Trách nhiệm đảng viên trong tham gia xây dựng văn kiện, nghị quyết của Đảng
EmailPrintAa
16:29 31/10/2019

Thước đo chất lượng các văn kiện, nghị quyết của tổ chức đảng các cấp là ở chỗ sau khi chính thức ban hành có tạo được sự đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân hay không; có đi vào cuộc sống làm chuyển biến tình hình, giải quyết được những vấn đề đặt ra hay không; có bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và lợi ích chính đáng của nhân dân hay không?...

Để các văn kiện, nghị quyết đáp ứng những yêu cầu cơ bản ấy có nhiều việc phải làm, trong đó phát huy vai trò trách nhiệm của đảng viên là nội dung quan trọng có tính quyết định. Thế nhưng, trên thực tế, việc phát huy vai trò trách nhiệm của đảng viên trong nâng cao chất lượng, tầm vóc các văn kiện, nghị quyết của Đảng, bên cạnh mặt tốt vẫn có những vấn đề đặt ra, đặc biệt là tình trạng thiếu ý thức trách nhiệm trong tham gia đóng góp, xây dựng các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Nâng tầm văn kiện của Đảng là đòi hỏi tất yếu

Không ai có thể phủ nhận nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam suốt gần 90 năm qua đó là vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng nhiệm vụ cụ thể, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn lãnh đạo thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đặc biệt, xuất phát từ thực tiễn, trải qua nhiều trăn trở, tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội VI của Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện theo định hướng XHCN. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong sự lãnh đạo của Đảng ta đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, qua hơn 30 năm thực hiện đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Những thành tựu to lớn ấy tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển trong những năm tiếp theo. Đồng thời thành quả đó là cơ sở để khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành quả ấy càng cho thấy rõ hơn chất lượng, tầm vóc các văn kiện, nghị quyết của Đảng ta.

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN.

Thế nhưng bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, thực tế những năm qua cho thấy chất lượng xây dựng các văn kiện, nghị quyết của một số tổ chức đảng, nhất là ở cấp cơ sở chưa sát với tình hình thực tiễn, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, chưa theo kịp những biến chuyển của tình hình nhiệm vụ. Việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn kiện, nghị quyết của Đảng chưa chặt chẽ, còn biểu hiện qua loa, chiếu lệ.  Đặc biệt, tình trạng xây dựng nghị quyết theo kiểu hình thức, sao chép, rập khuôn, chủ quan, xa rời thực tế, duy ý chí.... Vấn đề này cũng đã được Đảng ta nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4, (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và coi đó là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Một trong những nguyên nhân của tồn tại ấy là do không ít đảng viên chưa nhận thức rõ vai trò, thiếu ý thức trách nhiệm trong thảo luận, tham gia đóng góp xây dựng các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Qua kiểm tra công tác xây dựng Đảng nói chung, việc xây dựng các văn kiện, nghị quyết nói riêng tại nhiều tổ chức đảng, các cơ quan chức năng nhận thấy ở một số cơ sở có sự na ná giống nhau giữa các nghị quyết, việc đánh giá tình hình cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực chưa sát thực tế; việc kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết còn chung chung, chưa rõ ràng, có biểu hiện thủ tiêu đấu tranh, bao biện, né tránh khuyết điểm; xác định chỉ tiêu, phương hướng, biện pháp lãnh đạo chưa bám sát chức năng, nhiệm vụ của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị để lựa chọn đúng và trúng nội dung, vừa đảm bảo tính toàn diện, vừa nhấn mạnh những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và chưa cụ thể nên tính khả thi của văn kiện không cao... Trước những đòi hỏi mới của tình hình nhiệm vụ, vấn đề phát huy vai trò trách nhiệm của đảng viên trong xây dựng các văn kiện, nghị quyết của Đảng càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm sao để các văn kiện, nghị quyết của Đảng thực sự là sản phẩm tập thể, thể hiện tầm cao trí tuệ, có cơ sở lý luận và thực tiễn, bám sát hơi thở của cuộc sống, sáng tạo và đổi mới không ngừng. Văn kiện, nghị quyết có tầm cao trí tuệ cũng là giải pháp quan trọng để chúng ta đấu tranh phản bác những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Đề cao trách nhiệm của đảng viên trong xây dựng văn kiện

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị, chúng ta đang tiến hành các khâu, các bước chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, nhất là Đại hội XIII của Đảng. Ý thức rõ tầm quan trọng của công tác chuẩn bị văn kiện, ở cấp Trung ương, thời gian qua, các đoàn công tác Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương để phục vụ cho công tác chuẩn bị văn kiện đại hội. Điều này thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của các thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII, nhằm bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng công việc, chương trình công tác, góp phần nâng cao chất lượng, nâng tầm trí tuệ của các văn kiện, nghị quyết Đại hội XIII. Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua dự thảo các văn kiện Đại hội XIII, để các văn kiện của Đại hội Đảng XIII thực sự là trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các Tiểu ban văn kiện “khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn chỉnh các dự thảo gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến; tổ chức tốt việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện, trình Trung ương xem xét thông qua trong năm 2020, sau đó xin ý kiến nhân dân trước khi trình Đại hội XIII của Đảng”. Như vậy có thể thấy Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương đánh giá rất cao vai trò đặc biệt quan trọng của việc xây dựng dự thảo nội dung các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cũng như dự thảo các văn kiện của đại hội đảng các cấp. Theo đó, không chỉ thể hiện sự tập trung trí tuệ của toàn Đảng mà các văn kiện còn hòa quyện ý Đảng với lòng dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về những chủ trương, đường lối phát triển đất nước cả trước mắt và lâu dài.

Đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương và cơ sở, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, các đảng bộ cũng đang trong quá trình xây dựng báo cáo, các văn kiện. Tham gia xây dựng các văn kiện, nghị quyết vừa là nguyên tắc sinh hoạt Đảng vừa là trách nhiệm của đảng viên. Từ những tồn tại, hạn chế thời gian qua, để nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn kiện, nghị quyết của Đảng đòi hỏi các đảng bộ phải xốc lại tinh thần trách nhiệm của đảng viên trong xây dựng Đảng nói chung và trong xây dựng văn kiện, nghị quyết nói riêng. Để nâng tầm văn kiện, các đảng bộ phải phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ của các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc. Cùng với đó phải trân trọng tiếp thu những ý kiến xác đáng, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, coi trọng lấy ý kiến thông qua hội nghị, hội thảo, phương tiện thông tin đại chúng và các diễn đàn khác phù hợp với từng đối tượng, nhằm tạo cho được sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân trong các văn kiện, nghị quyết. Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, trên tinh thần ấy báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, bao biện, né tránh.

Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thông qua công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội để tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng... Do đó chuẩn bị tốt báo cáo chính trị và các văn kiện khác trình đại hội, đồng thời tổ chức tốt việc thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội là việc làm hết sức quan trọng. Từng đảng viên phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị và lĩnh vực mình phụ trách để đề xuất những nội dung chủ trương, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để tạo sự chuyển biến. Để làm được như vậy các đảng viên phải bám sát cơ sở, chống bệnh quan liêu, xa rời thực tiễn... Làm được như vậy chính là đảng viên đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong xây dựng các văn kiện, nghị quyết của Đảng.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc