Một số giải pháp phát triển đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân
EmailPrintAa
15:25 09/09/2016

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI  của Đảng (năm 1986), nhận thức của Đảng và nhân dân ta về vị trí và vai trò của nền kinh tế nhiều thành phần đã có những bước đột phá quan trọng. Từ việc thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần đến việc tạo ra những cơ chế, chính sách nhằm động viên, khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển đất nước là một chủ trương đúng đắn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc của xã hội.
 
Ra mắt Chi bộ Chi nhánh HDbank Hà Tĩnh  

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định chủ trương thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng hợp tác phát triển và cạnh tranh lành mạnh. Để khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát triển Đảng và Nhà nước tiếp tục cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách trong đó tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Đảng đã ban hành Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28/8/2006 về đảng viên làm kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế”

Trong những năm qua, mặc dù trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Nhiều chủ trương, biện pháp để khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế. Theo đó, số lượng, quy mô các loại hình doanh nghiệp tăng nhanh, nhất là thành phần kinh tế tư nhân. Đến 30/6/2016, toàn tỉnh có 5.237 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, tăng 2.807 doanh nghiệp so với năm 2011.

Cùng với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thì số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân cũng tăng đáng kể. Đến 30/6/2016, toàn tỉnh có 96 tổ chức cơ sở đảng ở trong các doanh nghiệp tư nhân, chiếm 90 % tổng số tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp, tăng 55 tổ chức cơ sở đảng doanh nghiệp tư nhân so với năm 2011; với 3.859 đảng viên, chiếm tỷ lệ 83,6% so với tổng số đảng viên trong doanh nghiệp. Số lượng đảng viên được kết nạp ở các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp bình quân hàng năm gần 300 đồng chí. Từ năm 2011 đến nay kết nạp được 1.438 đảng viên mới trong các doanh nghiệp.

Sau khi được kết nạp vào Đảng các đảng viên ở khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thành lập tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên và giành thời gian, tạo điều kiện về mặt vật chất cho các tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động theo điều lệ của tổ chức mình; khuyến khích quần chúng trong doanh nghiệp phấn đấu vào Đảng; quan tâm hơn trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Chấp hành nghiêm nghĩa vụ đối với Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn. Đồng thời nắm tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của người lao động để kịp thời giải quyết những khó khăn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về kinh tế, chính trị của người lao động. Đặc biệt, các tổ chức đảng, đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân phát huy được vai trò hạt nhân chính trị, trong đó yếu tố then chốt là người đứng đầu doanh nghiệp là đảng viên, giữ chức vụ chủ chốt trong tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn trong việc phát triển đảng ở khu vực kinh tế tư nhân như: Công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp tư nhân hiểu và tự nguyện phấn đấu vào Đảng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết chủ doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp, còn có tâm lý lo ngại ràng buộc về mặt chính trị, tổ chức, nếu vào Đảng phải tham gia hội họp, sinh hoạt chi bộ, học tập chính trị ảnh hưởng đến thời gian hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy,  các chủ doanh nghiệp không muốn vào Đảng, và họ cũng không quan tâm, tạo điều kiện cho người lao động trong doanh nghiệp mình phấn đấu trở thành đảng viên. Một số doanh nghiệp do đặc thù ngành nghề kinh doanh nên đăng ký trụ sở ở các địa phương khác nhau, chủ doanh nghiệp thường không có mặt ở nơi cư trú hay trụ sở làm việc, do đó công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, theo dõi để đề nghị kết nạp vào Đảng đối với những trường hợp này gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đều có quy mô rất nhỏ (dưới 10 lao động), chưa đủ điều kiện để thành lập tổ chức đảng, đoàn thể nên việc tuyên truyền, bồi dưỡng kết nạp quần chúng vào Đảng rất khó khăn. Tỷ lệ tổ chức đảng, đoàn thể, số lượng đảng viên, đoàn viên so với số lượng doanh nghiệp tư nhân còn thấp. Đa số các doanh nghiệp tư nhân chưa có tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể nên sự lan tỏa còn hạn chế. (Tính đến 30/6/2016, toàn tỉnh có 96 chi bộ/ 5.237 doanh nghiệp tư nhân ( chiếm 1,83 %); 308 tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân (chiếm 5,88 %); 37 tổ chức đoàn thanh niên cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân (chiếm 0,70 %)).

 

Kết nạp đảng viên mới tạiChi bộ Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Nga Sơn

 

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, đối với tỉnh ta quá trình hội nhập tại chỗ đang tác động mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, sự tồn tại đan xen của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đang tạo ra những động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Trong điều kiện đó, việc chấp nhận đảng viên làm kinh tế tư nhân đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân cũng đồng thời cần hoàn thiện, bổ sung đồng bộ các cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện cho họ tham gia phát triển kinh tế đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để các tổ chức đảng, đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân thực thi vai trò của mình, vừa không vi phạm điều lệ Đảng, vừa không hạn chế việc sản xuất kinh doanh của họ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Đảng, Nhà nước và xã hội, phát huy phẩm chất tốt đẹp của đảng viên trước quần chúng nhân dân, luôn kiên định mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Để đẩy mạnh việc kết nạp đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cấp uỷ đảng và cả hệ thống chính trị cần tiếp tục tập trung tuyên truyền sâu rộng để chủ doanh nghiệp và người lao động thấy rõ vị trí, vai trò và sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân. Nâng cao nhận thức chính trị cho đảng viên, người lao động, tạo sự đồng thuận, chia sẻ khó khăn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động; động viên, khuyến khích họ thi đua lao động sản xuất, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, hướng dẫn cấp ủy trong khu vực kinh tế tư nhân xây dựng tốt mối quan hệ giữa cấp uỷ với chủ doanh nghiệp trên cơ sở cấp uỷ phải làm tốt việc xây dựng quy chế hoạt động của tổ chức đảng, làm rõ mối quan hệ giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, giám đốc và các tổ chức, đoàn thể. Những hoạt động và việc làm cụ thể của tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể phải gắn với lợi ích và sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và chủ doanh nghiệp.

Thứ ba, thường xuyên rà soát, nắm thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp, đời sống của công nhân, người lao động để xây dựng các biện pháp chỉ đạo kịp thời, kết hợp với quan tâm vận động thành lập các tổ chức đoàn thể. Tăng cường trao đổi thông tin, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các đoàn thể cần tăng cường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các sân chơi, phong trào thi đua thiết thực cho công nhân, người lao động, để tạo sức hút đối với thanh niên, công nhân tham gia vào các tổ chức hội trong các doanh nghiệp tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp. Tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi, nhất là việc vay vốn, cho thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh để đảng viên làm kinh tế tư nhân hoạt động.

Thứ tư, cấp ủy, chi bộ, các tổ chức đoàn thể cần phải có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để vừa cụ thể các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong doanh nghiệp, công nhân, người lao động. Đồng thời, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh để chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực của việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Hàng năm nhân ngày doanh nhân (13/10) cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức gặp mặt biểu dương, tôn vinh, để động viên kịp thời các đảng viên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, đóng góp vật chất xây dựng địa phương.

Thứ năm, các cấp uỷ đảng phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát coi trọng việc hướng dẫn thực hiện Quy định 15-QĐ/TW về việc đảng viên làm kinh tế tư nhân cũng như các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung trong khu vực kinh tế tư nhân.                         

Phan Huấn - Văn phòng Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc