Trách nhiệm người đề cử, tiến cử cán bộ
EmailPrintAa
16:14 13/05/2020

Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Phải "có con mắt tinh đời" trong đánh giá, lựa chọn, giới thiệu cán bộ. Muốn thế, phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan...

Tinh thần này tiếp tục được khẳng định trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XII và được Trung ương bày tỏ sự đồng thuận, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao.

Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, từ thời phong kiến, các vương triều đã quy định người tiến cử phải có trách nhiệm với người được tiến cử. Khi người được tiến cử lập công trạng thì người tiến cử cũng được hưởng vinh quang. Ngược lại, nếu tiến cử sai, làm nguy hại đến lợi ích chung thì phải cùng chịu tội. Từ khi có Đảng ta, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Bác Hồ, Trung ương qua các thời kỳ cách mạng đã làm tốt việc tiến cử, chiêu mộ hiền tài, gắn chặt với trách nhiệm người đứng đầu ở mỗi cấp. Thế nhưng, công bằng mà nói, thời gian qua, phần việc này ở nhiều nơi vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Có không ít trường hợp, công tác cán bộ (CTCB) tuy được làm đúng quy trình nhưng lại giới thiệu nhầm người, sai người, để lại những hậu quả khôn lường. Thậm chí, có những cá nhân đã “trèo rất cao, chui rất sâu” rồi mới bị tổ chức phát hiện có nhiều vi phạm, khuyết điểm từ trước. Hệ lụy để lại cho tổ chức là rất nặng nề, nhưng việc truy xét trách nhiệm, chịu kỷ luật liên đới đối với người đề cử, tiến cử (ĐCTC) cán bộ chưa được xem xét thỏa đáng.

Theo nghĩa đơn thuần nhất, mọi cán bộ, đảng viên đều phải chịu trách nhiệm trước mỗi hành động của mình, huống chi đây là CTCB-việc hệ trọng bậc nhất của Đảng. Có lẽ, "lỗ hổng" trong phần việc này nằm ở chỗ, chúng ta chưa có cơ chế, quy định để tách bạch rõ ràng trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể đối với công tác tiến cử, đề cử cán bộ. Có nghĩa, khi cán bộ được giới thiệu không đủ phẩm chất, năng lực thì trách nhiệm thường thuộc về tập thể cấp ủy giới thiệu, chứ chưa truy xét đến cùng trách nhiệm đối với từng cá nhân cụ thể, mà trước tiên là trách nhiệm của người ĐCTC nhân sự.

Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Vì lẽ đó, điểm mấu chốt để tìm “hiền tài” cho Đảng là phải tách bạch được trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm tập thể và có cơ chế ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm người ĐCTC cán bộ. Nếu cán bộ có tiêu cực, vi phạm thì người trực tiếp ĐCTC cán bộ đó phải chịu trách nhiệm cao nhất, lớn nhất trước Đảng và nhân dân. Bởi hơn ai hết, chính người ĐCTC phải nắm chắc lý lịch, phẩm chất, năng lực của người được ĐCTC; không thể giới thiệu một cách hời hợt, thậm chí biết yếu kém nhưng vẫn ĐCTC vì thân hữu, vì dính vào vấn nạn mua-bán chức quyền.

Việc Trung ương đề ra chủ trương gắn trách nhiệm người ĐCTC cán bộ là rất đúng, là vấn đề có tính cấp thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, để phát hiện, chọn lọc, giới thiệu, đề cử những người thật sự có đức-tài vào hàng ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, sắp tới Trung ương và từng cấp cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về trách nhiệm giới thiệu, đề cử cán bộ cho Đảng và hệ thống chính trị. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện các quy định, quy chế liên quan đến việc thực hiện giới thiệu, ĐCTC cán bộ; phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức, đảng viên trong việc thực hiện ĐCTC cán bộ.

Rõ ràng, cán bộ, đảng viên, quần chúng đang rất kỳ vọng về Hội nghị Trung ương lần thứ 12, khóa XII, đồng thời mong muốn các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng không ngừng “tự soi” lại mình. Vừa thẩm định cán bộ giới thiệu ở cấp mình cho Trung ương, vừa đề cao tính phát hiện, đấu tranh với mọi biểu hiện tiêu cực trong CTCB; kiên quyết không bỏ sót nhân tài, cũng không để lọt những cá nhân cơ hội, thiếu tiêu chuẩn vào Trung ương và các vị trí lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc