Xây dựng Đảng về đạo đức
EmailPrintAa
16:37 19/09/2016

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh công tác xây dựng đảng về đạo đức là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm 2016-2020: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Đạo đức là những chuẩn mực giá trị được hình thành một cách khách quan trong xã hội, có tác dụng chi phối hành vi của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc của người cách mạng. Bác khẳng định con người không có đạo đức thì không làm nổi việc gì; làm cách mạng là công việc to tát, nếu không có đạo đức thì làm sao làm nổi; làm sao lãnh đạo được nhân dân. Về tổ chức, Bác Hồ dạy, Đảng ta là đạo đức, là văn minh và phải là Đảng đạo đức, Đảng văn minh. Như vậy, vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng phải coi là vấn đề rất quan trọng, phải được quan tâm đúng mức trong mọi giai đoạn cách mạng.

Thực tế hiện nay, nền kinh tế thị trường đã tác động tích cả cực lẫn tiêu cực vào đời sống xã hội, vào đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiền bạc, chức quyền, danh lợi cùng với chủ nghĩa cá nhân đã xâm nhập, thẩm thấu vào các quan hệ giữa con người với tổ chức. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã bộc lộ một cách nghiêm trọng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao. Quan liêu, xa dân, thói vô trách nhiệm, thậm chí cả thói vô cảm đã ở mức độ nặng nề. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, với những mức độ, hậu quả khác nhau. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Thực trạng này đang đe dọa tới sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ như Đảng đã cảnh báo. Đây là vấn đề cấp bách trong Đảng hiện nay. 

Suy thoái đạo đức, lối sống tất yếu đi liền với những biến dạng, tha hóa về động cơ chính trị, về lý tưởng cách mạng. Nó cũng đi liền với suy thoái tư tưởng, chính trị, sự yếu kém, rệu rã về tổ chức. Lãnh đạo mà hách dịch, cầm quyền mà xa dân, nhũng nhiễu quần chúng cũng tất yếu dẫn đến sự suy thoái như vậy. Sự mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, làm lung lay, phai mờ mối quan hệ mật thiết giữa dân với Đảng sẽ là nguy cơ tan rã Đảng. Đó chính là những biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức, đặc biệt là đạo đức trong cán bộ, đảng viên, nhất là trong cán bộ, đảng viên ở cấp chiến lược. Bài học phải trả giá từ sự sụp đổ Liên Xô và hệ thống các nước XHCN Đông Âu là sự suy thoái trầm trọng của đạo đức, sự phát triển yếu ớt của dân chủ, sự thiếu vắng trách nhiệm, lảng tránh trách nhiệm khi cầm quyền. 

Trong Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII đã nhấn mạnh: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”. Một lần nữa, đạo đức lại được đặt ở vị trí ngang hàng với chính trị tư tưởng và tổ chức, điều này đã chứng tỏ vị trí, vai trò quan trọng của đạo đức trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Theo quan điểm của Đảng, xây dựng đảng về đạo đức là một yếu tố cấu thành nên nội dung công tác xây dựng đảng, đồng thời là cơ sở bảo đảm đạo đức cho xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức là cái cốt của xây dựng Đảng về văn hóa, là nền tảng tinh thần của Đảng. Trong đó đạo đức sẽ được thể hiện trong văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử trong Đảng, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đảng viên với đảng viên, đảng viên với quần chúng nhân dân.

Đạo đức cùng với năng lực tạo nên nhân cách của mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên. Trong mỗi tổ chức đảng và trong toàn Đảng, nhân cách của từng đảng viên, của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy phản ánh diện mạo đạo đức, nhân cách của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên rằng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ tầm quan trọng của đạo đức, coi đó là đặc trưng bản chất của một chính đảng cách mạng.

Trong Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên căn dặn "mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư". Và, để "giữ gìn Đảng ta thật trong sạch", "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng" cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và coi đó là "một việc hết sức quan trọng và rất cần thiết".

Trước những yêu cầu của thực tiễn, xin nêu một số nội dung cần quan tâm:

Thứ nhất, đạo đức trong Đảng, đó là đạo đức trong sáng, lành mạnh, là đạo đức cách mạng, lý tưởng lớn lao cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được xây dựng là yếu tố đầu tiên, yếu tố nền móng, quan trọng nhất. Đạo đức không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà phải trở thành ngọn cờ lý luận tiên phong, ăn sâu, thẩm thấm trong toàn Đảng, một nhân tố lớn lao đủ sức mạnh lấn át mọi kẻ thù trong lý trí, lấn át và hủy diệt các yếu tố quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham ô, tham nhũng, giết chết chủ nghĩa cơ hội, xét lại và mọi cám dỗ của các thế lực thù địch. Một khi đã xây dựng được lý luận về đạo đức trong toàn Đảng, sẽ làm cho tư tưởng trở nên trong sáng, khách quan, trở thành chân lý sáng ngời. Chân lý sẽ là thước đo cho đại cục và đạo lý làm người. Đó là mọi lợi ích là của dân, vì dân và do dân, vì cộng đồng và vì toàn dân tộc.

Thứ hai, phải đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức trong nội dung, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để xây dựng được xã hội mới trên đất nước ta, không thể chỉ quan tâm đến xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của xã hội mới, dù rằng đấy là cái chúng ta đang rất thiếu, mà xao nhãng việc xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần, văn hóa của xã hội. Ngoài ra xây dựng Đảng về đạo đức phải thường xuyên, phải quy định thành trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp, tạo chuyển biến thực sự trong Đảng, đủ sức phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã chỉ ra.

Thứ ba, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; học tập và làm theo Bác gắn với xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân phải trở thành một nhu cầu văn hóa, phải có nhận thức đúng, toàn diện về di sản Hồ Chí Minh gắn liền tư tưởng với đạo đức và phong cách của Người.

Thứ tư, tiếp tục  thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vì đây chính là một nhân tố quan trọng góp phần củng cố, nâng cao và thống nhất nhận thức tư tưởng trong Đảng về công tác xây dựng đảng nói chung và xây dựng đảng về đạo đức nói riêng.

Thứ năm, xây dựng Đảng về đạo đức cần chú trọng sự kết hợp giữa giáo dục nhận thức với rèn luyện lập trường quan điểm, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, tình cảm cách mạng trong sáng, hình thành niềm tin khoa học và thực hành đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong từng tổ chức đảng và trong toàn Đảng. Đề cao trách nhiệm chính trị và trách nhiệm đạo đức của cấp ủy, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và đoàn thể. Xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, tổ chức thông qua thực hành đạo đức, thực hành dân chủ trong toàn đảng, thực hành tự phê bình và phê bình, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân về xây dựng Đảng, thực hiện sự giám sát, kiểm tra của quần chúng nhân dân đối với tổ chức đảng và các cán bộ, đảng viên.

-------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, 2016.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.12. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.

3. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014.

4. GS, TS. Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương, Xây dựng Đảng về đạo đức, Tạp chí Xây dựng Đảng, 2015.

Theo Ths. Dương Quốc Thành; ThS. Đỗ Thị Phương Thanh/xaydungdang.org.vn


    Ý kiến bạn đọc