Một số giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khối nông thôn huyện Thạch Hà
EmailPrintAa
16:16 17/10/2016

Chi bộ là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Mọi hoạt động của chi bộ nhằm đảm bảo cho đường lối, chính sách của Đảng được quán triệt và thực hiện có hiệu quả ở cơ sở. Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta hiện nay. Điều đó tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: "Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng… ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ...”.
 
Sinh hoạt chi bộ thường kỳ tại chi bộ La Xá, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà  

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Thạch Hà lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục khẳng định: "Đổi mới nội dung, nâng cao năng lực, phương thức lãnh đạo của Đảng từ chi bộ đến cấp ủy huyện; thực hiện tốt các nguyên tắc của Đảng, chế độ công tác Đảng, tập trung vào chế độ sinh hoạt Đảng, chế độ quản lý và phân công nhiệm vụ cho đảng viên..." là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 02/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương và các hướng dẫn của Tỉnh ủy về nội dung sinh hoạt chi bộ, thời gian qua,  Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo thành viên các đoàn công tác về tham dự sinh hoạt chi bộ định kỳ tại 31 xã, thị trấn, nên các chi bộ khối nông thôn của huyện Thạch Hà đã thực hiện sinh hoạt chi bộ nghiêm túc và duy trì sinh hoạt đúng định kỳ hàng tháng. Chất lượng sinh hoạt của chi bộ khối nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, nội dung sinh hoạt chi bộ từng bước được đổi mới, tinh thần dân chủ, trí tuệ của đảng viên được phát huy. Chi bộ đã phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, cụ thể là thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở; đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua sinh hoạt chi bộ những vấn đề còn dị nghị, còn bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được giải quyết kịp thời, phù hợp với thực tiễn của địa phương, từ đó tạo được không khí chân tình, thẳng thắn trong đấu tranh phê bình và tự phê bình, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Qua sinh hoạt chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên được bổ sung thêm, hiểu thêm về các nghị quyết, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội trên địa bàn. Qua sinh hoạt chi bộ, cấp ủy nắm được tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên, từ đó đề ra biện pháp khắc phục, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương.

Bên cạnh đó, thực trạng chất lượng sinh hoạt chi bộ khối nông thôn tại một số địa bàn vẫn còn hạn chế. Một số chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, buông lỏng công tác quản lý, giáo dục đảng viên; nội dung sinh hoạt chi bộ còn nghèo nàn, thiếu nội dung chính trị, tư tưởng, thiếu tính Đảng; tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình, phê bình còn yếu; ý thức tổ chức kỷ luật của một số đảng viên còn hạn chế; việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Một số chi bộ chưa thực hiện tốt vai trò là nơi lãnh đạo, giáo dục, quản lý, giám sát và rèn luyện đảng viên. Việc tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề chưa được quan tâm đúng mức. Một số chi bộ trong sinh hoạt chủ yếu là điểm đầu việc, chưa đi sâu vào bàn giải pháp thực hiện, các ý kiến phát biểu mang tính xây dựng còn ít; khâu tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ còn yếu, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên...

Nguyên nhân của những vấn đề trên là do trình độ nhận thức, tuổi đời, tuổi đảng cũng như số lượng đảng viên tại các chi bộ không đồng đều, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, ý thức, thái độ, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng của một số đảng viên chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát, định hướng sinh hoạt của cấp ủy cấp trên trực tiếp đối với chi bộ chưa thường xuyên nên chi bộ sinh hoạt có tính chất chiếu lệ; một số cán bộ năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo còn hạn chế… Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Thạch Hà đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Hướng dẫn số 09- HD/BTCTW ngày 02/3/2012 của Ban tổ chức Trung ương về Nội dung sinh hoạt chi bộ, duy trì chế độ sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng. Chi ủy phải bám sát tình hình thực tế của chi bộ để xây dựng nội dung sinh hoạt, trong đó cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm; thông tin kịp thời về tình hình thời sự trong tỉnh, trong nước, quốc tế (dành thời gian từ 20 - 30 phút để cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách, tình hình thời sự qua Bản tin Thạch Hà, Tạp chí Thông tin tư tưởng, Báo Hà Tĩnh...); phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên.

Thứ hai, tăng cường trách nhiệm của chi ủy, bí thư chi bộ trong việc chuẩn bị chu đáo nội dung và các điều kiện đảm bảo cho buổi sinh hoạt chi bộ. Chi uỷ, bí thư chi bộ cần chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt. Trước khi tổ chức họp chi bộ, chi ủy cần tổ chức họp, thảo luận, tranh thủ ý kiến cấp ủy cấp trên phụ trách để thống nhất nội dung, thông báo trước về nội dung, thời gian, địa điểm cho đảng viên biết để chủ động sắp xếp công việc, tham dự sinh hoạt và chuẩn bị ý kiến phát biểu. Không nên đưa ra quá nhiều nội dung trong một cuộc sinh hoạt. Thời gian tổ chức sinh hoạt chi bộ cần phù hợp với lịch mùa vụ của đảng viên.

Thứ ba, phát huy tinh thần dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Để phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thì bí thư chi bộ hoặc người chủ trì các cuộc họp cần có tác phong cởi mở, chân thành, dân chủ, nhưng cần phải quyết đoán, có chính kiến rõ ràng. Trong thảo luận phải thật sự phát huy dân chủ, tạo được không khí đoàn kết, thẳng thắn để các đảng viên thể hiện chính kiến của mình trước khi đi đến biểu quyết thống nhất chung. Khuyến khích đảng viên phát biểu, tranh luận, trình bày tâm tư nguyện vọng cũng như những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Đặc biệt, cần bình tĩnh lắng nghe những ý kiến trái chiều và phải thảo luận rất kỹ trong chi bộ, khi chi bộ đã biểu quyết thông qua thì phải nói và làm theo nghị quyết đó, không được tuyên truyền quan điểm, ý kiến riêng của cá nhân mình trái với nghị quyết.

Kịp thời chấn chỉnh, phê phán những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng, bảo thủ trong trao đổi, thảo luận, cố tình gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ; kịp thời chấn chỉnh những đảng viên có tư tưởng né tránh sự thật, ngại nêu ý kiến trái chiều... để khơi dậy và phát huy dân chủ của mỗi đảng viên trong chi bộ. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo cấp ủy cấp trên và trả lời đảng viên trong lần sinh hoạt tiếp theo.

Thứ tư, tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên đề. Ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ, chi bộ cần lựa chọn một số nội dung cụ thể, thiết thực, sát hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ của chi bộ trong từng thời điểm cụ thể để sinh hoạt theo các chuyên đề, làm cho nội dung sinh hoạt thêm phong phú. Một số chuyên đề theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên như: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; giải pháp để thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại thôn xóm; giải pháp để xây dựng thôn văn hóa; biện pháp giúp đỡ đảng viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Để có nội dung sinh hoạt chuyên đề phong phú, hiệu quả cao, đồng chí bí thư chi bộ cần suy nghĩ, trao đổi với các đảng viên trong chi bộ để lựa chọn ra một số nội dung cần đưa vào sinh hoạt chuyên đề. Sau đó phân công cho người chuẩn bị nội dung, cần nói rõ mục đích, yêu cầu, ý kiến chỉ đạo và cung cấp những tài liệu, thông tin cần thiết cho người được phân công chuẩn bị nội dung. Nội dung đó phải được chuyển đến cho đảng viên trong chi bộ trước từ 1 đến 2 ngày để họ chuẩn bị ý kiến tham gia thảo luận tại chi bộ .

Thứ năm, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên trực tiếp. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ của cấp uỷ cấp trên có vai trò quan trọng đối với chất lượng hoạt động và sinh hoạt của chi bộ. Vì vậy cần tiếp tục phân công và gắn trách nhiệm cho từng cấp ủy viên trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các đồng chí uỷ viên cấp uỷ cấp trên, trên cương vị được phân công phụ trách, cần giành thời gian sâu sát cơ sở, khắc phục bệnh quan liêu, hành chính.

Bùi Thị Xuân - Huyện ủy Thạch Hà


    Ý kiến bạn đọc