Xây dựng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ dân vận hiện nay
EmailPrintAa
17:30 01/07/2021

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hành dân vận phải xây dựng được đội ngũ cán bộ dân vận “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ thật thà nhúng tay vào việc” (1).

Trong suốt quá trình lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước, Đảng ta luôn đề ra đường lối chính trị đúng đắn, tổ chức vận động nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra. Trong đó, Đảng luôn đề cao vai trò của công tác dân vận, đồng thời chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận.

Công tác dân vận của Đảng được hiểu là toàn bộ các hoạt động của Đảng nhằm tuyên truyền, vận động, thu hút, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và để chăm lo, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hành dân vận phải xây dựng được đội ngũ cán bộ dân vận “ óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ thật thà nhúng tay vào việc ”. Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác dân vận hiện nay, Đảng ta chỉ rõ công tác dân vận là của cả hệ thống chính trị, trong đó Đảng lãnh đạo, Nhà nước tổ chức thực hiện, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm tham mưu và nòng cốt. Để hiện thực hóa công việc đó, phải chú trọng chăm lo xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ dân vận đủ trình độ, năng lực, đạo đức, uy tín, nhiệt tình và kỹ năng vận động, thuyết phục nhân dân.

Kỹ năng được hiểu là năng lực khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết kiến thức, kinh nghiệm nhằm đạt được kết quả mong đợi. Trong kỹ năng bao gồm: kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc và uy tín của cán bộ. Theo đó, cán bộ làm công tác dân vận phải xây dựng tổng hợp được các kỹ năng để đem lại hiệu quả trong công việc. Cán bộ làm công tác dân vận phải thấu suốt tư tưởng chính trị, đạo đức trong sáng, có chuyên môn, kinh nghiệm sống và nhiệt huyết với công việc; phải thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nghĩa là cán bộ đó phải có bản lĩnh, hiểu biết, nhiệt tình với công việc; là người có uy tín, có khả năng thuyết phục, vận động được mọi người làm theo mình. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhận thức của một số cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò công tác dân vận còn có những hạn chế nhất định. Vậy nên trong chỉ đạo sắp xếp tổ chức, cán bộ làm công tác dân vận có lúc chưa phù hợp, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân vận ít được quan tâm. Bên cạnh đó trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, uy tín, kỹ năng của một số cán bộ dân vận còn kém. Việc nắm, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là địa bàn phức tạp của một số cán bộ dân vận thiếu kỹ năng nên xử lý chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Từ đó dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chưa được như kỳ vọng.

Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy đảng cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận có những kỹ năng sau:

Trước hết , cán bộ dân vận phải luôn nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết của mình để vận dụng sát đúng nghị quyết của các cấp uỷ đảng vào thực tiễn. Đây là yêu cầu rất quan trọng, bởi cán bộ làm công tác dân vận là người tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân hiểu về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quyết sách của chính quyền. Cán bộ dân vận đi tuyên truyền, vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân, đồng thời cũng tham mưu cho cấp ủy đảng để ban hành nghị quyết sát đúng với yêu cầu thực tiễn.

Hai là , cán bộ làm công tác dân vận cần “nhìn cho kỹ, nghĩ cho chín” để xem xét, phán đoán, vận dụng đúng nghị quyết của Đảng, quyết định của chính quyền vào thực tiễn đời sống chính trị, xã hội để vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện. Công việc này đòi hỏi người cán bộ làm công tác dân vận phải nhanh nhạy, sâu sát nhân dân, thường xuyên quan tâm chú đến những diễn biến tốt, xấu nảy sinh trong đời sống xã hội. Qua đó có hình thức, phương pháp, cách thức vận động từng đối tượng phù hợp nhằm đem lại hiệu quả trong công tác vận động nhân dân. Thông qua đó nhằm ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Ba là , cán bộ làm công tác dân vận cần có kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu những kiến nghị của quần chúng nhân dân. Thông qua sự sâu sát, cảm thông, chia sẻ, cán bộ nghe phản ánh những kiến nghị, đề xuất bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân để có phương án phối hợp giải quyết kịp thời, hợp tình, có lý. Một mặt, cán bộ dân vận lắng nghe nhân dân phản ánh về những chủ trương của Đảng, quyết sách của chính quyền; mặt khác cán bộ phải lĩnh hội và có trách nhiệm phản ánh lại với các cấp uỷ đảng, chính quyền để có điều chỉnh kịp thời. Khi chủ trương đúng thì vận động nhân dân từng bước, làm cho họ thấu hiểu, tích cực thực hiện. Việc nào chưa phù hợp thì tham mưu để cấp uỷ đảng, chính quyền từng bước điều chỉnh sát thực tế hơn.

Bốn là , cán bộ dân vận phải gần gũi, sâu sát “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để hiểu, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Để làm được công việc này đòi hỏi cán bộ dân vận phải nhiệt tình, tâm huyết với công việc, không quản ngại khó khăn, thường xuyên đi đến tận nơi để trao đổi, chia sẻ với nhân dân. Đặc biệt là với người dân ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo để vận động, thuyết phục, lôi kéo nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của chính quyền.

Năm là , kỹ năng thuyết phục nhân dân của cán bộ dân vận, hiểu từng đối tượng mỗi người dân để nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Tùy từng lĩnh vực công tác của cán bộ dân vận mà có các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân phù hợp. Cán bộ dân vận sau khi nắm nghị quyết, tùy từng đối tượng nhân dân mà có cách tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân nghe, làm theo thì đó mới đem lại kết quả.

Sáu là , việc nêu gương của cán bộ đóng vai trò quyết định đến hiệu quả công tác dân vận. Nghĩa là cán bộ làm công tác dân vận nói đi đôi với làm, giải quyết, xử lý mọi việc có lý, có tình thì nhân dân mới tin. Quần chúng nhân dân là số đông trong xã hội, mỗi người có những suy nghĩ, điều kiện, môi trường, hoàn cảnh khác nhau. Để nhân dân hiểu, tin làm theo cán bộ làm công tác dân vận luôn là những người có uy tín để nhân dân gửi gắm niềm tin. Thông qua thực tiễn công tác, sinh hoạt, đạo đức lối sống của cán bộ cũng như gia đình hoặc nêu gương tốt để thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định địa phương.

Có thể thấy, công tác dân vận có vai trò rất quan trọng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cán bộ dân vận đóng vai trò là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Do đó, các cấp ủy đảng phải lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, có uy tín, sức khỏe, nhiệt tình yêu nghề, cảm thông chia sẻ với mọi người trong xã hội. Trước đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, chú trọng xây dựng kỹ năng công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ là yêu cầu rất cần thiết hiện nay.

----------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 6, tr.232, 234.

Nguồn: TS. Vũ Xuân Thủy, Học viện Chính trị khu vực III/xaydungdang.org.vn

( http://xaydungdang.org.vn/Home/Can-bo/2021/15167/Xay-dung-ky-nang-cho-doi-ngu-can-bo-dan-van-hien.aspx )


    Ý kiến bạn đọc