Đại biểu tham gia thảo luận |
Đại biểu dự thảo luận đánh giá cao tầm quan trọng và sự cần thiết của các nghị quyết. Trước khi ra đời nghị quyết số 18-NQ/TW thì Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên mạnh dạn thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tỉnh đã tiến hành sáp nhập Chi cục Lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm; giải thể, sáp nhập, hợp nhất 144 đơn vị sự nghiệp (trong đó giảm 99 trường học) và 40 ban quản lý dự án. Chuyển sang hoạt động tự đảm bảo kinh phí một phần 10 đơn vị; chuyển sang hoạt động tự chủ 100% kinh phí 2 đơn vị. Giải quyết 66 trường hợp công chức, viên chức dôi dư sau sáp nhập, giải thể, hợp nhất các đơn vị. Đặc biệt là giai đoạn thực hiện Kết luận 05-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Hà Tĩnh tiếp tục đạt nhiều kết quả trong sắp xếp, tổ chức bộ máy. Thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và 5 trung tâm hành chính công cấp huyện (Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh); thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh. Đối với các cơ quan hành chính, qua sắp xếp bộ máy, đã giảm 11 phòng chuyên môn ở các sở, ngành; cơ cấu tổ chức phòng chuyên môn của các sở, ban, ngành cấp tỉnh giảm 17 phòng… Đa số đại biểu đồng tình với ý kiến: Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn theo Nghị quyết số 18 là việc làm cần thiết. Nhưng cải cách bộ máy phải thực sự làm sao để hoạt động hiệu lực, hiệu quảhơn, nâng cao chất lượng. Cần gắn liền với nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ và cải cách thủ tục hành chính. Các đại biểu cũng đề nghị tỉnh sớm có chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy các địa phương để các ngành dựa vào đó xây dựng kế hoạch hành động hợp lý; xây dựng đề án chi tiết cụ thể về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học...
Với nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều đại biểu nêu ý kiến: Giảm 10% các chỉ tiêu, nhưng không giảm bình quân, có ngành giảm nhiều, ngành giảm ít tùy theo tính chất công việc. Một số ý kiến băn khoăn: Nếu giữ nguyên các trường THPT thì sẽ thu hút 80% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, nhưng không phân luồng được học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Bao nhiêu trường phải đưa ra khỏi công lập sẽ phù hợp? Hiện nay toàn tỉnh có 34 đơn vị giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 12 Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề), khi thực hiện tinh giảm bộ máy, cả tỉnh sẽ còn một đầu mối giáo dục nghề nghiệp, trường nào sẽ trở thành vệ tinh? Về tách mạng lưới y tế trường học, nếu trong một xã có 04 trường (từ mầm non đến THPT) thì trạm y tế phải như thế nào để đảm bảo y tế học đường? Theo lộ trình, Bệnh viện Lao đến năm 2030 hết nhiệm vụ, phương án sắp xếp sẽ như thế nào?. Về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân (Nghị quyết số 20) có đại biểu thẳng thắn phản ánh Bệnh viện Tâm thần chưa đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh của người dân, vậy thời gian tới có cách gì để phát huy, hướng xử lý ra sao? Đại biểu cũng nêu lên những khó khăn trong cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, cắt giảm đầu mối ngành y. Đối với Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới, đồng chí Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Hà Tĩnh vẫn là tỉnh có mức sinh cao, tốc độ già hóa dân số nhanh (trên 65 tuổi chiếm 11%, dưới 15 tuổi chiếm 22,8%)....
Phát biểu tại buổi thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khẳng định vai trò quan trọng của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Đồng chí đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu. Các ý kiến thể hiện rõ nhận thức về học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình tổ chức thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế tại cơ quan, đơn vị theo Kết luận số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai sâu rộng việc nghiên cứu học tập, quán triệt nội dung nghị quyết; xây dựng chương trình hành động cụ thể; phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng theo hướng: Một người có thể làm nhiều việc, một việc phải có người chịu trách nhiệm chính, một cơ quan phải chịu trách nhiệm nhiều việc nhưng một việc thì chỉ do một cơ quan chịu trách nhiệm chính.
Đồng chí nhấn mạnh: Cái nào đúng, thực tiễn đòi hỏi làm thì làm ngay, nội dung nào còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục thảo luận, bàn bạc kỹ. Mỗi cơ quan đơn vị phải xây dựng chương trình hành động cụ thể, chọn đơn vị làm điểm, giao nhiệm vụ cụ thể; đổi mới bộ máy từ bên trong đến bên ngoài, gắn với đổi mới phương thức quản lý, phân cấp quản lý rõ ràng. Đây là việc lớn và khó, dễ động chạm tới nhiều người, nhưng phải làm, vì làm sẽ có lợi; phải hết sức thận trọng, tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả. Không máy móc, lấy hiệu quả làm thước đo. Xây dựng tổ chức bộ máy phải có lộ trình, hết sức thận trọng, mỗi tổ chức Đảng, đơn vị hết sức quan tâm để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Dương Trí Thức - Hội Nông dân tỉnh
Tin mới cập nhật
- Tổ chức thành công Đại hội Chi đoàn Văn phòng và các ban Đảng Cơ quan Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2024 - 2027 ( 14/08)
- Đảng ủy Quân sự tỉnh tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2023 ( 11/01)
- Công đoàn cơ sở Văn phòng Tỉnh ủy: Dấu ấn một nhiệm kỳ ( 18/04)
- Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh chuyển giao tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ( 09/02)
- Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh: Tổng kết đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2022 - 2025 ( 26/10)
- Tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng cho đội ngũ cán bộ thuộc Đảng Bộ đội Biên phòng tỉnh ( 13/09)