Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân
EmailPrintAa
17:03 24/04/2020

Hà Tĩnh, từ một địa phương có nguy cơ cao đã chuyển sang nhóm các tỉnh nguy cơ thấp về lây lan dịch bệnh. Nhìn lại kết quả đáng tự hào của những ngày toàn Đảng, toàn dân đồng lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy lùi dịch Covid-19, cũng là lúc Hà Tĩnh đúc rút được những bài học kinh nghiệm quý báu, vừa phòng dịch dài hơi, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bài học kinh nghiệm được đúc kết qua hơn 3 tháng lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch đã được Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh, đó là: Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối; cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, bài bản; nhân dân đồng lòng, chung sức.

Đảng lãnh đạo toàn diện, cả hệ thống chính trị vào cuộc

Sớm nhận định Hà Tĩnh là địa phương có nguy cơ dịch xâm nhập cao do nhiều yếu tố như: có cửa khẩu quốc tế, có đường biên giới, lao động ở nước ngoài nhiều… ngay từ cuối tháng 1/2020, khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên trên cả nước, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (BCĐ) tỉnh, đồng thời khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn.

Tại các cuộc họp BCĐ, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng BCĐ Lê Đình Sơn luôn chỉ đạo cụ thể, sát sườn, trúng trọng tâm đối với từng nội dung, đầu việc. Ảnh: Phúc Quang.

Đến ngày 17/3, trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp, khó lường, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất kiện toàn BCĐ cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

Các BCĐ cấp huyện, xã theo đó cũng được kiện toàn, do bí thư cấp ủy các cấp làm trưởng ban. Vào ngày 21/3, Hà Tĩnh ghi nhận ca bệnh đầu tiên. Nhờ có các phương án phòng chống dịch bài bản, căn cơ với phương châm: “Xây dựng tình huống xấu nhất để có phương án tốt nhất”, chúng ta đã chủ động bước vào “cuộc chiến” đầy cam go, thử thách.

Bám sát diễn biến dịch bệnh, BCĐ tỉnh đã phát huy rõ nét vai trò của một cơ quan tổng chỉ huy. Tại các cuộc họp BCĐ, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng BCĐ đã tiếp thu đầy đủ tình hình, diễn biến dịch bệnh, những khó khăn, vướng mắc hay vấn đề phát sinh từ cơ sở từ các thành viên. Qua đó có sự chỉ đạo cụ thể, sát sườn, trúng trọng tâm đối với từng nội dung, từng đầu việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng chủ trì hội nghị bàn một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

15 văn bản chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành; 14 văn bản của Ban Chỉ đạo tỉnh về các nhiệm vụ cụ thể đã ban hành để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời về công tác phòng chống dịch. Ở những thời điểm cấp bách, Công điện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành ngay trong đêm để giúp cả hệ thống chính trị phản ứng nhanh trong bối cảnh công tác phòng chống dịch bệnh chuyển sang giai đoạn mới.

Trên cơ sở các văn bản của BCĐ, UBND tỉnh đã ban hành 137 văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch, đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đối với từng cấp độ dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh đã kiểm soát chặt các đầu mối giao thông, cửa khẩu, đường biên; đưa hơn 7.000 công dân từ Lào, Thái Lan trở về vào các khu cách ly tập trung, nhờ đó cả 4 ca bệnh dương tính từ Thái Lan trở về đã được cách ly, theo dõi, phát hiện, điều trị kịp thời.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc vận hành hệ thống xét nghiệm tại CDC Hà Tĩnh.

2 phòng xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 sớm được đưa vào hoạt động kịp thời đã giúp tỉnh chủ động sàng lọc, xét nghiệm, phát hiện các ca bệnh, đồng thời xét nghiệm toàn bộ công dân khi hoàn thành thời gian cách ly trả về địa phương. Tỉnh cũng chủ động nâng cấp, kiện toàn 14 cơ sở y tế thực hiện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trên “mặt trận” không tiếng súng, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp cũng đã phát huy cao độ vai trò tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân tham gia. Thông qua lời kêu gọi của MTTQ tỉnh, đông đảo nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp và người dân đã chung tay góp sức với tinh thần tất cả cho tuyến đầu chống dịch. Sau 1 tháng phát động, toàn tỉnh đã nhận được tổng số tiền và hiện vật hơn 63 tỷ đồng.

Chị em phụ nữ Hà Tĩnh tiếp tế thực phẩm đến các điểm cách ly

Hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội nhanh chóng chuyển trọng tâm sang tham gia phòng chống dịch. Hàng ngàn hội viên phụ nữ, nông dân, đoàn viên công đoàn ở các địa phương không quản ngại vất vả, thức khuya, dậy sớm hỗ trợ đắc lực cho công tác hậu cần tại 300 khu cách ly tập trung; lực lượng đoàn viên xung kích trong các đội phản ứng nhanh tham gia tuyên truyền, phòng chống dịch, hỗ trợ người dân thực hiện khai báo y tế...

Ban hành chính sách kịp thời, tranh thủ tối đa nguồn lực

“Chống dịch như chống giặc”, Hà Tĩnh là một trong những địa phương sớm ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời. Cùng với thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đối với người được cách ly y tế, chế độ bồi dưỡng người tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch và một số cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch.

Ông Trần Đình Bân - Tổ trưởng Tổ dân phố Hợp Tiến, phường Kỳ Long (TX Kỳ Anh) nhận tiền bồi dưỡng tại UBND phường sáng 16/4. Ảnh: Thu Hà.

Đến thời điểm này, tổng kinh phí bố trí để thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch đạt trên 170 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã trích ngân sách hơn 25 tỷ đồng hỗ trợ bồi dưỡng thêm cho cán bộ thôn, tổ dân phố, tổ liên gia làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Quan tâm hàng đầu về các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, giúp những đối tượng dễ tổn thương vượt qua khó khăn của dịch bệnh, tại nhiều cuộc họp BCĐ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: “Đây là việc cần phải làm ngay và cần được triển khai khẩn trương nhất”.

Tranh thủ Nghị quyết số 42 ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, với tinh thần không bỏ sót đối tượng, không để người dân khó khăn phải chờ đợi lâu, đến nay Hà Tĩnh đã hoàn thành rà soát 3 nhóm đối tượng với 207.546 người thuộc diện xem xét, giải quyết theo chính sách; dự kiến sẽ tiến hành chi trả vào đầu tháng 5 với tổng kinh phí thực hiện 234,972 tỷ đồng. Đồng thời tỉnh giao cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh đối với những trường hợp khó khăn nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 42.

Tâm huyết, trách nhiệm, bám sát “trận địa” chống dịch

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhận định: Chuyển sang nhóm địa phương nguy cơ thấp, Hà Tĩnh bước vào giai đoạn chủ động thích ứng với dịch bệnh. Theo đó vừa kiên trì, kiên quyết phòng dịch, đồng thời nỗ lực cao, có giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển.

Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh sản xuất sợi tại xưởng. Ảnh:PV

Bài học kinh nghiệm và cũng chính là yêu cầu đặt ra cho giai đoạn chống dịch mới đã được Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhiều lần nhấn mạnh: Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, mỗi người đứng đầu cần nêu cao trách nhiệm, tâm huyết dám làm, dám chịu trách nhiệm để có sự ứng phó linh hoạt, triển khai quyết liệt các giải pháp. Sức khỏe, sự an toàn của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội đều là những yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết, cần tiếp tục có sự vào cuộc bài bản, quyết liệt và quyết tâm cao.

Giai đoạn thực hiện mục tiêu kép, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ từng bước được nới rộng sẽ dễ nảy sinh sự chủ quan, dễ vi phạm những quy định phòng chống dịch và tăng nguy cơ xâm nhập, lây lan dịch bệnh. Bởi vậy, càng đòi hỏi các cấp, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước không được phép lơ là, rời “trận địa” chống dịch, thường xuyên bám sát thực tiễn để tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát, xử phạt nghiêm minh nhằm chủ động ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan.

Các quầy hàng không thiết yếu đã mở cửa trở lại từ ngày 23/4, sau khi Hà Tĩnh chuyển sang nhóm nguy cơ thấp về lây lan dịch bệnh. Ảnh: PV

Cuộc chiến chống dịch giai đoạn mới, theo nhận định của nhiều người sẽ không kém phần khó khăn, phức tạp vì “giặc dịch” càng vô hình thì càng nguy hiểm, trong khi yêu cầu phát triển KT- XH đặt ra bức thiết.

Bởi vậy, phát huy năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, Hà Tĩnh quyết tâm dồn sức tập trung cao độ phòng chống dịch, đồng thời nỗ lực cao nhất để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân.

Nguồn: Mai Thủy/baohatinh.vn


    Ý kiến bạn đọc