Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh
EmailPrintAa
10:49 22/09/2017

Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh có 66 tổ chức cơ sở đảng, 325 chi bộ (trong đó 298 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở) với trên 4.000 đảng viên. Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tập trung chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đã đạt được những kết quả tích cực.
 
Tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ năm 2014  

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/ĐUK, ngày 18/12/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối “Về tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và chủ trương sử dụng sổ tay “Làm theo gương Bác”, các chi bộ duy trì nền nếp sinh hoạt thường kỳ 01 lần/tháng, thời gian sinh hoạt từ ngày 04 - 06 hằng tháng hoặc sau lễ chào cờ đầu tháng.

Nội dung sinh hoạt, chú trọng công tác chính trị tư tưởng gắn với nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trao đổi, thảo luận nhiệm vụ chuyên môn… Tỷ lệ chuyên đề về nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chiếm 60%; chuyên đề về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chiếm 20%; chuyên đề khác chiếm 20%.Nhiều chi bộ có cách làm hay, sinh động; thực hiện tốt việc sử dụng Sổ tay “Làm theo gương Bác” qua đó tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa”.

Nhận thức của cấp ủy và đảng viên về tầm quan trọng của việc sinh hoạt chi bộ được nâng lên rõ rệt. Qua sinh hoạt chi bộ góp phần tăng cường đoàn kết nội bộ, thống nhất, phát huy dân chủ; cán bộ, đảng viên giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, giữ gìn đạo đức lối sống; kỷ luật, kỷ cương hành chính được thực hiện nghiêm; phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng sinh hoạt chi bộ ở một số đơn vị vẫn còn hạn chế, như: Nội dung sinh hoạt nặng về nhiệm vụ chuyên môn, chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng. Việc nắm tình hình và diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên thiếu kịp thời, định hướng thông tin chưa đầy đủ. Việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt còn yếu, nhất là ở các đồng chí đảng viên trẻ. Một số đồng chí chủ trì còn lúng túng trong điều hành sinh hoạt, gợi mở thảo luận, nhiều vấn đề chưa lấy biểu quyết, ban hành nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ, Ban Thường Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 02/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương “Về nội dung sinh hoạt chi bộ”; Nghị quyết số 11-NQ/ĐUK, ngày 18/12/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “Tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 10-NQ/ĐUK, ngày 29/10/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên”.

Hai là, chỉ đạo, định hướng nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ tùy theo nhiệm vụ chính trị và đặc điểm tình hình; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho các chi bộ để tổ chức sinh hoạt. Hằng tháng, tổ chức sinh hoạt cấp ủy, triển khai nhiệm vụ đến các chi bộ trực thuộc; phân công cấp ủy viên, lãnh đạo chuyên môn dự sinh hoạt với chi bộ.

Ba là, chi ủy, trước hết là bí thư chi bộ phải chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt, thông báo trước nội dung, thời gian địa điểm để đảng viên chủ động bố trí thời gian dự, chuẩn bị ý kiến phát biểu. Nội dung sinh hoạt chi bộ phải đảm bảo tính lãnh đạo toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó chọn những việc cụ thể, thiết thực, liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ và quyền lợi của đảng viên, quần chúng, nhất là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để đưa ra thảo luận, bàn biện pháp khắc phục.

Bốn là, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình. Chủ trì phải linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; trong thảo luận phải thật sự phát huy dân chủ, tạo được không khí đoàn kết, thẳng thắn, cởi mở để các đảng viên thể hiện hết ý kiến của mình; biểu dương, động viên những đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhắc nhở, giúp đỡ những đảng viên có mặt hạn chế, khuyết điểm.

Năm là, tổ chức tập huấn, nghiệp vụ công tác xây dựng đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở; kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy, đặc biệt là bí thư chi bộ.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nền nếp chế độ sinh hoạt; phối hợp giữa cấp ủy và chuyên môn bố trí, tạo điều kiện tổ chức sinh hoạt chi bộ đảm bảo thời gian, yêu cầu và chất lượng; đối với các đảng bộ cơ sở cần xây dựng chi bộ mẫu để nhân rộng.

Nguyễn Trọng Vân - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh


    Ý kiến bạn đọc