Đổi mới công tác đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ
EmailPrintAa
10:21 02/12/2016

Những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân sâu xa, chủ yếu trước hết do bản thân một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi... Công tác đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng... Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn thiếu chặt chẽ. Do vậy, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết nêu trên, một trong những giải pháp quan trọng là phải đổi mới công tác đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ.

"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” (1), nếu nói xây dựng Đảng là “then chốt” thì công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Chúng ta thường nói: Cán bộ nào thì đường lối ấy, nhưng sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nói đến công tác cán bộ là nói đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ, chế độ, chính sách đối với cán bộ,... Trong đó, thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ là yếu tố rất quan trọng để lựa chọn, sử dụng cán bộ đúng đắn, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ.

Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, công tác cán bộ đã đạt những kết quả tích cực; khắc phục, sửa chữa được một số hạn chế, khuyết điểm trong quản lý, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp về công tác cán bộ được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, công tác cán bộ và quản lý cán bộ còn nhiều yếu kém chậm được khắc phục. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ, nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục; chưa thực hiện nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới, người đứng đầu đánh giá những người thuộc quyền quản lý, cấp trên trực tiếp đánh giá người đứng đầu; cách đánh giá chưa có sự so sánh cùng chức danh trong cơ quan, đơn vị. Từ đó, việc lựa chọn và sử dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, nể nang, cục bộ; vẫn còn tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”, “chủ nghĩa bằng cấp”. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc mà vì lợi ích nhóm, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Một số cán bộ sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, cơ hội; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; kén chọn chức danh, vị trí công tác. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Có nơi bổ nhiệm cán bộ tràn lan, sai nguyên tắc gây bức xúc trong xã hội, điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; vụ ở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 người thì 44 là cán bộ lãnh đạo quản lý... Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thật sự sâu sát thực tế, cơ sở. Một số cán bộ có quan hệ trực tiếp với dân thì thờ ơ, vô cảm, quan cách, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu...

Đại hội XII của Đảng đề ra nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, cụ thể là phải xây dựng, ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp. Với tinh thần thực hiện nghiêm túc, nhất quán, đúng nguyên tắc các khâu trong công tác cán bộ, ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, Trung ương đã có một số văn bản chỉ đạo công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện thiếu chặt chẽ trong đánh giá, lựa chọn, sử dụng cán bộ; bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ, trong đó các nội dung chủ yếu về đánh giá, lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ cần chú ý thực hiện tốt các nội dung sau:

Về công tác đánh giá cán bộ, cần xây dựng, hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp. Trong đó, hằng năm hoặc khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động công tác đối với cán bộ, các tiêu chí quan trọng để đánh giá là: (1) chương trình hành động của cá nhân; (2) kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; (3) kết quả thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; (4) kết quả thực hiện tự phê bình và phê bình; (5) sự nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý; (6) hiệu quả đấu tranh, khắc phục suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Để thực hiện các nội dung trên, hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên phải có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các cấp ủy, tổ chức đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Về lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ, trên cơ sở đánh giá cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ, thực hiện các nội dung công tác cán bộ như quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; luân chuyển để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách; lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, bảo đảm đúng nguyên tắc, minh bạch và công khai, công tâm, khách quan. Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú ý thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ban thường vụ cấp ủy các cấp chỉ đạo ngay việc rà soát đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận.

Cơ quan đề xuất đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai theo quy định.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật; trước mắt tập trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm và công khai kết quả xử lý.

Cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp phải xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Cơ quan, tổ chức thuộc cấp ủy các cấp cần phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan thực hiện công tác cán bộ theo phân cấp quản lý, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, quy định. Thực hiện nghiêm các quy chế, quy định trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, nhất là những văn bản chỉ đạo gần đây của Trung ương như: Công văn số 12-CV/TW, ngày 28-3-2016 của Ban Bí thư “về việc chấn chỉnh công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ”; Công văn số 590-CV/VPTW, ngày 4-4-2016 của Văn phòng Trung ương thông báo kết luận của Bộ Chính trị “về thời gian luân chuyển cán bộ”; Thông báo Kết luận số 13-TB/TW, ngày 17-8-2016 của Ban Bí thư “về xác định tuổi của đảng viên”.

Thực hiện tốt công tác đánh giá, lựa chọn, bố trí sử dụng đúng cán bộ là điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Theo Nguyễn Quang Dung- Ban Tổ chức Trung ương/xaydungdang.org.vn

------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2000, tập 5, tr 269.


    Ý kiến bạn đọc