Phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII
EmailPrintAa
15:26 09/02/2017

Đảng không có lợi ích nào khác ngoài phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Toàn bộ hoạt động của Đảng xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ và của Đảng.
 

Mục tiêu, lý tưởng đó của Đảng được cụ thể hóa qua chủ trương, đường lối cách mạng mà Đảng lãnh đạo; qua kết quả hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên được nhân dân thừa nhận, đánh giá trên cả hai mặt ưu điểm và khuyết điểm. Nhân dân là tai mắt, là sự đánh giá công bằng nhất người phục vụ quyền lợi của mình.

Để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của Đảng, từ tháng 10 - 1947 trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Đáng chú ý là, trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng. Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân... Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng”.

Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đã chỉ ra các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Trong đó nguyên nhân chủ quan về mối quan hệ giữa tổ chức đảng và đảng viên với nhân dân, về phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nêu cụ thể là: “Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên còn hạn chế, hiệu quả chưa cao”. Sự hạn chế biểu hiện ở một số mặt:

Thứ nhất là, trong không ít tổ chức, cấp ủy đảng có những vụ việc tiêu cực được quần chúng nhân dân nêu lên nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc giải quyết không hợp tình, hợp lý, thậm chí còn có hiện tượng bao che. Cũng không ít cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị, việc tổ chức để quần chúng tham gia góp ý kiến cho đảng viên, tổ chức, cấp ủy đảng còn mang tính hình thức, nhận xét góp ý chung chung hoặc chỉ một chiều ca ngợi vì ngại va chạm, trong khi đó bên trong ngày càng xuất hiện mầm mống mất dân chủ, cục bộ, bè phái... dễ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết nội bộ.

Thứ hai là, một bộ phận quần chúng nhân dân không tin tưởng vào việc tiếp nhận, xử lý ý kiến, kiến nghị của mình đối với tổ chức, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cho nên dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp và kéo dài, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi, sử dụng đất. Bên cạnh đó, cũng còn không ít vụ việc khiếu kiện vượt cấp, đơn thư nặc danh tố cáo tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên gây nhiều luồng dư luận trái chiều, đúng sai không rõ và không được giải quyết triệt để. Cả hai mặt tiêu cực này đều do việc lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; công tác tuyên truyền, vận động, giám sát của Mặt trận và các đoàn thể chưa tốt. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thiếu khách quan hoặc bị các “nhóm lợi ích” thao túng trong xử lý vụ việc, không bảo vệ người dũng cảm đấu tranh, phê bình, tố cáo đúng hoặc chưa có giải pháp mạnh mẽ giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện, góp ý phê bình xuất phát từ những động cơ tiêu cực, bị kẻ xấu lợi dụng; Mặt trận và đoàn thể chưa làm tốt vai trò là chỗ dựa để quần chúng nhân dân thực hiện phê bình, góp ý và giám sát cán bộ, đảng viên hoặc chưa tuyên truyền, giải thích, đấu tranh để những người khiếu kiện, viết đơn thư tố cáo chưa đúng hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật.

Do đó, để nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát của mình trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), trước hết các tổ chức, cấp ủy đảng và hệ thống chính trị phải làm cho nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tính cấp bách của nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay; tính quyết liệt của việc ngăn chặn, đẩy lùi 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đã nêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng cách: hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình” để quần chúng nhân dân tin tưởng và thực hiện việc phê bình, góp ý kiến xây dựng Đảng với tất cả tấm lòng, trách nhiệm của mình.

Muốn nhân dân tin vào Đảng và nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay thì cấp ủy, tổ chức đảng phải khắc phục cho được những suy thoái trong tổ chức, cấp ủy của mình đã được chỉ ra. Các tổ chức, cấp ủy đảng cần thẳng thắn nhìn nhận những kết quả đạt được, rút ra những bài học trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư4, (khóa XI) về xây dựng Đảng để có biện pháp đúng đắn, khả thi trong triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, (khóa XII); phải chỉ ra được những vấn đề, vụ việc cụ thể mà cá nhân, tập thể đã vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm cùng với phương pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa cụ thể, không đánh giá chung chung, mơ hồ, không rõ địa chỉ.

Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần tạo cơ chế thật sự để nhân dân thực hiện quyền giám sát. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật để nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và đoàn thể của mình giám sát hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện: “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên”. Quá trình thực hiện nhiệm vụ có sơ kết, tổng kết, điều chỉnh, bổ sung giải pháp phù hợp tình hình, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị và coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền mỗi cấp.

MTTQVN và các đoàn thể nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của MTTQVN thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) được ban hành tại Hội nghị lần thứ 6 Ủy ban Trung ương MTTQVN khóa VIII, trong đó việc tổ chức để nhân dân thực hiện giám sát và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ủy ban MTTQVN và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp thực hiện nghiêm túc định kỳ và đột xuất tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp thông tin, ý kiến của nhân dân phản ánh, kiến nghị về những nội dung liên quan đến suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên để kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý và báo cáo kết quả thực hiện cho nhân dân biết. Không thể xem nhẹ hiệu quả phối hợp với báo chí trong giám sát, đấu tranh ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Triển khai có hiệu quả Giải báo chí Toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Ủy ban MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp triển khai giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng trên cơ sở các nội dung đã thống nhất với Chính phủ về hoạt động giám sát giai đoạn 2016 - 2020, từ các nhu cầu mới của thực tiễn năm 2016 - 2017 và tình hình thực tiễn các địa phương.

Cần đẩy mạnh thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội để vừa đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng “lợi ích nhóm”, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước (ngoại trừ những điều thuộc an ninh - quốc phòng, bí mật quốc gia). Đồng thời thực hiện ngay việc “Xây dựng và thực hiện Quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; có hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp”.

Thực hiện phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) của Đảng là nâng cao sự vững mạnh của các tổ chức, cấp ủy đảng, củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.

Theo nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc