Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
EmailPrintAa
10:59 23/03/2016

Chi bộ cơ sở là hạt nhân chính trị của Đảng, là nơi trực tiếp lãnh đạo cơ sở thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; tham gia xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác của chi bộ và của cấp ủy cấp trên. Đồng thời, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong phạm vi lãnh đạo của chi bộ. Thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng đảng viên nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chi bộ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.

 

 

             Sinh hoạt chi bộ của Trung tâm Chữa bệnh -
                Giáo dục lao động xã hội số 1 Hà Nội

Việc đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải gắn với đẩy mạnh học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ chính trị. Sinh hoạt chi bộ bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng đảng viên, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết, thống nhất và tình thương yêu đồng chí trong chi bộ.


Từ khi có Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 2-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, các chi bộ, đặc biệt là chi ủy đã thực hiện nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, từ đó kết quả phân tích chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm thực chất hơn, sát hơn, bệnh thành tích giảm rõ rệt, khen thưởng trong Đảng xứng đáng hơn và đúng với những thành tích mà tổ chức, đảng viên đó đã cố gắng đạt được, bởi vì “chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng, chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”. Số lượng đảng viên mới kết nạp hằng năm đều tăng. Tỷ lệ đảng viên kết nạp trong độ tuổi thanh niên, đảng viên nữ, người dân tộc thiểu số, đội ngũ trí thức chuyển biến tích cực. Trong nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đề ra giải pháp về tổ chức cán bộ và sinh hoạt đảng: “Chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình” bước đầu đã răn đe, cảnh báo tình trạng tham nhũng, lãng phí, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít chi bộ yếu kém. Một bộ phận đảng viên, trong đó có đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, là cấp ủy viên vi phạm pháp luật Nhà nước, vi phạm các quy định của Đảng phải xử lý bằng chế tài của Đảng, Nhà nước, nhẹ khiển trách, nặng cách chức, buộc thôi việc hoặc khai trừ ra khỏi Đảng. Có nhiều nguyên nhân nhưng bài viết này chỉ đề cập tới một nguyên nhân chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, buông lỏng công tác quản lý, giáo dục đảng viên. Nội dung sinh hoạt chi bộ chưa sâu, thiếu tính giáo dục, tính gương mẫu, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình yếu. Một nguyên nhân nữa là chi bộ chưa thật sự đoàn kết và tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp phần nhiều bị giảm sút nghiêm trọng. Chi bộ chưa thực sự là nơi sinh hoạt tư tưởng để cấp ủy nắm và hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên, chưa thể hiện tốt vai trò là nơi lãnh đạo, giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát và rèn luyện đội ngũ đảng viên. Từ đó làm suy giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng và chính quyền.

Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ngoài những quy định cần phải thực hiện đúng theo Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW thì cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là,
 trong sinh hoạt chi bộ lồng ghép với nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó phải đặc biệt chú ý 3 tác phẩm của Người: “Đạo đức cách mạng”, “Sửa đổi lối làm việc” và “Di chúc”. Đây là nền tảng vững chắc, cơ bản trong công tác xây dựng đảng mà Bác đã dặn. Khi thực hiện phải có các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với chi bộ để đảng viên cụ thể hóa thành việc làm thiết thực tại cơ quan, đơn vị, chi bộ mình .


Hai là,
 tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước cần phải thực hiện kịp thời ngay trong kỳ họp chi bộ lần gần nhất để bảo đảm tính thời sự. Làm tốt công tác này là chúng ta đã cung cấp kênh thông tin chính thống cho các đảng viên, tránh các thông tin gây nhiễu, từ đó định hướng được dư luận xã hội.


Ba là, ngoài các nội dung họp chi bộ do cấp ủy chuẩn bị, chi bộ cần thêm nội dung báo cáo của các đảng viên hoặc đại diện nhóm đảng viên (nếu họ cùng thực hiện một hay nhiều nhiệm vụ chính trị giống nhau) và tự đảng viên sẽ đưa ra các biện pháp, giải pháp, kế hoạch tổ chức thực hiện, phương pháp nghiên cứu khoa học.Sau đó bí thư chi bộ kết luận đưa vào nghị quyết.

Bốn là, tạo không khí thật cởi mở, thân thiện, gần gũi, quan tâm, chia sẻ... bằng việc thực hiện dân chủ, từ đó chi bộ lắng nghe được hết các ý kiến của đảng viên. Có như vậy cuộc họp chi bộ mới  đoàn kết, thực sự là sinh hoạt chính trị hiệu quả. Đảng viên  hứng thú đi họp chi bộ để được đóng góp, xây dựng, được tôn trọng, được cống hiến trí tuệ của mình góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.

Năm là, cấp ủy viên phụ trách tổ chức cơ sở đảng cần dành một quỹ thời gian để dự họp với chi bộ. Từ đó nắm bắt được các phát sinh khi thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp trên hoặc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng của cấp ủy viên cấp trên đối với tổ chức đảng cấp dưới.

Theo ThS. Phạm Đình Lương

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh/ Báo Xây dựng Đảng


    Ý kiến bạn đọc