách mạng phải "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", mỗi CB, ĐV cần thực sự nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước đất nước và nhân dân, vì sự phát triển lành mạnh của cơ quan, đơn vị, địa phương; đặc biệt, phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, công tâm, khách quan, tuyệt đối không để tình cảm lấn át lý trí trong bầu cử cấp ủy các cấp, nhất là chống chủ nghĩa cá nhân, "lợi ích nhóm" để lựa chọn đúng những người thật tiêu biểu, xứng đáng vào cơ quan lãnh đạo.

Mặt khác, để bảo đảm cho đại hội bầu cấp ủy có chất lượng, trước hết và quan trọng nhất là các cấp ủy đảng phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy phải trên cơ sở quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và khả năng đáp ứng của cán bộ; đồng thời, cần chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng. Phải xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn… Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm; đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu...

Nếu các cấp ủy đảng đều chuẩn bị nhân sự đại hội bảo đảm đúng quy trình, chặt chẽ, thật sự công tâm, trong sáng, khách quan để giới thiệu được các CB, ĐV thực sự tiêu biểu dự bầu cấp ủy, không để lọt những “con lươn, con chạch” vào danh sách này thì đại hội cũng sẽ bầu được những cấp ủy viên tốt. Ngược lại, nguy cơ những người không thực sự xứng đáng lọt vào cơ quan lãnh đạo sẽ rất cao, nhất là khi các đảng viên cũng thiếu tỉnh táo và không thực sự công tâm, khách quan trước lá phiếu bầu cử.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn... Vì vậy, phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn... Chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc. Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Để những người đó lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn.

Nguồn: Cát Huy Quang/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc