Ban chấp hành Trung ương nhấn mạnh và chỉ rõ, đó là biểu hiện suy thoái rất nguy hại không chỉ làm mất uy tín, giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng, mà còn gây lãng phí thời gian, tiền bạc, tài sản, tổn hại đến kinh tế đất nước.
Chưa có một nghiên cứu, khảo sát mang tính định lượng đầy đủ, cụ thể về thực trạng trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức (CB, ĐV, CC) trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhưng qua đánh giá của Trung ương và báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, về cơ bản đội ngũ CB, ĐV, CC nước ta luôn đề cao trách nhiệm, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công. CB, ĐV, CC không hoàn thành nhiệm vụ chiếm tỷ lệ không nhiều.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: vov.vn
Thế nhưng, đúng như đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương, tình trạng CB, ĐV, CC né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao có những diễn biến đáng lo ngại. Số lượng CB, ĐV, CC bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm ngày càng tăng. Đặc biệt, dư luận gần đây xôn xao trước việc ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên giữ các vị trí chủ trì, chủ chốt vi phạm các nguyên tắc của Đảng, buông lỏng quản lý, làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý kỷ luật, bị khởi tố, truy tố, xét xử. Điển hình như vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng, ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng 4 cán bộ dưới quyền bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Gần đây nhất, liên quan đến những sai phạm ở Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), ông Phùng Danh Thắm, Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”....
Không ít cán bộ, đảng viên giữ vị trí chủ trì, chủ chốt phải đưa ra xem xét, kiểm điểm, xử lý kỷ luật bằng các hình thức. Điển hình như ông Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Phùng Quang Hùng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016 vì thiếu trách nhiệm trong việc quyết định giao chủ đầu tư dự án không có năng lực; phê duyệt đầu tư, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, giao chỉ định thầu một số dự án trọng điểm trái quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư.... Ngoài những sự việc, vụ án lớn, tình trạng một bộ phận không nhỏ CB, ĐV, CC thiếu trách nhiệm, không làm tròn chức trách được giao, lợi dụng chức quyền sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Những biểu hiện làm trái các quy định của Nhà nước, thiếu trách nhiệm; lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công....
Việc khởi tố, bắt tạm giam, truy tố đối với một số cán bộ trong thời gian qua thể hiện rõ nét quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta làm trong sạch bộ máy công quyền nhằm nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Để khắc phục tình trạng CB, ĐV, CC thiếu ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ chung, với công việc của tập thể; thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, công việc được phân công, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng trước hết phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước dân, trước nhiệm vụ chung của cách mạng và trách nhiệm của từng CB, ĐV, CC đối với chức trách, nhiệm vụ, công việc mà mình được giao đảm đương, phụ trách.
Chúng ta phải đặt nội dung này lên hàng đầu bởi lẽ, ý thức trách nhiệm có vai trò quyết định đến tinh thần, thái độ làm việc của từng CB, ĐV, CC. Thành tích, hiệu quả thực hiện công vụ của CB, ĐV, CC cũng do ý thức trách nhiệm quyết định. Do đó, cần phải làm cho mọi CB, ĐV, CC hiểu ý thức trách nhiệm được thể hiện ở tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trước nhiệm vụ chung, nhiệm vụ của tập thể, người cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm luôn nêu cao tinh thần dám nhận trách nhiệm về mình, thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, đổi mới, sáng tạo và nỗ lực hết mình để vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Người cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm còn thể hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ họ luôn biết kết hợp hài hòa giữa tư tưởng chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Với những CB, ĐV có ý thức trách nhiệm, họ không thể đánh giá một nhiệm vụ, một công việc là hoàn thành nếu để xảy ra tiêu cực, thất thoát, gây tốn kém, lãng phí tài sản của tập thể, của Nhà nước. Khi thành công, người CB, ĐV có ý thức trách nhiệm, có tinh thần tập thể không vơ cả thành tích về mình và khi thất bại cũng không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể, cho người khác, hay đổ lỗi cho khách quan. Người CB, ĐV có ý thức trách nhiệm cao luôn biết nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm mà phấn đấu trưởng thành. Người CB, ĐV có ý thức trách nhiệm cao còn thể hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn tuân thủ theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, với tinh thần chủ động, linh hoạt và sáng tạo, nhưng không vượt quá chức trách, phạm vi quyền hạn mà mình được giao đảm nhiệm.
Khen thưởng, động viên, khích lệ, nêu gương những CB, ĐV, CC có ý thức trách nhiệm cao với nhiệm vụ là việc làm cần thiết. Nhưng cùng với đó, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức cần phải thường xuyên cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến chất lượng, nhất là tinh thần, ý thức trách nhiệm của đội ngũ CB, ĐV, CC. Đặc biệt, trước những vụ việc, những sai phạm của CB, phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiên minh và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời.
Đi đôi với việc giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ CB, ĐV, CC có ý thức trách nhiệm, chúng ta cần phải đấu tranh để loại bỏ những biểu hiện trách nhiệm hình thức, theo kiểu bên ngoài tỏ ra ta là người có ý thức trách nhiệm, nhưng thực tế trong lòng lại không nhận trách nhiệm về mình, nhận trách nhiệm kiểu nửa vời. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, chúng ta cần phải kiên quyết lên án, đấu tranh với những biểu hiện vô trách nhiệm trong công việc; bỏ bê nhiệm vụ được phân công, hoặc thực hiện theo kiểu hời hợt, qua loa, đại khái, không quan tâm đến những ảnh hưởng tiêu cực từ thái độ, hành vi sai trái của mình. Cùng với tuyên truyền, giáo dục cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ, phát hiện mọi biểu hiện thiếu trách nhiệm CB, ĐV ngay từ ban đầu, ngay từ cơ sở để có các biện pháp đấu tranh ngăn chặn kịp thời, phù hợp và hiệu quả.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Tập trung tham mưu tinh gọn tổ chức bộ máy, để tăng tốc, bứt phá trong thực hiện mục tiêu đề ra ( 17/12)
- Bước khởi đầu quan trọng của đại hội đảng bộ các cấp ( 28/11)
- Huyện Hương Khê chú trọng tạo nguồn, phát triển đảng viên ( 22/11)
- Đảng bộ huyện Hương Khê chú trọng tạo nguồn, phát triển đảng viên ( 21/10)
- Suy nghĩ về công tác tổ chức xây dựng Đảng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ( 15/10)
- Tập trung tham mưu hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng trong quý IV năm 2024 ( 03/10)