Tiếp tục đề xuất giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
EmailPrintAa
14:14 11/11/2019

Ngày 9-11-2019, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ". Các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; PGS. TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các ban đảng Trung ương đến dự.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy; các đồng chí là trưởng ban tổ chức, phó trưởng ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; thành viên Ban soạn thảo đề tài, Văn phòng và lãnh đạo, chuyên viên Vụ Địa phương III, Ban Tổ chức Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, trong những năm qua, nhất là từ Đại hội XII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác cán bộ; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều nghị quyết, quy chế, quy định để chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, khách quan, đẩy mạnh phân công, phân cấp và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm. Nhờ đó, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đã có chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, ngăn chặn và khắc phục được nhiều sơ hở, yếu kém, tiêu cực trong công tác cán bộ... Tuy nhiên, tình trạng chạy chức, chạy quyền và tiêu cực khác trong công tác cán bộ thời gian qua còn xảy ra ở một số cấp, ngành nhưng chậm được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thiếu cơ chế, biện pháp hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ. Với mục tiêu, xác định cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc tham mưu chủ trương, chính sách về vấn đề này, Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu Đề tài "Nghiên cứu giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ".

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Hội thảo khoa học "Thực trang và giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ" tổ chức trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Quy định ra đời tiếp tục khẳng định công tác tham mưu của Ban Tổ chức Trung ương đã bám sát thực tiễn công tác cán bộ, đồng thời khẳng định nghiên cứu của Ban Chủ nhiệm đề tài đã bước đầu có sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát quyền lực nói chung, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói riêng là rất rộng lớn, luôn có tính thời sự, tính thực tiễn, do đó, phải được nghiên cứu một cách thấu đáo, gắn với thực tiễn. Tại Hội thảo này, Ban Tổ Trung ương và các cơ quan liên quan mong muốn sẽ tiếp thu những ý kiến quý báu, những giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng của 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, nhằm đưa Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống và kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung các nội dung mà các văn bản, quy định của Đảng chưa bao quát hết vấn đề này.

Đề dẫn do đồng chí Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài "Nghiên cứu giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ" và các ý kiến tham luận tại hội thảo tập trung vào những vấn đề cốt lõi của các cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Trong đó, Ban Chủ nhiệm đề tài đề xuất 4 nhóm giải pháp, bao gồm công tác chính trị, tư tưởng; xây dựng thể chế, cơ chế; kiểm tra, giám sát; xử lý trách nhiệm trong công tác cán bộ. Đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy đề xuất nhiều giải pháp kiểm soát quyền lực theo chuyên đề, như kiểm soát quyền lực trong đánh giá cán bộ; trong công tác tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển và phân cấp cán bộ; trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm cán bộ.

Để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, các đại biểu đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới đáng chú ý. Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với việc phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự giác chấp hành các nghị quyết, quy định của Đảng về công tác cán bộ, bảo đảm đúng quy định, chặt chẽ, tránh tình trạng chạy chức, chạy quyền. Hai là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ; quán triệt, triển khai, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và phòng, chống chạy chức, chạy quyền. Ba là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, phù hợp với thực tiễn. Quy chế làm việc của cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quy định rõ, cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ. Trong tổ chức thực hiện phải công khai, minh bạch, tiêu chuẩn, quy định, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Bốn là, tiếp tục thực hiện bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng thực chất; tăng cường công tác quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, tập trung vào những vị trí, lĩnh vực nhạy cảm; tập trung khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng quyền lực để thực hiện hành vi sai trái trong công tác cán bộ. Sáu là, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong giám sát cán bộ, nhất là giám sát quyền lực trong công tác cán bộ. Có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với công tác cán bộ; kịp thời giải quyết các đơn thư tố cáo về công tác cán bộ, đồng thời kiên quyết phê bình, xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên lợi dụng thời điểm thực hiện công tác bộ hoặc chuẩn bị nhân sự đại hội có đơn thư nặc danh làm mất đoàn kết nội bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác cán bộ, nhất là vai trò gương mẫu, công tâm, khách quan của người đứng đầu.

Nguồn: xaydungdang.org.vn


    Ý kiến bạn đọc