Chuẩn mực hóa tác phong cán bộ, công chức cấp xã
EmailPrintAa
15:47 07/03/2018

Cải cách hành chính thành công hay không, cơ chế “một cửa” có thông suốt và phục vụ tốt nhân dân hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó con người giữ vai trò quyết định. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền cấp xã đã có nhiều nỗ lực cải thiện, xây dựng chuẩn mực tác phong cũng như nâng cao thái độ, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức (CB, CC) xã khi thực thi công vụ.

Khoảng chục năm về trước, phần đông những người công tác trong bộ máy hành chính cấp xã ở nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa có ý thức, thói quen làm việc theo nền nếp chính quy, chuyên nghiệp. Do đồng lương thấp, lại ít sự quản lý sâu sát của cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhiều người tự ý “co kéo” thời gian đi muộn, về sớm, tác phong làm việc lề mề, chất lượng giải quyết việc công hạn chế. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy công quyền ở xã hoạt động chưa hiệu lực, hiệu quả.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại trụ sở xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận).

Theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009, cán bộ cấp xã bao gồm các chức danh cơ bản: Bí thư, phó bí thư Đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND; chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đối tượng công chức cấp xã gồm 7 chức danh: Trưởng công an; chỉ huy trưởng quân sự; văn phòng-thống kê; địa chính-nông nghiệp-xây dựng và môi trường; tài chính-kế toán; tư pháp-hộ tịch; văn hóa-xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, do được chuẩn hóa về chức danh và hưởng lương cơ bản, phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp theo vùng đặc thù, cũng như hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, đội ngũ CB, CC đã tự ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp ở cơ sở. Qua tìm hiểu thực tế tại một số xã thuộc 4 tỉnh: Yên Bái, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Hậu Giang, chúng tôi nhận thấy, hầu hết CB, CC ở các xã nông thôn, miền núi không chỉ được chuẩn hóa về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với chức danh đảm nhiệm, mà còn được chuẩn hóa về tác phong làm việc theo hướng chính quy, chuyên nghiệp hơn.

Đến làm việc tại trụ sở xã miền núi Đông Cuông (Văn Yên, Yên Bái), xã ven biển Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận), xã miệt vườn Vị Thắng (Vị Thủy, Hậu Giang)… chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi bước vào một công sở khá khang trang, quy củ không khác mấy ở khu vực đô thị. CB, CC xã không chỉ mang mặc gọn gàng, lịch sự mà còn đeo biển tên trước ngực. Ở khu vực tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” tại trụ sở xã đều có biển bảng treo, dán các loại thủ tục hành chính thuận tiện cho việc tra cứu, tìm hiểu của người dân. “Đơn giản-Thuận tiện-Đúng luật-Đúng thời gian” là phương châm phục vụ nhân dân của bộ phận công chức “một cửa” xã Vị Thắng. “Lịch thiệp-Niềm nở-Ân cần-Trách nhiệm” là ý thức thường trực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp của công chức xã Nhơn Hải.

Nói về lý do chuyển biến này, ông Nguyễn Tất Đắc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Cuông cho biết: “Là xã nông thôn miền núi, nhưng chúng tôi cũng luôn chú trọng giáo dục, rèn luyện CB, CC xã có tác phong chuẩn mực, lề lối làm việc đúng giờ, khoa học, thân thiện trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp" (xã có 2 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã).

Còn theo ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, muốn làm chuyển biến thái độ, tác phong làm việc của CB, CC ở xã, trước hết người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải gương mẫu về thực hiện tác phong, chấp hành giờ giấc, lề lối làm việc để cấp dưới làm theo. Bên cạnh đó phải có những quy định, chế tài cụ thể để CB, CC đề cao trách nhiệm cá nhân trong quá trình thực thi công vụ.

Ông Lê Văn Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hải cho biết: “Học tập nền nếp giao ban của các đơn vị quân đội, thời gian qua, Thường vụ Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã tổ chức giao ban vào thời điểm đầu giờ làm việc hành chính trong buổi sáng để rèn luyện CB, CC phải đến trụ sở đúng giờ quy định. Nếu CB, CC nào đi muộn, về sớm mà không có lý do chính đáng, hoặc tự ý giải quyết việc riêng trong giờ làm việc, chúng tôi nhắc nhở kịp thời, nếu tái phạm sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp”.

Chúng tôi đồng tình với nhận định của ông Nguyễn Minh Trứ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận: “Sinh ra, lớn lên ở nông thôn, miền núi, CB, CC xã ít nhiều bị ảnh hưởng từ những tập quán, tâm lý tiểu nông. Do vậy, muốn làm thay đổi tác phong làm việc của họ để đáp ứng với yêu cầu cải cách hành chính và xây dựng nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, phải dần đưa họ vào khuôn khổ nền nếp bằng một thái độ ứng xử văn hóa, cách làm khéo léo, phù hợp”.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc