Để nêu gương thực sự là thành phần cốt yếu của văn hóa trong Đảng
EmailPrintAa
10:11 23/11/2018

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình luôn nhấn mạnh đến vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên và chính Người đã trở thành tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập và noi theo.

Ảnh minh họa (nguồn: www.xaydungdang.org.vn)

Thời gian qua, Đảng ta đã có các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như: Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khoá XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; nội dung này cũng đã được đề cập ở một số văn bản khác của Đảng.

Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc nêu gương của cán bộ đảng viên trong thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan toả lớn. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống...,” (1) làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó vấn đề cốt yếu nhất là do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý “nói không đi đôi với làm”, không đi trước, làm trước, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm, chưa thật sự lắng nghe ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong nhân dân. Vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên có tư tưởng “an phận, thủ thường”, “dĩ hòa vi quý”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh…

Trước tình hình trên, tiếp tục tăng cường việc nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là yêu cầu bức thiết nhất và phải được coi là một trong những giải pháp đột phá cơ bản xây dựng văn hóa trong Đảng, từ đó lôi cuốn, mở rộng, tạo được sức lan toả lớn trong toàn xã hội. “Đảng viên đi trước” cần được hiểu là sự tiên phong, gương mẫu trong cả lời nói và việc làm, là biểu hiện của sự hy sinh, cống hiến vì sự nghiệp cách mạng. Để được như vậy thì cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong công việc, trong đạo đức lối sống, trong tác phong hàng ngày, tiên phong trong suy nghĩ và hành động để trở thành những tấm gương người tốt, việc tốt. Cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, thủ trưởng phải làm gương cho nhân viên. Với tổ chức Đảng, đồng chí bí thư phải gương mẫu trước cấp ủy, đồng thời cấp ủy phải gương mẫu trước đảng viên, đảng viên phải gương mẫu trước quần chúng nhân dân. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải thể hiện toàn diện trên các mặt, từ việc lớn đến việc nhỏ và phải được thể hiện một cách cụ thể, thiết thực từ tư tưởng, nhận thức tới hành động, từ cán bộ, đảng viên có chức vụ cao đến cán bộ, đảng viên là nhân viên, công nhân lao động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đối với các dân tộc Phương Đông, một tấm gương sống có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyền truyền”… “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán 2 chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (2) . Hội nghị Trung ương 8 khóa 12 đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; một lần nữa vấn đề nêu gương được Đảng ta đề cao, góp phần xây dựng những tấm gương sáng, để nêu gương thực sự trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng và là thành phần cốt yếu của văn hóa trong Đảng.

Th.S Lê Đình Hùng - Trường chính trị Trần Phú

(1) Trích trong Bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 02/10/2018.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.552


    Ý kiến bạn đọc