Công tác thể chế, cụ thể hóa đường lối, chính sách dân tộc của Đảng trong lĩnh vực cán bộ
EmailPrintAa
14:53 11/08/2017

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001) khẳng định: “Tích cực thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân thiểu số. Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương.
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ các dân tộc xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông,

tỉnh Bắc Kạn, tháng 7-2017.

 

1. Một số quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng trên lĩnh vực cán bộ dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số

Là quốc gia có nhiều dân tộc, Đảng ta luôn xác định đường lối, chính sách dân tộc có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược cách mạng, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xoá bỏ tận gốc sự chênh lệnh về trình độ kinh tế, văn hoá giữa các dân tộc ít người và dân tộc đông người, làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc, đoàn kết giúp nhau tiến bộ, cùng làm chủ tập thể Tổ quốc Việt Nam XHCN”[1].

Để thực hiện được đường lối và mục tiêu đúng đắn đó, công tác cán bộ được xem là nền tảng quan trọng nhằm thực hiện đường lối, chính sách dân tộc. Như Bác Hồ đã nói: “Cán bộ là dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy vẫn tê liệt”[2] .

Đường lối về công tác cán bộ trong chính sách dân tộc được thể hiện rõ nét trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết số 22 NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27-11-1989 về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế -  xã hội miền núi đã chỉ rõ: “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với miền núi; kiện toàn tổ chức và tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ của các cơ quan tham mưu, đủ sức giúp trung ương cả trong công tác nghiên cứu, ban hành chính sách cũng như kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, chính sách kinh tế xã hội ở miền núi”[3]

Qua từng kỳ Đại hội Đảng, nội dung về công tác cán bộ luôn được đề cập trong các văn kiện của Đảng. Đó là: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996): “Có chính sách ưu tiên đào tạo cán bộ cho cơ sở. Ban hành các chính sách khuyến khích cán bộ công tác ở vùng cao, vùng sâu, cán bộ miền xuôi lên công tác ở miền núi. Tổ chức các đội trí thức mới ra trường tình nguyện xuống các bản, làng giúp đồng bào dân tộc”. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001): “Tích cực thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân thiểu số. Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương. Chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc”. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X (2006): “Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số; động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các dân tộc. Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trí thức người dân thiểu số. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu sô và miền núi phải gần gũi, hiểu phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc, làm tốt công tác dân vận. Chống các biểu hiện kỳ thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc”; Nghị quyết số 24/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy, khoá IX về Công tác dân tộc (2003) - là một nghị quyết chuyên đề quan trọng, trong đó nhấn mạnh đến việc quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Về phương châm, phương pháp tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ: “Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc. Trong những năm trước mắt, cần tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở vùng dân tộc… Coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở; nghiên cứu sửa đổi tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm và các cơ chế, chính sách đãi ngộ cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là những cán bộ công tác lâu năm ở miền núi, vùng cao”. Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, có “Chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”.

Tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc: “Kiện toàn và chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương. Tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc để làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách dân tộc. Một số bộ, ngành cần tổ chức bộ phận và có cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc”.

Phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện: “Ban cán sự đảng Uỷ ban Dân tộc phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc ở các nơi cần thiết; khẩn trương xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số ở các vùng dân tộc và miền núi; đề xuất chính sách đặc thù, thống nhất trong cả nước nhằm sử dụng có hiệu quả số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã được đào tạo”[4].

Nghị quyết cũng yêu cầu: “Ban cán sự đảng Uỷ ban Dân tộc cùng Ban Dân vận Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện nghị quyết; trong quá trình triển khai, cần bám sát thực tế, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị để điều chỉnh, bổ sung cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết”[5].

Đối với một số dân tộc, Ban Bí thư cũng có một số văn bản chỉ đạo liên quan lĩnh vực công tác cán bộ:

Thông tri số 03-TT/TW, ngày 17-10-1991 về công tác đối với đồng bào Chăm, yêu cầu: “Có kế hoạch xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng trong vùng dân tộc. Phát triển đảng viên là người Chăm. Trên có sở xây dựng đội ngũ trung kiên, cốt cán, lựa chọn những đoàn viên, học viên ưu tú để đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ, đảng viên”.

Chỉ thị số 68-CT/TW, ngày 18-4-1991 về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer: “Có kế hoạch xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer phù hợp với đặc điểm dân tộc Khmer. Trên cơ sở xây dựng đội ngũ trung kiên, cốt cán, lựa chọn những đoàn viên, hội viên ưu tú (kể cả trong sư sãi) để đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ, đảng viên.

Chỉ thị số 62-CT/TW, ngày 8-11-1995 về tăng cường công tác người Hoa trong tình hình mới: “Các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân cần có kế hoạch cụ thể chăm lo phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên và xây dựng lực lượng cốt cán người Hoa. Lựa chọn, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ người Hoa có phẩm chất đạo đức, tình cảm cách mạng trong sáng để làm nòng cốt trong công tác người Hoa, phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài”…

Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23-9-2004 về một số công tác ở vùng dân tộc Mông: “Chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ và xây dựng lực lượng cốt cán trong các bản, làng, các dòng họ, trong các chức sắc tôn giáo, tạo thành một đội ngũ cán bộ cơ sở vững ở vùng dân tộc Mông. Ban Tổ chức TW cùng với Ban Tổ chức và Cán bộ của Chính phủ xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, cán bộ nghỉ hưu, lực lượng vũ trang... tham gia hoạt động trong vùng dân tộc Mông, chú ý kết hợp tốt giữa các thế hệ cán bộ, đồng thời nghiên cứu chính sách thu hút các loại cán bộ đến công tác ở vùng dân tộc Mông”.

Có thể nói, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng về công tác cán bộ được thể hiện nhất quán với quan điểm, đường lối chính sách dân tộc nói chung, thể hiện nguyên tác “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ” giữa các dân tộc, giữa đồng bào đa số và đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu cách mạng trong từng giai đoạn; phương châm và phương pháp tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc và vùng dân tộc có trọng tâm, trọng điểm gắn với việc phát triển giáo dục, nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị các cấp, nhất là tuyến cơ sở.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, quan điểm, đường lối của Đảng đặt những mục tiêu, nội dung và phương cách tiến hành trên lĩnh vực công tác cán bộ đối với chính sách dân tộc tập trung vào những vấn đề sau:

Công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo nguồn cán bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược công tác cán bộ dân tộc và vùng dân tộc, trong đó có xây dựng đội ngũ trí thức người dân tộc. 

Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc trong bộ máy nhà nước cả ở trung ương và địa phương, bảo đảm sự tham gia đại diện hợp lý về quyền chính trị và quản lý phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc vững mạnh, bao gồm cả việc tăng cường đội ngũ cán bộ người Kinh và hướng tới xây dựng nòng cốt là đội ngũ cán bộ người dân tộc trong vùng dân tộc.

Đây là ba nhóm vấn đề được tập trung thể chế hóa bằng những luật pháp, chính sách, chương trình cụ thể.

2. Công tác thể chế, cụ thể hóa đường lối, chính sách dân tộc của Đảng trên lĩnh vực công tác cán bộ từ năm 2001 đến nay

2.1 Trong công tác giáo dục, tạo nguồn cán bộ

Luật Giáo dục năm 2005  và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009, có quy định những nội dung liên quan đến thiết chế trong hệ thống giáo dục về trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học là nơi đào tạo con em dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Luật cũng quy định về chế độ cử tuyển trong ưu tiên xét, cử chọn vào học hệ đại học, cao đẳng cũng như việc bố trí phân công công tác sau khi tốt nghiệp.

Luật Giáo dục đại học năm 2012 tại Điều 12 có quy định chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học: “Thực hiện chính sách ưu tiên đối với các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”[6].

Luật Thanh niên năm 2005 tại khoản 4 Điều 24 có quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên dân tộc: Đào tạo, bồi dưỡng thanh niên ưu tú người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ quản lý, lãnh đạo.

Căn cứ văn bản Luật, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa những quy định trên.

Liên quan trực tiếp đối tượng con em dân tộc có: Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14-11-2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015; Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 21-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê  duyệt Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 quy định chính sách chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số tại các cơ sở gíáo dục đại học.

Liên quan đến chế độ chính sách có: Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20-6-2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg ngày 14-4-2006 và Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-01-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, một chính sách đặc thù, cũng quy định việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý nguồn lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, có chế độ đãi ngộ hợp lý[7]. Chỉ rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận sử dụng đối tượng cử tuyển sau đào tạo: "Chính quyền địa phương, nơi có con em dân tộc thiểu số thi đỗ vào Đại học, Cao đẳng và sinh viên được cử đi học hệ cử tuyển, có trách nhiệm tiếp nhận và phân công công tác phù hợp với ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp”[8].

Nhìn chung, lĩnh vực giáo dục, đào tạo được thể chế hóa khá đầy đủ, tạo nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, làm tiền đề cho công tác cán bộ dân tộc và vùng dân tộc. Tuy nhiên, việc thể chế hóa cho mục tiêu xây dựng đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X (2006) chưa được làm rõ và quan tâm đúng mức.

2.2 Trong lĩnh vực quy hoạch, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ

Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển”[9]. Trong nguyên tắc tuyển dụng công chức cũng quy định ưu tiên xét tuyển cho đối tượng là người dân tộc thiểu số“Ưu tiên tuyển chọn nguời có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số”[10].

Luật Viên chức năm 2010 cũng có một số điều khoản quy định liên quan đến đối tượng vùng dân tộc thiểu số. Ví dụ như Điều 6. Các nguyên tắc quản lý viên chức: “Thực hiện bình đẳng giới, các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với viên chức là người có tài năng, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước đối với viên chức” (khoản 4).

Tuy nhiên, hai văn bản luật nêu trên không quy định rõ những đối tượng đặc thù là người dân tộc thiểu số mà được tính chung trong phạm vi điều chỉnh vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, nên chính sách không thực sự rõ nét và khó khăn trong triển khai thực tế, từ khâu tuyển dụng khi hướng các ưu tiên vào xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc ở địa phương.   

Trên cơ sở các văn bản luật, Chính phủ đã ban hành một số văn bản trong lĩnh vực như: Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 24-12-2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 29-2012/NĐ-CP ngày của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 05-2011/NĐ-CP về công tác dân tộc quy định những nội dung cụ thể về chính sách cán bộ, như tại “Điều 11. Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số:

Khoản 1. Cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp. Ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, nhất thiết phải có cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số.

Khoản 2. Đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số, ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.

Khoản 3. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.

Và phân giao nhiệm vụ tại khoản 4: Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này”…

Cụ thể hóa Điều 11, ngày 11-9-2014 Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc đã ký Thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

Nhằm tăng cường năng lực thực tiễn đội ngũ cán bộ công tác ở vùng dân tộc, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 9-11-2004 “Về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi”.

2.3 Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở

Trong giai đoạn từ 2000 đến 2010, trên cơ sở định hướng của Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18-3-2002 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường”, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt Đề án chính sách đào tạo cán bộ, công chức phục vụ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở cho các khu vực. Có thể kể đến các quyết định sau: Quyết định số 335/2005/QĐ-TTg ngày 16-12-2005 về Thành lập phân viện Hành chính quốc gia khu vực Tây Nguyên để đào tạo cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn các tỉnh Tây Nguyên; Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg ngày 8-2-2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số; Quyết định số 28/2007/QĐ-TTg ngày 28-2-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã phường, thị trấn các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2007-2010; Quyết định số 106 -QĐ/TTg ngày 13-2-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Một số giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc, giai đoạn 2007-2010”...

 Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg, ngày 05-3-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2002 - 2010 đề ra các giải pháp:

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đối với các chức danh bí thư, phó bí thư đảng uỷ (chi bộ) xã, bí thư, phó bí thư chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân, uỷ viên uỷ ban nhân dân, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội;

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về đường lối, chính sách dân tộc và tôn giáo của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, công chức, trước hết ưu tiên đối với cán bộ, công chức đang làm việc ở vùng dân tộc hoặc thường xuyên tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số;

Chú trọng công tác đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ, đáp ứng biên chế cho đội ngũ cán bộ cơ sở, đủ về số lượng, coi trọng chất lượng, nhất là về phẩm chất chính trị, có phương pháp công tác và tác phong công tác sâu sát cơ sở, gần gũi với nhân dân;

Trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16-1-2014 phê duyệt Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.

Đối với người có uy tín vùng đồng bào dân tộc

Nghị định số 05/2011/NĐ-CP quy định: “Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số: Người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tập huấn, được hưởng chế độ đãi ngộ và các ưu đãi khác để phát huy vai trò trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa bàn dân cư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương”[11].

Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg, ngày 01-02-2008 về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và ban hành Quyết định 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18-3-2011 về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg, ngày 07-10-2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT/UBDT-BTC ngày 10-1-2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với một số vùng dân tộc

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 15-5-2014 về việc “Phê duyệt Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014 - 2018”.

Điểm đáng lưu ý trong đó là, các xã trọng yếu có dưới 50% dân số người dân tộc Mông được hợp đồng hai nhân viên; xã có trên 50% dân số là người dân tộc Mông được hợp đồng ba nhân viên. Số này nằm ngoài quy định trong Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 18-4-2013 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Chương trình tăng cường trí thức trẻ cho các xã thuộc 61 huyện nghèo.

Việc triển khai các chương trình, chính sách trên đã tăng cường một cách đáng kể số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, trong đó có cán bộ công chức người dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và hoàn thành cơ bản các mục tiêu chính trị, kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng đã đề ra.

2.4 Một số nhận xét, đánh giá và khuyến nghị

Việc thể chế hóa quan điểm, đường lối chính sách dân tộc của Đảng trên lĩnh vực công tác cán bộ là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện với tinh thần trách nhiệm hướng tới xây dựng và nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc, vùng dân tộc từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới của đất nước. Nhiều văn bản luật đã được ban hành, nhiều nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn khác đã được cụ thể hóa nhằm đưa chủ trương, đường lối đi vào cuộc sống.

Lĩnh vực giáo dục phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, tạo nguồn cho đào tạo bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc được quan tâm đặc biệt với hàng chục văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, bao gồm: giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên biệt, các trường nội trú, giáo dục đại học, bồi dưỡng và tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức, viên chức đến chính sách thu hút cán bộ đến làm việc đối với địa bàn đặc biệt khó khăn.

Định hướng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ cấp cơ sở là người dân tộc thiểu số cũng được thể chế hóa thành quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc thể chế hóa mới dừng lại ở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà chưa được nâng lên điều chỉnh tầm nghị định hay văn bản luật.

Việc thể chế hóa chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc cho cả hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước còn chưa được quan tâm đầy đủ. Cho đến nay, mới chỉ có Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-01-2011 của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số. Đây cũng là một sự thiếu hụt về cơ chế chính sách trong việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ trí thức người dân tộc, những quy định bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc ở các ngành kinh tế - kỹ thuật, các cơ quan trong bộ máy nhà nước ở cấp tỉnh và nhất là bộ ngành trung ương[12].

Khuyến nghị

Rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy có liên quan để bổ sung những yêu cầu cần thiết nhằm tăng cường sự tham gia của đội ngũ cán bộ dân tộc trong bộ máy nhà nước với một tỷ lệ phù hợp, cơ cấu ngành nghề và các vị trí quản lý phù hợp.

Sửa đổi một số chính sách giáo dục liên quan đến thực hiện chế độ cử tuyển về công tác đào tạo, trong đó có ngành nghề đào tạo, đối tượng đào tạo. Sửa đổi chế độ tuyển dụng công chức, viên chức tập trung ưu tiên cho con em dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm cơ cấu dân số.

Một số chính sách khác cần được bổ sung như: quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ dân tộc trong hệ thống bộ máy nhà nước; xây dựng đội ngũ trí thức người dân tộc, chính sách đối với người tiêu biểu của các dân tộc thiểu số (không chỉ đơn thuần là người tiêu biểu ở cấp cơ sở như mục tiêu chính sách hiện nay). Cụ thể hóa thêm chính sách cán bộ đối với một số vùng nhóm dân tộc để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
 

[1] Văn kiện Đại hội IV.

[2] Hồ Chí Minh, “Sửa đổi lề lối làm việc”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[3] Nghị quyết số 22/TW của Bộ Chính trị Ban chấp hành TW Khóa VI, Về phát triển kinh tế, xã hội vùng miền núi và đồng bào dân tộc.

[4] Khoản 5, mục 4. [5] Khoản 6, mục 4. [6] Khoản 8. [7] Điều 8. Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực. [8] Khoản 7, Điều 10. Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. [9] Khoản 2, Điều 37. Phương thức tuyển dụng công chức. [10] Khoản 4, Điều 38. Nguyên tắc tuyển dụng công chức. [11] Điều 12 Nghị định số 05/NĐ-CP.

[12] Giám sát của Hội đồng Dân tộc năm 2014 cho thấy, số lượng cán bộ, công chức người dân tộc ở các cơ quan trung ương rất ít, và chỉ có ở các cơ quan ngành xã hội, thiếu vắng trong ngành kinh tế - kỹ thuật. Nhiều địa phương, tỷ lệ cán bộ dân tộc ở cấp tỉnh cũng rất khiêm tốn.

 Theo xaydungdang.org.vn


    Ý kiến bạn đọc