Một vài suy nghĩ về công tác đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII
EmailPrintAa
14:40 29/09/2017

Hiện nay, các địa phương trên toàn tỉnh đang tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, ngày 18/6/1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những vấn đề được cán bộ, đảng viên quan tâm đó là khâu đánh giá cán bộ.
 

Đảng ủy xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà tổ chức Hội nghị

tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII (ảnh minh họa)

 

Đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên trong các khâu của công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ có vai trò quan trọng bởi nếu đánh giá đúng, bố trí đúng người, đúng việc sẽ thúc đẩy công việc nhanh hơn, phát huy được năng lực sở trường, tạo môi trường rèn luyện để cán bộ trưởng thành. Ngược lại, nếu đánh giá không đúng sẽ dẫn đến bố trí không hợp lí, không phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết trong tổ chức.

Tại hội nghị tổng kết ở cơ sở, các ý kiến đã chỉ ra được những ưu điểm, hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ các cấp của Đảng ta. Có thể khẳng định, cấp ủy đảng các cấp đã thực hiện tương đối nghiêm túc việc đánh giá cán bộ hàng năm, cuối nhiệm kỳ, trước lúc bổ nhiệm, đảm bảo tính khách quan, toàn diện và xây dựng các tiêu chí để đánh giá… nhờ đó đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều nhân tố tích cực, lấy kết quả đánh giá để làm căn cứ, cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác đánh giá cán bộ ở một số tổ chức đảng vẫn còn chung chung, chưa tuân thủ các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng về đánh giá cán bộ; còn có biểu hiện nể nang, né tránh, hình thức, thiếu công tâm, khách quan, bị chi phối bởi nhóm lợi ích trong đánh giá, chưa tạo được tính liên thông giữa đánh giá với các khâu quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ.. Vẫn còn một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về công tác này, vận dụng các quan điểm, nguyên tắc trong đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế, dẫn đến lãng phí, không phát huy được trí tuệ của những người có đức, có tài hoặc còn để trong bộ máy Đảng, Nhà nước những cán bộ không đủ năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức,… ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân.

Để thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác đánh giá cán bộ trong thực tiễn, các cấp ủy đảng cần hiểu đúng yêu cầu, nội dung, các nguyên tắc trong đánh giá cán bộ theo tinh thần quy chế công tác cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII  đề ra: 

Thứ nhất, đánh giá cán bộ là một việc làm thường xuyên, được tiến hành hàng năm, kết thúc nhiệm kỳ hoặc trước khi cán bộ chuyển công tác trước khi bổ nhiệm và bổ nhiệm lại. Trách nhiệm đánh giá cán bộ thuộc về cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng nơi cán bộ sinh hoạt, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cán bộ là tập thể, cá nhân thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, có mối quan hệ công tác có trách nhiệm đánh giá cán bộ đó. Việc đánh giá của tập thể, cá nhân đi kèm với tự đánh giá của bản thân cán bộ trong quá trình công tác. Để có kết quả chân thực, đầy đủ, trong đánh giá cán bộ cần kết hợp kết quả đánh giá của tập thể và tự đánh giá của cá nhân để bổ sung cho nhau. 

Thứ hai, đánh giá cán bộ không chỉ dựa trên bằng cấp, kiến thức, thời gian công tác, lời nói mà phải đặt cán bộ vào từng công việc cụ thể. Hiệu quả công tác chính là thước đo căn bản để biết được năng lực, trình độ của cán bộ. Đồng thời, công việc đó phải gắn với đời sống thực tiễn, được thực tiễn kiểm nghiệm và chứng minh trong một thời gian, quá trình nhất định.

Thứ ba, cán bộ là con người cụ thể gắn với chuyên môn, công việc cụ thể chứ không chung chung, trìu tượng, vì vậy phải đặt cán bộ trong những mối quan hệ để có cái nhìn khách quan, biện chứng. Trước tiên là mối quan hệ với chính mình, tức là năng lực, phẩm chất mà bản thân người cán bộ đó có thông qua rèn luyện, hoạt động thực tiễn được thể hiện ở 3 khía cạnh chủ yếu, bao trùm nhất: về khả năng sáng tạo, nghiên cứu, làm việc độc lập tức là năng lực chuyên môn của cán bộ; về bản lĩnh chính trị (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có chính kiến); về phẩm chất đạo đức (cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư). Với những gì bản thân có đặt trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân phải xem người đó có được quần chúng tín nhiệm không, có tác phong quần chúng, gần gũi, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vì lợi ích, trách nhiệm với nhân dân hay thái độ thờ ơ, vô cảm; trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp có hài hòa không, có kính trọng cấp trên, tôn trọng cấp dưới không; đối với công việc có cẩn thận, nghiêm túc, làm đến nơi, đến chốn hay qua loa, cẩu thả.

Thứ tư, cấp ủy đảng, người đứng đầu trong quá trình đánh giá phải tuân thủ các nguyên tắc khách quan, toàn diện, phát triển, tính lịch sử cụ thể, tránh cách nhìn nhận phiến diện, một chiều, chỉ nhìn thấy biểu hiện bề ngoài, hoặc một vài mặt mà vội đánh giá bản chất. Người đánh giá phải công tâm, khách quan, gạt ra ngoài những yếu tố liên quan đến lợi ích nhóm, cách đánh giá “yêu nên tốt ghét nên xấu” để nhìn thấu suốt điểm mạnh, điểm yếu, thấy được cái tốt để phát huy, cái xấu để uốn nắn, rèn giũa, từ đó góp ý, giúp cho cán bộ đó tiến bộ. Việc đánh giá phải có quá trình, căn cứ tính lịch sử cụ thể và tuân thủ nguyên tắc phát triển để đánh giá. Đánh giá cán bộ phải dự trên cách nhìn nhận thế giới quan và nhân sinh quan của cán bộ đó.

Chỉ có khi cấp ủy và cán bộ xác định đánh giá cán bộ là khâu khắt khe để sàng lọc, giúp cán bộ nhận biết được mình, từ đó rèn luyện, vươn lên trưởng thành, đồng thời, qua theo dõi, đánh giá thường xuyên góp phần cung cấp cho Đảng những người cán bộ ưu tú, có trách nhiệm, đủ năng lực để cống hiến thì công tác đánh giá cán bộ mới thật sự khách quan, chính xác. Nếu xem khâu đánh giá là một cái trục thì các cấp ủy đảng phải gắn cái trục ấy với các khâu như sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, quy hoạch để tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường. Ngược lại, với những cán bộ yếu về năng lực chuyên môn, thiếu ý thức tu dưỡng chưa nêu cao vai trò trách nhiệm với việc và với nhân dân thì phải tiếp tục điều chuyển hoặc bồi dưỡng, đào tạo lại để tiếp tục rèn luyện. Đánh giá cán bộ đòi hỏi quá trình, vừa đòi hỏi những tiêu chí cụ thể, song vừa căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể, môi trường công tác của cán bộ để linh hoạt trong đánh giá, vừa  nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, sự giám sát của nhân dân và tinh thần tự giác, tự ý thức, tự đánh giá của bản thân người cán bộ.

Phan Thị Hương - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà


    Ý kiến bạn đọc