Gỡ “Nút thắt” phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân
EmailPrintAa
15:55 08/04/2019

Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị và Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân (DNTN), công tác xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân (KTTN) đã có chuyển biến tích cực.

Đến nay, cả nước có 12.088 tổ chức đảng với hơn 182.000 đảng viên trong các đơn vị KTTN; nhiều tổ chức đảng, đoàn thể trong DNTN đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp (DN).

Tuy nhiên, số tổ chức đảng và đảng viên nêu trên so với tổng số gần 700.000 DNTN và gần 23 triệu lao động trong khu vực KTTN cho thấy công tác phát triển Đảng trong khu vực này còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị KTTN, nêu rõ: Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương về phát triển Đảng trong DNTN. Chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên. Vai trò của tổ chức đảng, đảng viên còn mờ nhạt; nội dung và phương thức hoạt động còn lúng túng; chất lượng sinh hoạt Đảng còn nhiều hạn chế. Việc kết nạp công nhân và chủ DNTN vào Đảng có chuyển biến, nhưng kết quả chưa cao.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất tôn và sắt thép Định Nhàn. Ảnh minh họa: dantri.com.vn.

Vẫn biết rằng, đây là vấn đề mới và khó, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng thực tế nhiều cấp ủy chưa có quyết tâm chính trị cao; hiện tượng sợ sai, sợ chệch hướng nên rơi vào tình trạng lúng túng trong triển khai còn diễn ra ở nhiều cấp ủy. Nhiều tổ chức đảng chưa thể hiện rõ vai trò là cầu nối gắn bó thường xuyên người lao động (NLĐ) với DN; chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chủ DN và NLĐ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cũng vì thế, nhiều chủ DN và NLĐ hiểu về Đảng rất chung chung; đặc biệt là một số chủ DN còn gây “khó” trong quá trình hoạt động của tổ chức đảng.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát triển Đảng trong khu vực KTTN, cùng với những giải pháp mà Chỉ thị số 33CT/TW đề ra, việc cần làm ngay là: Mỗi tổ chức đảng phải cử đảng viên đến từng DN, cơ sở sản xuất... xây dựng hạt nhân chính trị làm nòng cốt. Khi mỗi đảng viên chứng minh vai trò tiên phong, gương mẫu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thì sẽ gây được ấn tượng tốt với chủ DN. Từ đó, kết hợp linh hoạt trong tuyên truyền, thuyết phục để DN thấy được việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể sẽ có lợi ích thiết thực, nhất là tham gia giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, hạn chế tối đa đình công, lãn công, cải thiện quan hệ giữa chủ DN và NLĐ...

Việc xây dựng tổ chức đảng, phát triển Đảng trong DN không chỉ phụ thuộc ở vai trò và năng lực tự thân của tổ chức đảng trong DN, mà nhất thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống tổ chức đảng các cấp; nhất là sự chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn cụ thể của các cấp ủy, cơ quan chức năng quản lý DN. Ở những nơi gặp khó khăn vướng mắc, cơ quan chức năng phải phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, trực tiếp đến lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tháo gỡ từng bước để đạt mục tiêu đề ra.

Quá trình hoạt động, từng tổ chức đảng, đảng viên trong DNTN phải thể hiện được vai trò hạt nhân đoàn kết, động viên NLĐ thi đua sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vì sự phát triển của DN. DN lớn mạnh thì kinh tế đất nước phát triển, đời sống NLĐ được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm-đó cũng chính là mục tiêu cao cả của Đảng ta. Một khi Đảng, DN và NLĐ cùng hướng về mục tiêu cao cả ấy thì sẽ không còn “nút thắt” trong công tác phát triển Đảng ở các DNTM.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc