Huyện ủy tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện
Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/HU, ngày 31/03/2021 “Về lãnh đạo, chỉ đạo tập trung ruộng đất xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn, nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất, thúc đẩy tích tụ ruộng đất liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”. Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chương trình hành động số 59-CTr/HU, ngày 11/5/2022 về việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU; Hội đồng nhân dân huyện ban hành Nghị quyết số 82/NQ-HĐND ngày 27/12/2021 về việc thông qua một số nội dung hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022 - 2025; Ủy ban nhân dân các cấp đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, Tổ thẩm định phương án tập trung, tích tụ ruộng đất.
Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn huyện có 08/23 xã, thị trấn chuyển đổi ruộng đất theo hình thức dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích thực hiện gần 1.000 ha, chiếm 10% tổng diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện, trong đó xã Yên Hòa đạt gần 70%, xã Cẩm Dương đạt 49% tổng diện tích đất trồng lúa; ngoài ra, thực hiện dồn điền đổi thửa, diện tích phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn được trên 2.186,4 ha. Trong đó, năm 2022, tổ chức làm điểm tại thôn Đông Đoài, xã Nam Phúc Thăng và thôn Trung Tiến, xã Cẩm Dương với diện tích 103 ha; năm 2023, tập trung thực hiện tại 05 xã: Cẩm Lạc, Cẩm Quan, Cẩm Dương, Yên Hòa, Nam Phúc Thăng với diện tích 835 ha; năm 2024, đang triển khai thực hiện tại 04 xã: Cẩm Minh, Cẩm Thành, Nam Phúc Thăng, Cẩm Lạc với diện tích đăng ký trên 500 ha.
Chuyển đổi ruộng đất tại xã Nam Phúc Thăng
Sau thực hiện chuyển đổi, số thửa giảm đáng kể, diện tích mỗi thửa tăng lên, các trục đường chính được mở rộng. Nhiều địa phương thực hiện tốt, như: Thôn Đông Đoài (Nam Phúc Thăng), diện tích trước chuyển đổi 73 ha với 445 thửa nhỏ của 205 hộ dân, sau chuyển đổi còn lại 70 thửa lớn và 221 thửa nhỏ, bình quân mỗi thửa 3.315m 2 , các trục đường chính nội đồng trước chuyển đổi 03m, sau chuyển đổi 07m; tại thôn Trung Tiến (Cẩm Dương), diện tích trước chuyển đổi 36 ha với 390 thửa của 96 hộ dân, sau chuyển đổi còn 42 ô thửa lớn, 103 ô thửa nhỏ, diện tích bình quân mỗi thửa 3.300m 2 ... Công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau chuyển đổi cũng được quan tâm thực hiện; đến nay có 88/96 hộ dân tại thôn Trung Tiến (Cẩm Dương) và 195/205 hộ tại thôn Đông Đoài (Nam Phúc Thăng) đã được cấp đổi giấy chứng nhận sau chuyển đổi; đối với 05 xã thực hiện năm 2023, đến thời điểm hiện tại đã tổ chức công tác kê khai xây dựng hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc tập trung, tích tụ ruộng đất đã khắc phục tình trạng ruộng manh mún, nhỏ lẻ, tạo ra những thửa ruộng lớn, hình thành vùng sản xuất tập trung với hệ thống tưới tiêu hợp lý, thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất. Nhìn chung, sau chuyển đổi, hiệu quả sản xuất được nâng lên rõ rệt, tăng từ 16-20%, tiêu biểu như: Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, sử dụng công nghệ máy cấy, mạ khay đối với giống lúa ST 25 tại xã Cẩm Bình, Cẩm Quang, Cẩm Thành; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa (trồng lúa kết hợp nuôi cá) tại xã Cẩm Lạc, Cẩm Bình… Chủ trương và thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao; Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền giai đoạn đầu còn lúng túng; một số phòng, ban, ngành cấp huyện, ủy ban nhân dân xã, thị trấn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện; sự phối hợp giữa các phòng ngành, thành viên Ban Chỉ đạo chưa hiệu quả, thiếu theo dõi, đôn đốc thực hiện; một số cán bộ mới tiếp cận, chưa có kinh nghiệm trong thực hiện dồn điền, đổi thửa; ngân sách các cấp đầu tư hạn chế.
Thời gian tới, huyện Cẩm Xuyên cần tiếp tục tập trung cao thực hiện chủ trương, nghị quyết của tỉnh, của huyện về tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tăng cường công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình trong và ngoài tỉnh. Tăng cường vận động kêu gọi các các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân liên kết sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tại vùng đã thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất tạo chuyển biến mới trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Rà soát, cập nhật và tổ chức lồng ghép có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, của huyện. Tổ chức cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính, đảm bảo công tác quản lý đất đai trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của huyện.
Đặng Thị Nga (Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Cẩm Xuyên)
Tin mới cập nhật
- Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ( 04/11)
- Phát triển công nghiệp nông thôn từ thế mạnh địa phương ( 22/10)
- Huyện Kỳ Anh tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 ( 02/10)
- Nông thôn mới và những trăn trở về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nông thôn ( 21/09)
- Thạch Hà phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024 ( 19/09)