Để “hạt nhân chính trị” không rơi vào tẻ nhạt, hình thức
EmailPrintAa
15:14 06/09/2018

Nếu nguyên tắc tập trung dân chủ được ví như “chiếc khóa” để giữ vững bản chất cách mạng, tiên tiến của tổ chức đảng và đảng viên thì chi bộ chính là “chiếc chìa khóa” để vận hành nguyên tắc đó. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra một trong những nguyên nhân của tình trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên rơi vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là do “sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu”.

Đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ chính là để “chiếc chìa khóa” phát huy tác dụng, vừa nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, vừa là liều thuốc phòng ngừa “bệnh suy thoái", “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cho cán bộ, đảng viên.

Cuộc chiến đấu để giữ “khóa và chìa”

Lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển của các chính đảng cộng sản nếu phải viết thật ngắn gọn thì chắc chắn không thể thiếu hai cụm từ “tập trung dân chủ” và “chi bộ”. Tại Đại hội II của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga năm 1903, Lênin đã đấu tranh không khoan nhượng với bè phái cơ hội của Mác tốp để giữ gìn bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Mác tốp đưa ra điều kiện kết nạp Đảng là: “Tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh của đảng, ủng hộ đảng bằng những phương tiện vật chất và tự mình giúp đỡ đảng một cách đều đặn, dưới sự chỉ đạo của một trong những tổ chức của đảng (chi bộ) thì đều được coi là đảng viên của Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Nga”. Còn Lênin, trung thành với những vấn đề nguyên tắc của đảng cộng sản mà Mác-Ăng ghen đã vạch ra trước đó, kiên quyết đưa ra điều kiện kết nạp đảng là: “Tất cả những người nào thừa nhận cương lĩnh của đảng và ủng hộ đảng bằng những phương tiện vật chất cũng như bằng cách tự mình tham gia một trong những tổ chức của đảng, thì được coi là đảng viên của đảng”.

Sự khác biệt căn bản trong điều kiện của Lênin và Mác tốp chính là ở chỗ, Lênin yêu cầu đảng viên phải tự giác sinh hoạt, chịu sự quản lý của một chi bộ cụ thể, còn Mác tốp thì không đòi hỏi đảng viên phải như vậy, đảng viên không phải sinh hoạt, không chịu sự quản lý của một chi bộ cụ thể mà chỉ đặt dưới sự chỉ đạo của một tổ chức đảng nào đó. Chính Lênin đã đặt câu hỏi cho Mác tốp: Bằng cách nào có thể chỉ đạo được một người nằm ngoài tổ chức của mình? Làm sao biết họ có giữ được phẩm chất của đảng viên nếu không tham gia sinh hoạt trong một chi bộ cụ thể? Bằng sự kiên trì đấu tranh giữ gìn nguyên tắc tập trung dân chủ và yêu cầu đảng viên phải tự giác tham gia sinh hoạt trong một chi bộ cụ thể, qua nhiều kỳ đại hội, Lênin đã dần thắng thế, những người ủng hộ Lênin đã chiếm đa số (Bolshevik) dẫn đến sự ra đời của Đảng Bolshevik Nga năm 1912. Và cũng từ đó, nguyên tắc tập trung dân chủ trở thành “chiếc khóa” để giữ gìn bản chất giai cấp công nhân của đảng cộng sản, chi bộ là “chiếc chìa khóa” để vận hành “chiếc khóa” bảo vệ “tài sản quý nhất” của những người cách mạng.

Một buổi sinh hoạt Chi bộ ở xã Thu Tà (Xín Mần, Hà Giang). Nguồn: baohagiang.vn.

Ngày nay, ngay cả các chính đảng không cộng sản cũng nghiên cứu và vận dụng nguyên lý “khóa và chìa” này để xây dựng đảng chính trị cầm quyền vững mạnh. Đảng Nhân dân hành động (PAP) Singapore là một ví dụ. Đây là đảng liên tục cầm quyền, đã dẫn dắt đất nước Singapore thành công ngoạn mục trong phát triển kinh tế. PAP đã tổng kết, họ có được điều đó nhờ có cương lĩnh rõ ràng, hợp với lòng dân; có các quy định chặt chẽ để quản lý, phòng ngừa, xử lý vi phạm của đảng viên; hệ thống tổ chức đảng chặt chẽ theo 3 cấp (trung ương, quận và chi bộ); đảng viên dù ở cấp nào khi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh.

Thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, trong suốt quá trình lãnh đạo xây dựng Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò của chi bộ với những câu nói rất giản dị: “Đảng mạnh là do các chi bộ tốt”, “Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt”. Người cho rằng, mỗi đảng viên phải thực hành tự phê bình và phê bình như “soi gương, rửa mặt hằng ngày” và tiến hành tự phê bình và phê bình thì không nơi nào có thể làm tốt hơn chi bộ. Thực tiễn trong Đảng ta hiện nay, chi bộ (bao gồm chi bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc tổ chức cơ sở đảng) được tổ chức theo nơi ở hoặc nơi làm việc của đảng viên, là tổ chức hạt nhân của đảng, nơi mà các đảng viên có thể hiểu nhau một cách sâu sắc và đầy đủ nhất.

Điều lệ Đảng (do Đại hội XI thông qua) hiện hành quy định tại Điều 8: “Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng” thì “chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xóa tên trong danh sách đảng viên”. Tháng 12-2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị xóa tên trong danh sách đảng viên ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam bởi “ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học thạc sĩ tại nước ngoài". Đây là một việc không ai mong muốn, nhưng vì kỷ cương, kỷ luật của Đảng nên được dư luận đồng tình, hoan nghênh. Sự nghiêm minh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương qua vụ việc này cũng cho thấy, Đảng ta rất kiên quyết trong việc giữ gìn nguyên lý “khóa và chìa” để phòng, chống căn bệnh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Chữa bệnh hình thức, đơn điệu cho “hạt nhân chính trị”

Đúng như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã đánh giá “sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu”, thậm chí, qua khảo sát của chúng tôi, một số chi bộ không tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tháng như quy định của Điều lệ Đảng. Chính vì sự đơn điệu, hình thức này dẫn đến hiện tượng “nhạt đảng” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo.

Nguyên nhân nào khiến chi bộ-những “hạt nhân chính trị” ở cơ sở lại sinh hoạt đơn điệu, hình thức? Theo chúng tôi, trước hết là do thái độ, ý thức của cấp ủy, bí thư chi bộ. Đây là cơ quan, người lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội của chi bộ, thái độ, ý thức của họ có tác động rất lớn đến sức sống của chi bộ cũng như khả năng phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ chi bộ. Khi cấp ủy, bí thư chi bộ có ý thức trách nhiệm cao, tích cực học tập lý luận chính trị, gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ thì các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chi bộ đó khó có cơ hội tồn tại. Cấp ủy, bí thư chi bộ sẽ chủ động mở những cuộc sinh hoạt để đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện tiêu cực trong chi bộ mình; thậm chí, họ sẵn sàng đối đầu với các vi phạm của cán bộ, đảng viên và các biểu hiện lệch chuẩn ngay trong nơi ở, nơi làm việc mà họ có trách nhiệm lãnh đạo. Mặt khác, những cấp ủy viên, bí thư chi bộ như vậy sẽ là tấm gương giáo dục cán bộ, đảng viên trong chi bộ xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa các vi phạm và cám dỗ lợi ích từ việc vi phạm mang lại. Như thế, những biểu hiện suy thoái, vi phạm dễ bị phát hiện, ngăn chặn từ lúc manh nha. Có thể nói, nếu chi bộ là “chìa khóa” thì cấp ủy, bí thư chi bộ chính là những người giữ chiếc chìa khóa này. Mọi đảng viên, dù "quyền cao chức trọng" đến đâu thì đều phải sinh hoạt trong một chi bộ cụ thể. Như vậy, cấp ủy, bí thư chi bộ nơi những đảng viên “quyền cao chức trọng” sinh hoạt lại càng quan trọng. Họ không chỉ là nơi giám sát, góp ý, phê bình những đồng chí này mà còn có thể gần gũi tâm sự, sẻ chia với đồng chí đó những vấn đề cụ thể hằng ngày về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Khi đó, khả năng phòng ngừa suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của chi bộ đó được nâng lên một tầm cao mới.

Nội dung sinh hoạt hằng tháng của một chi bộ vô cùng phong phú: Thông tin tình hình thời sự trong nước và quốc tế; phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ chính trị của chi bộ. Đánh giá tình hình và diễn biến tư tưởng, tình cảm của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ; đánh giá tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và những đề xuất, kiến nghị của đảng viên, quần chúng trong địa phương, cơ quan, đơn vị để chi bộ có biện pháp giải quyết hoặc báo cáo cấp trên. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của chi bộ tháng trước; đề ra phương hướng, biện pháp thực hiện nhiệm vụ trong tháng tới. Chi bộ chọn ra một số nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, trong đó có những nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc; phân công chi ủy viên và đảng viên tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đề ra...

Đặc biệt, ở nội dung sinh hoạt tư tưởng, hiện nay chúng ta chưa có nhiều mô hình điển hình cho hoạt động này. Trước đây, khi Đảng chưa là đảng cầm quyền, hoạt động trái pháp luật, đảng viên luôn bị bộ máy bạo lực của đế quốc, thực dân lùng sục, bắt bớ thì sinh hoạt tư tưởng là nơi những người đồng chí "chia ngọt sẻ bùi", không giấu giếm nhau bất cứ điều gì, có gì vướng mắc, tâm tư đều nói ra nhờ chi bộ giúp đỡ. Chính từ những buổi sinh hoạt đó mà mỗi đảng viên "khắc cốt ghi tâm" hai từ “đồng chí”. Ai dao động, ai thoái chí, ai trung kiên... cấp ủy, bí thư chi bộ đều nắm rõ. Ngày nay, Đảng ta cầm quyền, lãnh đạo đất nước tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng với thế giới thì những vấn đề tâm tư, tình cảm của đảng viên càng thêm phức tạp. Vì vậy, điều căn cốt trước tiên để khắc phục tình trạng “đơn điệu, hình thức” trong xây dựng chi bộ là phải coi trọng tiêu chuẩn trong xây dựng các chi ủy, bí thư chi bộ; phải là những người có ý thức trách nhiệm rõ ràng, thực sự tiêu biểu, tiên phong trong chi bộ. Cùng với yêu cầu cao về điều kiện, tiêu chuẩn thì cần có chính sách đãi ngộ phù hợp với đội ngũ này.

Một vấn đề khác là cần tiếp tục xây dựng hệ thống các quy định của Đảng thật chặt chẽ, đầy đủ, đồng bộ, có tính khả thi cao trong kiểm soát vấn đề sinh hoạt chi bộ. Phải có một hệ thống các quy định để các chi bộ “không thể vi phạm”, để đưa sinh hoạt chi bộ vào nền nếp, việc phát hiện các chi bộ vi phạm cũng dễ dàng hơn. PGS, TS Trần Thị Anh Đào (Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) trong một hội thảo khoa học bàn về nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức đảng đã cho rằng: Đối với chi bộ, để nâng cao chất lượng thì trước hết phải sinh hoạt đều đặn, có nền nếp. Nếu các chi bộ tùy tiện trong sinh hoạt, cấp ủy cấp trên lại không kiểm soát được thì không thể nào nâng cao chất lượng. Cùng với duy trì đều đặn, có nền nếp sinh hoạt chi bộ thì sự nghiêm khắc trong xử lý các chi bộ, đảng viên bỏ bê sinh hoạt có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Theo thống kê của Tỉnh ủy Hậu Giang, trong hai năm 2016-2017, các tổ chức đảng trong toàn tỉnh đã kỷ luật, xóa tên trong danh sách hàng trăm đảng viên do không tham gia sinh hoạt đảng 3 tháng trở lên trong năm. Sự nghiêm khắc này đã tác động rất mạnh đến những đảng viên khác, nhiều đồng chí trước đây hay nại khó để xin nghỉ sinh hoạt đã trở lại sinh hoạt chi bộ đều đặn, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên một bước.

Nâng cao khả năng tự phòng ngừa suy thoái, biết phòng ngừa "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong mỗi đảng viên cũng là một biện pháp cấp thiết trong tình hình hiện nay. Biện pháp này được hiểu như là tăng cường khả năng “miễn dịch”, “tự đề kháng” của đảng viên trước những tồn tại trong Đảng và trong xã hội hiện nay. Do hoàn cảnh khách quan, Đảng ta còn không ít chi ủy viên, bí thư chi bộ trình độ học vấn, trình độ văn hóa chưa cao; chưa hiểu hết những diễn biến phức tạp, khó lường trên trận địa chính trị-tư tưởng. Vì vậy, mỗi đảng viên phải tự nâng cao khả năng phòng ngừa của mình bằng cách tích cực học tập các chương trình, đặc biệt là các chương trình giáo dục chính trị do tổ chức đảng cấp trên chủ trì; học tập nâng cao hiểu biết lý luận chính trị qua đọc báo, xem-nghe các phương tiện truyền thông và biết chia sẻ những điều học được trong sinh hoạt chi bộ. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện nay, đảng viên ở vùng sâu, vùng xa vẫn có thể tự học, tự nghiên cứu các bài giảng của các chuyên gia, giáo sư lý luận hàng đầu của đất nước (chẳng hạn các bài giảng, bài nói chuyện của GS Hoàng Chí Bảo được chia sẻ trên kênh YouTube). Việc các chi bộ và tổ chức cơ sở đảng ứng dụng môi trường internet vào tự học, tự nâng cao trình độ lý luận và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt của công tác xây dựng Đảng, vừa là biện pháp làm cho các buổi sinh hoạt chi bộ thêm sinh động, hấp dẫn. Chúng tôi đã được chứng kiến một đơn vị thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 đứng chân trên địa bàn biên giới phía tây tỉnh Nghệ An, hằng tuần đều tổ chức cho đảng viên, đoàn viên xem Chương trình video Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử. Các đồng chí đảng viên, đoàn viên sau khi xem đều nhận xét đây là hình thức sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đoàn trực quan, sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp thu. Đây cũng là vấn đề đang được Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu khi xây dựng đề án đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức cơ sở đảng.

Chi bộ không chỉ là nơi phát hiện, xử lý những trường hợp suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; quan trọng hơn, chi bộ chính là bức tường thành vững chắc ngăn chặn mọi con đường “thẩm thấu hòa bình”, là chỗ dựa tin cậy của đảng viên trước những cám dỗ, sóng gió, xô đẩy của cuộc sống. Vì lẽ đó, duy trì đều đặn và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chính là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu trên trận tuyến phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc