Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
EmailPrintAa
16:29 19/06/2018

Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ (CTCB) là vấn đề được Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đặc biệt quan tâm khi đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Quyền lực trong CTCB nằm ở hai chủ thể: Quyền lực của cơ quan quản lý cán bộ và quyền lực của người cán bộ có thẩm quyền trong CTCB. CTCB là của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là của cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền. Về nguyên tắc, CTCB là của tập thể lãnh đạo; cá nhân, kể cả người đứng đầu cấp ủy đảng không có quyền quyết định, nhưng với chức trách, thẩm quyền nhất định của thành viên trong tập thể lãnh đạo, sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong CTCB vẫn có thể xảy ra, nhất là ở người đứng đầu tập thể lãnh đạo.

Các dạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong CTCB thường xảy ra, như: Sử dụng thẩm quyền của người đứng đầu để lợi dụng cơ chế tập thể, hợp lý hóa ý đồ cá nhân về CTCB; Lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm cố ý làm trái trong tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, nhận xét, quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, bầu cử, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ… thiếu công tâm, khách quan, chuẩn xác, không bảo đảm quy trình, thủ tục, thậm chí trái quy định. Tác động, can thiệp, yêu cầu đối tượng tiếp nhận người thân trong gia đình vào làm việc; được nâng lương, đề bạt, bầu, bổ nhiệm trái quy định, không đúng tiêu chuẩn, hoặc được đi tham quan, học tập không đúng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Lợi dụng vị trí, vai trò, thẩm quyền của mình “gợi ý” đối tượng thuộc quyền lãnh đạo, quản lý để vụ lợi; nhận hoặc gợi ý đối tượng tài trợ tiền, tài sản để chạy chức, chạy quyền; yêu cầu hoặc gợi ý đối tượng cho vay, mượn tiền, tài sản dưới mọi hình thức trái quy định; nhận các giá trị vật chất, tinh thần của đối tượng trái quy định.  Chỉ đạo cấp dưới thực hiện hoặc không thực hiện chức trách nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong CTCB để nâng đỡ, hoặc trù dập đối tượng trái nguyên tắc, quy định của Đảng và Nhà nước…

Những biểu hiện lạm quyền, lộng quyền trên là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực, yếu kém trong CTCB, mà Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ: “…Việc  sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình, nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu" xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực”.

Để xảy ra tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong CTCB có nhiều nguyên nhân, trong đó việc kiểm soát quyền lực trong CTCB còn những thiếu sót, hạn chế, chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu. Thể chế CTCB còn những bất cập, sơ hở cho kiểm soát quyền lực. Một số quy định chưa thật chặt chẽ trong quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ đã bị lợi dụng khá phổ biến, dẫn đến tình trạng “đúng quy trình” nhưng không đúng người xảy ra ở không ít nơi, gây bức xúc dư luận trong những năm qua.

Việc kiểm soát quyền lực của cấp trên đối với cấp dưới còn lỏng lẻo, thiếu thường xuyên, trong khi kiểm soát của cấp dưới, của nhân dân chưa thật sự hiệu lực, hiệu quả. Kiểm soát bên trong tổ chức bị suy yếu, không ít tập thể lãnh đạo, như ban thường vụ cấp ủy mất sức chiến đấu, bị người đứng đầu thao túng trong CTCB. Một số chế tài xử lý khi có lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong CTCB còn thiếu cụ thể, mạnh mẽ, nên chưa phát huy tác dụng ngăn chặn, răn đe; thường đến khi gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng mới có thể xử lý được.

Cơ quan chuyên trách kiểm soát quyền lực nói chung, kiểm soát quyền lực trong CTCB nói riêng chưa đủ mạnh, cũng tạo ra những sơ hở, bất cập cho kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu.

Sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong CTCB thường đi liền với tham nhũng. Đặc biệt, tham nhũng trong CTCB rất nguy hiểm, vì quy mô gây tổn hại về kinh tế cho xã hội không thua kém tham nhũng trong kinh tế, nhưng đặc biệt nguy hại vì nó phá hoại đường lối CTCB, đường lối xây dựng Đảng, xây dựng chế độ mới của Đảng, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ - “cái gốc” của mọi công việc. Chính vì vậy, để chống tham nhũng trong CTCB phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong CTCB.

Để thực hiện được điều này, cần có cơ chế kiểm soát đa chiều: Kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm; kiểm soát bên trong của tổ chức kết hợp kiểm soát bên ngoài của nhân dân, xã hội; kiểm soát của bên trên đối với bên dưới, kết hợp với kiểm soát của bên dưới đối với bên trên; kiểm soát trong Đảng, đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị; trong mọi tổ chức của xã hội. Kiểm soát của tổ chức thúc đẩy sự tự kiểm soát của cá nhân cán bộ; kiểm soát của cơ quan chuyên trách việc kiểm soát quyền lực kết hợp với cơ quan không chuyên trách; kiểm soát của cơ quan quyền lực kết hợp với kiểm soát của cơ quan báo chí, dư luận…

Trước hết, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về kiểm soát quyền lực trong CTCB.  Kiểm soát quyền lực đã đến lúc phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và chế độ mới, gắn liền với cuộc đấu tranh chống suy thoái, tham nhũng, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Đồng thời, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện, tự quản lý, kiểm soát chính mình trước những tham vọng quyền lực và cám dỗ lợi ích vật chất. Tổ chức đảng có trách nhiệm thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, khuyến khích tự tu dưỡng, rèn luyện, tự quản lý, kiểm soát chính mình trước những tham vọng, cám dỗ của quyền lực.

Cần quy định chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy trình CTCB; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong CTCB. Xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong CTCB theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Điều chỉnh các quy định, quy chế CTCB, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá, lựa chọn, giới thiệu, bố trí sử dụng, bổ nhiệm cán bộ theo hướng coi trọng đánh giá, lựa chọn của cấp trưởng đối với cấp phó; coi trọng đánh giá của người đứng đầu đối với thủ trưởng các đơn vị trực thuộc. Nghiên cứu, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các khâu khác của CTCB, trong quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền trong CTCB. Phải thiết lập đồng bộ cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong và bên ngoài. Bên trong cần bảo đảm hiệu lực kiểm soát của tập thể lãnh đạo cùng cấp thông qua chế độ chất vấn và bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với người đứng đầu; cấp trên có quyền đình chỉ tư cách của người đứng đầu cấp dưới khi phát hiện sai phạm nghiêm trọng trong CTCB. Cơ quan tổ chức cấp trên có cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên CTCB thuộc trách nhiệm người đứng đầu. Bên ngoài cần thiết lập cơ chế để nhân dân và báo chí giám sát người đứng đầu thuận tiện, hiệu lực, kịp thời.

Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong CTCB, nhất là trong các khâu tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Dân chủ, công khai, minh bạch là hết sức quan trọng để kiểm soát quyền lực trong CTCB. Cần quy định rõ tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trong hệ thống chính trị có tính định lượng cụ thể để tạo ra sự công khai, minh bạch, để có cơ sở giám sát, kiểm tra. Đổi mới mạnh mẽ cách đánh giá, bổ nhiệm, bầu cử, giới thiệu bầu cử theo hướng dân chủ thật sự. Trong bổ nhiệm, bầu cử, giới thiệu bầu cử cần thực hiện chế độ bắt buộc có ít nhất hai ứng cử viên trở lên cho mỗi chức danh. Xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm của người giới thiệu bổ nhiệm cán bộ, nếu giới thiệu đúng sẽ có chế độ khen thưởng và ngược lại nếu giới thiệu bổ nhiệm sai thì phải xem xét trách nhiệm. Thực hiện việc giới thiệu bổ nhiệm cán bộ bằng văn bản và quy định việc chịu trách nhiệm về người mà mình giới thiệu.

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát CTCB và cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi sai trái, lạm quyền trong CTCB.  Tiếp tục đồng bộ hóa các quy định của Đảng, Nhà nước về kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm, nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực và triển khai thực hiện nghiêm túc. Thực hiện chế độ cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ; giám sát từ dưới lên, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức, giám sát của nhân dân. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong CTCB, hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Kịp thời hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về CTCB; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm". Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp lạm dụng quyền lực để răn đe các ý đồ lạm dụng quyền lực.

Chú trọng thiết lập cơ quan kiểm soát quyền lực đủ mạnh. Quyền lực phải được kiểm soát bằng chính quyền lực. Nếu không có cơ quan kiểm soát quyền lực thì rất nguy hiểm khi mà người đứng đầu lộng quyền, tha hóa. Cơ quan kiểm tra, thanh tra phải có tính độc lập và đủ thẩm quyền để kiểm soát quyền lực trong CTCB.

Nguồn: PGS, TS Nguyễn Văn Giang, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc