Cán bộ, công chức học tập và làm theo lời Bác về thực hành dân vận trong tình hình mới
EmailPrintAa
20:26 14/10/2021

Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã vận dụng quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận và thực hành dân vận “Dân vận kém việc gì cũng kém. Dân vận khéo việc gì cũng thành công!”. Hệ thống chính trị các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần quan trọng trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng.

Đồng chí Trương Thanh Huyền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tặng quà, chúc Tết cụ Nguyễn Thị Em, sinh năm 1921, thân nhân liệt sỹ, thôn Văn Xá, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ

Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn yêu cầu phát huy cao độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Đồng thời xác định cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt" để Nhân dân làm chủ; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thấm nhuần các quan điểm đó, cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị các cấp, ngành trong toàn tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt về công tác dân vận và thực hành dân vận. Ý thức, trách nhiệm và tác phong, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, quan hệ với Nhân dân có nhiều thay đổi tích cực. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước có nhiều chuyển biến, nhất là cải cách thủ tục hành chính được tăng cường, từng bước chuyển nhận thức từ mệnh lệnh, hành chính sang chính quyền hỗ trợ, phục vụ Nhân dân; xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách phải bàn bạc với Nhân dân, căn cứ trên đại đa số nguyện vọng, lợi ích của Nhân dân. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân ngày càng đi vào nề nếp, thực chất, hiệu quả. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang khẳng định vai trò quan trọng cùng địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, chăm lo quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, xây dựng đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị đã thay đổi theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ cách làm và được thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Điều này được thể hiện qua kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, như: Công tác vận động giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư để triển khai các công trình, dự án trọng điểm; công tác khắc phục sự cố môi trường biển; khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; công tác sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và hiện nay là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công…

Tuy nhiên, có một thực tế là nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị hiện nay về công tác dân vận còn chưa đầy đủ, chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong thực hành dân vận. Nhiều cán bộ cho rằng hoạt động dân vận, chất lượng công tác dân vận do ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quyết định, thực hiện. Hậu quả của nhận thức đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không thực hành công tác dân vận; suy thoái về đạo đức, lối sống; nhũng nhiễu, quan liêu, nói không đi đôi làm… làm mất niềm tin của Nhân dân, gây trở ngại cho việc tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên vi phám pháp luật, quan liêu, lợi ích nhóm rời xa lợi ích Nhân dân, cộng đồng sẽ kéo theo hệ lụy là Nhân dân sẽ không quan tâm đến lợi ích cộng đồng, xã hội, tội phạm, các hoạt động vi phạm pháp luật sẽ gia tăng trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX xác định mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Cụ thể, đến năm 2025 GRDP bình quân đầu người trên 110 đồng; thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 1,5%. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân mỗi năm trên 1,5%. Tối thiểu 95% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định; trên 80% số hộ gia đình có nước thải sinh hoạt được xử lý bằng các biện pháp phù hợp… Có thể thấy, những mục tiêu kinh tế - xã hội mà tỉnh ta đặt ra thể hiện quan điểm gắn bó chặt chẽ giữa vấn đề phát triển kinh tế với phát triển xã hội, lấy Nhân dân làm trọng tâm, nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần của người dân và bảo vệ môi trường.

Trước những mục tiêu nêu trên, một trong giải pháp và nhiệm vụ chiến lược mà Hà Tĩnh đặt ra là xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, phát huy nhân tố con người. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhất là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Để tác động đến tư tưởng, nhận thức, hành vi của người dân, cán bộ đảng viên, người đứng đầu trước hết phải là tấm gương sáng, là người thực hành dân vận tiên phong. Đồng thời, để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang thực hiện tốt công tác dân vận, Đảng ta cần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Các tổ chức Đảng, Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể, mọi cơ quan, nhất là Ban Dân vận các cấp tăng cường nâng cao về lý luận công tác dân vận, về tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh bằng những cách thức đa dạng; tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ dân vận; phát huy vai trò của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội và Nhân dân trong giáo dục, rèn luyện giám sát đạo đức lối sống, tác phong cán bộ công chức, đồng thời thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ công khai, minh bạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ vừa có tài, vừa có tâm cho bộ máy nhà nước. Việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật trong đời sống xã hội, nhất là hệ thống pháp luật liên quan đến đội ngũ cán bộ công chức của Đảng và chính quyền càng phải đảm bảo liêm chính, nghiêm minh. Mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các chiến lược, kế hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án hạ tầng kinh tế kỹ thuật cho công nghiệp hóa và dân sinh đảm bảo có sự tham gia của người dân, đa chiều, cân nhắc toàn diện lợi ích các bên trước mắt và lâu dài.

Khi sự tự ý thức và nhận thức về trách nhiệm thực hành dân vận đạt đến mức độ tự giác, người cán bộ sẽ có những phẩm chất đạo đức “tận hiếu, tận trung” trong quan điểm Hồ Chí Minh, chấp hành tốt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tận tụy thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, không có đất cho chủ nghĩa cá nhân, cho những sai phạm trong quản lý điều hành công việc, phát triển kinh tế xã hội. Cán bộ gương mẫu thực hành dân vận thì dân tin, dân quý và nể phục noi theo, là cơ sở để tạo nên sức mạnh trong thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, hệ thống chính trị các cấp trong toàn tỉnh cần quan tâm thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị", quyết định đã quy định rất cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ chế, phương thức thực hiện công tác dân vận trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đối với công tác dân vận: "Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu có trách nhiệm thực hiện tốt công tác dân vận theo quy định của Đảng và Nhà nước; gương mẫu thực thi công vụ, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân; giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân".

Niềm tin của Nhân dân - cái gốc của sức mạnh đoàn kết toàn dân là nền tảng, là động lực để tạo ra những giá trị gia tăng cho quá trình phát triển. Do vậy, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, cả hệ thống chính trị phải nâng cao nhận thức về công tác dân vận và thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành dân vận để xây dựng, củng cố khối đoàn kết toàn dân.

Chu Thanh Hoài (Ban Dân vận Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc