Đảng viên là bộ đội xuất ngũ về địa phương- Những vấn đề cần quan tâm
EmailPrintAa
16:49 14/07/2017

Tuyển chọn đảng viên nhập ngũ là một chủ trương có ý nghĩa thực tiễn, vừa tăng cường chất lượng chính trị cho các đơn vị lực lượng vũ trang, vừa là nguồn cung cấp cán bộ đã qua thử thách rèn luyện trong quân đội cho hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn, huyện, thị, thành phố, cho các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. 
 
Một buổi gặp gỡ các đảng viên và quân nhân xuất ngũ của Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.  

Nhận thức rõ tầm quan trọng chủ trương này, trong những năm qua, cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt chủ trương trên. Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã có ngàn đảng viên nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự; trong số này, cũng có đảng viên sau khi xuất ngũ trở về địa phương đã phấn đấu trở thành cán bộ cốt cán của địa phương, cơ sở.

Tính từ năm 2011 đến tháng 5/2017, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã tiếp nhận 620 đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về địa phương. Trong đó, có 154 đảng viên (chiếm 24,84% so với tổng số đảng viên xuất ngũ) sau khi xuất ngũ trở về địa phương được vào làm việc ở cơ quan UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh (71 đảng viên làm việc tại các cơ quan xã, phường, thị trấn (chiếm 11,45%) và 83 đảng viên làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh (chiếm 13,4%).

Có 114 đảng viên (chiếm 18,4%) được bố trí tham gia vào cấp ủy, các đoàn thể và tham gia công tác ở khu phố (thôn) như: cấp ủy xã, phường, thị trấn; cấp ủy chi bộ; Bí thư, phó bí thư Đoàn thanh niên xã, phường, thị trấn và khu phố (thôn); Hội Cựu chiến binh cấp xã, khu phố (thôn) và Hội nông dân thôn..

Có 102 đảng viên (chiếm 16,45% so với tổng số đảng viên xuất ngũ) sau khi xuất ngũ về địa phương làm nghề nông, nghề biển, làm các nghề tự do khác để sinh sống; một số đảng viên tự đi học nghề. Có 149 đảng viên (chiếm 24,03%) đi làm trong các doanh nghiệp ở ngoài tỉnh (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng), do đặc điểm, tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp; việc làm không ổn định; làm việc nơi doanh nghiệp không có tổ chức Đảng nên một số đảng viên đã có đơn xin được về tham gia sinh hoạt chi bộ từ 3 tháng, 6 tháng và dưới 1 năm/lần.

Nhìn chung, trong những năm qua các cấp ủy đảng luôn quan tâm đến công tác tạo nguồn, phát triển Đảng trong tuyển quân; công tác tiếp nhận, giới thiệu về tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú cho số đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, thực hiện các chế độ chính sách hậu phương quân đội… tạo điều kiện để đảng viên tham gia sinh hoạt theo quy định Điều lệ Đảng.

Hơn 6 năm qua (từ năm 2011 đến tháng 5 năm 2017), đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự sau khi xuất ngũ trở về địa phương được nhận vào làm việc tại các cơ quan xã, phường, thị trấn; các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh; tham gia vào cấp ủy các cấp; tham gia vào các đoàn thể chính trị - xã hội và làm những nghề tự do khác để sinh sống, còn tham gia sinh hoạt Đảng chiếm khá nhiều (83,71%) so với tổng số đảng viên được xuất ngũ về địa phương. Một số đảng viên tuy có hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải đi làm ăn xa, nhưng đã xác định được vị trí, trách nhiệm của người đảng viên và chấp hành nghiêm quy định Điều lệ Đảng nên có đơn xin tổ chức đảng được tạm miễn sinh hoạt và công tác từ ba tháng đến dưới một năm; luôn giữ mối liên hệ với cấp ủy chi bộ nơi mình sinh hoạt và cư trú.

Những đảng viên thực hiện nghĩa vụ quân sự được trải qua môi trường rèn luyện trong quân ngũ nên có thêm bản lĩnh chính trị, có phong cách, lối sống tốt, đó là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để tạo nguồn cán bộ cho địa phương, trực tiếp là cơ sở.

Bên cạnh những kết quả trên, việc bố trí, sử dụng đảng viên sau khi xuất ngũ trở về địa phương còn nhiều khó khăn, vì đa phần đảng viên đều chưa có bằng tốt nghiệp THPT hoặc chưa có bằng chuyên môn, nghiệp vụ nên không đủ điều kiện để được tuyển dụng vào làm việc ở cơ quan Nhà nước và cơ quan UBND xã, phường, thị trấn.

Mặt khác, do nhiều nguyên nhân, nhất là biên chế ở cơ sở đã được kiện toàn cơ bản nên đảng viên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về địa phương được tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan xã, phường, thị trấn tỷ lệ chiếm rất thấp (bình quân 10 đảng viên/năm/10 xã, phường, thị trấn). Đảng viên được tham gia vào Đoàn thanh niên cấp xã chiếm không đáng kể (chiếm 1,13% so với tổng số đảng viên xuất ngũ về địa phương), chủ yếu là tham gia vào Đoàn thanh niên của khu phố (thôn). Năm 2016 và tháng 5 năm 2017 không có đảng viên nào được bố trí tham gia đoàn thanh niên cấp xã.

Một số tổ chức đảng thiếu sâu sát, không thực hiện việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên, điều này làm cho công tác quản lý đảng viên càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số đảng viên trẻ hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương còn hạn chế. Một số, do hoàn cảnh khó khăn phải đi làm ăn ở các doanh nghiệp ngoài tỉnh và làm các nghề tự do khác nên gặp không ít khó khăn trong việc duy trì nền nếp, chế độ sinh hoạt ở các chi bộ và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên.

Từ năm 2011 đến tháng 5 năm 2017, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có 101 đảng viên xuất ngũ ra khỏi Đảng, chiếm 16,29% so với tổng số đảng viên được xuất ngũ và có chiều hướng tăng dần hàng năm. Trong đó, đảng viên đã bị xóa tên trong danh sách đảng viên, nguyên nhân chủ yếu do đi làm ăn xa, hoặc việc làm không ổn định, làm việc nơi doanh nghiệp không có tổ chức Đảng nên không thể chuyển sinh hoạt Đảng đến nơi làm việc, không có điều kiện về sinh hoạt Đảng ở chi bộ hàng tháng theo quy định của Điều lệ Đảng nên đảng viên đã tự ý bỏ sinh hoạt đảng, chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm 73,27% so với tổng đảng viên xuất ngũ ra khỏi Đảng); một số đảng viên vì hoàn cảnh gia đình, đi làm ăn xa nên làm đơn xin ra Đảng (chiếm 24,75%) và có 02 đảng viên vi phạm pháp luật bị khai trừ ra khỏi Đảng (chiếm 2,02% so với tổng đảng viên xuất ngũ ra khỏi Đảng). Riêng, tháng 5 năm 2017 đã có 12 đảng viên xuất ngũ ra khỏi Đảng (10 xóa tên, 2 xin ra Đảng), chiếm 21,05% so với đảng viên xuất ngũ của đợt 1 năm 2017.

Có thể nói, việc tuyển chọn đảng viên nhập ngũ là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Nhưng thực trạng nêu trên, nhất là việc quản lý đảng viên sau khi xuất ngũ trở về địa phương đã ảnh hưởng nhất định đến sự lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội ở các đảng bộ, chi bộ địa phương, ảnh hưởng gián tiếp đến công tác tạo nguồn phát triển đảng viên và chất lượng kết nạp đảng viên nhập ngũ tại các đơn vị, tổ chức đảng.

Để khắc phục tình trạng đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về địa phương vi phạm Điều lệ Đảng phải bị xử lý kỷ luật theo hình thức xóa tên hoặc tự làm đơn xin ra khỏi Đảng, thiết nghĩ các cấp ủy trực thuộc tỉnh Bình Thuận cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo:

Vấn đề đầu tiên là công tác quản lý đảng viên, quản lý đảng viên là một khâu trong quá trình nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ. Do đó, việc nâng cao chất lượng công tác quản lý đội ngũ đảng viên luôn là nội dung quan trọng và nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chi bộ. Vì vậy, đòi hỏi cấp ủy, chi bộ phải nắm chắc thực trạng đội ngũ đảng viên của chi bộ mình.

Thứ hai, cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các cấp phải thực hiện đúng yêu cầu chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận trong công tác tuyển chọn đảng viên nhập ngũ “… không cử đảng viên mới kết nạp dưới 6 tháng, đảng viên chưa tốt nghiệp phổ thông trung học nhập ngũ…”.

Tổ chức tốt việc đón nhận, quản lý và giao nhiệm vụ cho đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về địa phương; gặp gỡ, động viên các đảng viên đang học nghề tại các trường trong và ngoài quân đội; giáo dục đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên; quan tâm tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn để đảng viên phát triển kinh tế gia đình..

Có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đảng viên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương để bố trí, sử dụng lâu dài trong cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội nhằm góp phần tạo nguồn cán bộ trẻ và xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương; xây dựng chất lượng đội ngũ đảng viên trẻ kế tiếp (lâu nay chỉ tập trung ở khâu chỉ đạo, tuyển chọn đảng viên nhập ngũ).

Thứ ba, cấp ủy các cấp phải thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, quy định về quản lý đảng viên nói chung và quản lý đảng viên đi làm ăn xa nói riêng; hướng dẫn kỹ cho các đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú, làm việc lưu động, không ổn định hoặc ở những nơi không có tổ chức đảng, không có điều kiện trở về tham gia sinh hoạt chi bộ thực hiện đúng theo quy định của Điều lệ Đảng, Hướng dẫn số 01 –HD/TW, ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 09 –HD/BTCTW, ngày 05-6-2017 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên. Đồng thời, để hạn chế tình trạng thiếu thông tin về đảng viên khi làm việc xa nơi cư trú, yêu cầu đảng viên phải khai báo rõ, chính xác địa chỉ đang làm việc, nơi cư trú tạm thời với tổ chức đảng để tổ chức đảng khi cần thiết có thể cử người hoặc phối hợp với tổ chức đảng, chính quyền nơi đảng viên làm việc, tạm trú để xác minh đầy đủ thông tin về đảng viên khi làm việc ở xa.

Mặt khác, Thường trực Tỉnh ủy giao Sở Lao động TB & XH chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ; UBND các huyện, thị, thành phố; cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho đối tượng là quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đặc biệt là đảng viên xuất ngũ trở về địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tại địa phương để thu hút lao động ở địa phương. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ, bảo đảm quyền lợi khi thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, cơ quan, đơn vị theo Luật Nghĩa vụ Quân sự.

Việc cần thiết nữa là, Đảng ủy Quân khu 7, Đảng ủy Công an Trung ương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị trong quân đội, công an về công tác kết nạp đảng viên đối với lực lượng tham gia nghĩa vụ quân sự tại các đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng đảng viên sau khi xuất ngũ về địa phương.

Theo Lê Thị Hòa - Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận/xaydungdang.org.vn


    Ý kiến bạn đọc