Một số giải pháp phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
EmailPrintAa
14:59 08/11/2016

Tính đến ngày 30/6/2016, tỉnh Hà Tĩnh có 2.933 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, trong đó 69 doanh nghiệp đã thành lập tổ chức cơ sở đảng với 2.556 đảng viên, trung bình hằng năm kết nạp được 300 đảng viên mới là cán bộ, công nhân, người lao động.
 
Lễ công bố thành lập Chi bộ Công ty TNHH Quý Gia  

Thời gian qua, các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước từng bước phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo đảng viên, các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền người quản lý doanh nghiệp, người lao động chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh phát triển doanh nghiệp; tham gia xây dựng và thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các quy định, quy chế, nội quy lao động trong doanh nghiệp; vận động công nhân lao động tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị tại các địa phương, đơn vị.

Tuy vậy, việc phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn gặp khó khăn: Nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng; công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp hiểu và tự nguyện phấn đấu vào Đảng vẫn còn gặp hạn chế. Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể, còn có tâm lý lo ngại ràng buộc về mặt chính trị, tổ chức, do đó chưa tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức Đảng. Hoạt động của một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nhất là ở nơi mới thành lập còn lúng túng, mang tính hình thức, chưa đổi mới nội dung sinh hoạt, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể cấp trên trực tiếp về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa đầy đủ, sâu sắc. Các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đa số mới được thành lập là những doanh nghiệp nhỏ; một số doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa thực sự coi trọng công tác Đảng, đoàn thể…

Trong thời gian tới, để tăng cường công tác xây dựng Đảng và phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy Đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và công nhân lao động của các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước về pháp luật lao động, về vai trò của tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp.

Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên vì mục tiêu phát triển doanh nghiệp, vì cuộc sống của người lao động trong doanh nghiệp; tích cực bồi dưỡng quần chúng để tạo nguồn phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng. Chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên là công nhân, người lao động đang sinh hoạt ở nơi cư trú về doanh nghiệp để thành lập tổ chức đảng ở những nơi đủ điều kiện. Đối với doanh nghiệp chưa có đảng viên, cấp ủy cấp trên nơi doanh nghiệp có trụ sở chính cần phân công cấp ủy viên phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp để vận động, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên.

Ba là, nâng cao chất lượng của cấp ủy đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; bố trí bí thư cấp ủy là người có uy tín, có vai trò trong doanh nghiệp. Thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần phù hợp và thiết thực đối với từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dường nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho các cấp ủy viên, lãnh đạo các đoàn thể. Vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phụ thuộc rất lớn vào vị trí, vai trò của bí thư cấp ủy. Kinh nghiệm cho thấy, nếu bí thư làm chủ doanh nghiệp, là giám đốc, phó giám đốc; chủ tịch hoặc phó chủ tịch hội đồng quản trị thì rất thuận lợi cho tổ chức đảng.

Bốn là, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, ban giám đốc, hội đồng quản trị, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp; tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức đảng, chú trọng chăm lo cho cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.

Năm là, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết nhiều việc làm cho lao động. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì chủ doanh nghiệp càng có điều kiện quan tâm đến việc thành lập, tạo điều kiện cho tổ chức đảng được hoạt động. Thường xuyên hướng dẫn nội dung, phương pháp hoạt động của các tổ chức đảng cho phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Cần thực hiện tốt chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Hồ Xuân Kỳ - Ban Tổ chức Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc